Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói gì sau vụ ngai vua bị phá hoại

Vụ việc Bảo vật quốc gia - ngai vua triều Nguyễn - bị một đối tượng loạn thần đập phá tại điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) gây chấn động và phẫn nộ dư luận. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đã có những trao đổi về công tác bảo vệ di sản, hoạt động trưng bày và tiến trình phục hồi bảo vật vừa bị phá hoại.

Tăng cường quản lý

Thưa ông, ngai vua triều Nguyễn bị du khách phá hoại là sự cố nghiêm trọng vừa xảy ra tại điện Thái Hòa (Đại Nội Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có những động thái cụ thể nào để đánh giá và xử lý vụ việc?

- Ông Hoàng Việt Trung: Qua sự cố nghiêm trọng vừa xảy ra, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tiến hành kiểm điểm toàn diện, từ đó hoàn thiện phương án về an ninh bảo vệ, bảo quản, trưng bày và tổ chức tham quan trong thời gian tới.

Ngai vua triều Nguyễn trước khi bị phá hoại

Ngai vua triều Nguyễn trước khi bị phá hoại

Về việc xử lý hiện vật bị hư hại, Trung tâm đã có báo cáo gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa, đồng thời làm việc trực tiếp và bằng văn bản để xin ý kiến chỉ đạo. Trung tâm sẽ thành lập hội đồng chuyên môn nhằm đánh giá tình trạng hiện vật. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng phương án bảo quản, phục hồi và sửa chữa phù hợp, đúng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Đây là một sự cố hy hữu, để lại bài học lớn trong công tác quản lý và gìn giữ di sản.

Một kết cấu của chiếc ngai bảo vật quốc gia bị một đối tượng loạn thần phá hỏng

Một kết cấu của chiếc ngai bảo vật quốc gia bị một đối tượng loạn thần phá hỏng

Công tác bảo vệ cổ vật, bảo vật quốc gia, bảo vệ di sản văn hóa tại Quần thể di tích Cố đô Huế sẽ được siết chặt như thế nào sau vụ việc này, thưa ông?

- Ông Hoàng Việt Trung: Từ sự việc này, Trung tâm sẽ siết chặt lại toàn bộ quy trình, từ cơ sở vật chất, kỹ năng ứng phó, con người đến công cụ hỗ trợ. Đặc biệt, lực lượng bảo vệ sẽ được tập huấn kỹ lưỡng hơn để xử lý các tình huống khẩn cấp, bất ngờ.

Điều quan trọng nhất là phải có giải pháp chủ động phòng ngừa những sự cố tương tự. Hiện Trung tâm đã mời các chuyên gia công nghệ đề xuất các giải pháp ứng dụng cảm biến hiện đại, có khả năng cảnh báo sớm, thậm chí nhận diện hành vi bất thường của du khách bằng công nghệ AI.

Liên quan đến phương án tổ chức tham quan, Trung tâm đang tiếp nhận nhiều ý kiến khác nhau. Có đề xuất lắp đặt hộp kính lớn để bảo vệ ngai vàng, tuy nhiên phương án này từng được cân nhắc trước đây và đánh giá là không phù hợp, do có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian thẩm mỹ và tính nguyên bản của di tích. Bởi ngai vàng là một bộ phận trong tổng thể bảo vật và không gian kiến trúc di sản, cần được bảo tồn trong mối liên kết hài hòa.

Một chiếc ngai mô phỏng đã được đặt lại tại vị trí bảo vật vừa bị phá hoại

Một chiếc ngai mô phỏng đã được đặt lại tại vị trí bảo vật vừa bị phá hoại

Sau khi tổng hợp các ý kiến, Trung tâm sẽ trình phương án lên lãnh đạo cấp trên để thống nhất, đảm bảo vừa bảo vệ hiện vật hiệu quả, vừa giữ được giá trị thẩm mỹ và phục vụ trải nghiệm cho du khách.

Trung tâm đánh giá như thế nào về đề xuất di dời ngai vàng vào trong nội điện để bảo vệ hiện vật tốt hơn?

- Ông Hoàng Việt Trung: Về đề xuất di dời ngai vàng vào trong nội điện để bảo vệ, chúng tôi cho rằng phương án này không hợp lý vì sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm tham quan của du khách. Quần thể Di tích Cố đô Huế rất rộng lớn, nên cần có phương án bảo vệ thực sự chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, vừa đảm bảo an toàn cho di tích, vừa không làm gián đoạn dòng khách tham quan.

Đối với từng bảo vật, cần có giải pháp bảo vệ riêng. Chúng tôi đã họp với các ban ngành liên quan để phân tích kỹ, rút kinh nghiệm từ sự cố vừa qua, nhằm hoàn thiện phương án bảo vệ.

Lực lượng bảo vệ tại di tích là những người làm việc rất tận tụy. Họ là người của Trung tâm chứ không phải vệ sĩ được đơn vị hợp đồng bảo vệ di tích, cổ vật. Toàn Trung tâm có khoảng 140 nhân viên bảo vệ. Họ không chỉ giữ gìn an ninh mà còn kiêm nhiệm công việc hướng dẫn du khách, vệ sinh khu vực. Tuy nhiên, do khối lượng công việc lớn nên khó tránh khỏi sai sót. Khi sự cố xảy ra, nhiều ý kiến dư luận đi theo chiều hướng chưa tích cực, gây áp lực lên lực lượng bảo vệ.

Công tác bảo vệ hiện vật tại đây đã có từ hàng chục năm, được duy trì và cải tiến qua từng giai đoạn. Việc bảo quản được lên kế hoạch định kỳ, với sự tham gia của các chuyên gia có chuyên môn, bên cạnh công tác chuyên môn của bảo vệ đối với hiện vật, bảo vật. Hiện tại, Trung tâm đang quản lý nhiều loại cổ vật với vật liệu khác nhau, nên yêu cầu kỹ thuật bảo tồn cũng rất đa dạng.

Tập huấn, trang bị công cụ hỗ trợ cho bảo vệ

Trung tâm phản hồi thế nào trước những ý kiến của dư luận cho rằng, lực lượng bảo vệ phản ứng chậm trong vụ việc vừa rồi? Trung tâm có kế hoạch gì để hỗ trợ và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ?

- Ông Hoàng Việt Trung: Liên quan đến phản ứng xử lý sự cố, chúng tôi khẳng định lực lượng bảo vệ đã hành động phù hợp với tình huống. Đối tượng gây ra vụ việc mang theo hung khí và có dấu hiệu loạn thần, do đó bảo vệ phải rất thận trọng để tránh tình huống đối tượng tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng hơn.

Về tiêu chuẩn nghiệp vụ bảo vệ di tích hiện nay, thực tế chưa có hệ thống tiêu chuẩn cụ thể nào được cấp phát chính thức. Tuy nhiên, đội ngũ bảo vệ vẫn được tập huấn định kỳ và có phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an. Trước đây, từng có hệ thống công cụ hỗ trợ được cấp phát, nhưng đã bị thu hồi do thời gian sử dụng quá lâu.

Hiện chúng tôi đã kiến nghị trang bị lại các công cụ như dùi cui, roi điện…, song để sử dụng các thiết bị này thì cần phải có lớp đào tạo chuyên môn đầy đủ, nhằm tránh các sự cố đáng tiếc, đặc biệt là liên quan đến tính mạng con người.

Sau khi hoàn tất các đợt tập huấn nghiệp vụ, chúng tôi sẽ triển khai chủ trương trang bị thêm các công cụ hỗ trợ để nâng cao hiệu quả bảo vệ bảo vật. Về cơ bản, tôi đã phê duyệt chủ trương này, chỉ còn chờ hoàn thiện các bước cần thiết để thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

Liên quan vụ việc, ngày 26/5, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế, trực tiếp kiểm tra công tác bảo vệ di tích và hiện vật tại Quần thể di tích Cố đô Huế, đặc biệt là tại điện Thái Hòa, nơi vừa xảy ra vụ phá hoại nghiêm trọng ngai vàng triều Nguyễn - một bảo vật quốc gia. Ông Bình đã chỉ đạo tổ chức đánh giá toàn diện sự việc, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm để không lặp lại những vụ việc tương tự.

Ngọc Văn - Thế Nghĩa

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giam-doc-trung-tam-bao-ton-di-tich-co-do-hue-noi-gi-sau-vu-ngai-vua-bi-pha-hoai-post1745733.tpo
Zalo