Giám đốc thẩm: Nguy cơ trở thành cấp xét xử thứ ba
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, giai đoạn 2018-2022, các Tòa án phải giải quyết hơn 46.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và đã giải quyết được hơn 41.000 đơn. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã bày tỏ nguy cơ 'giám đốc thẩm trở thành cấp xét xử thứ ba'.
Vụ án “tranh chấp đất đai” tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, diễn ra từ năm 2007, đến nay vẫn chưa kết thúc. Vụ án đã trải qua 3 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần xét xử phúc thẩm, 2 lần xét xử giám đốc thẩm. Hiện nay, vụ án đang quay trở lại cấp xét xử sơ thẩm. Thậm chí đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với… Quyết định giám đốc thẩm.
Hàng năm, các Tòa án đã phải giải quyết hơn chục ngàn đơn đề nghị giám đốc thẩm. Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bày tỏ lo ngại nguy cơ Giám đốc thẩm trở thành một cấp xét xử.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng chia sẻ thực trạng cứ một bản án có hiệu lực thi hành là có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Rõ ràng, khi các tổ chức, cá nhân có liên quan trong một vụ án mà còn thấy chưa hài lòng với bản án, thì sẽ phát sinh đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm. Như vậy, để hạn chế nguy cơ “giám đốc thẩm trở thành một cấp xét xử”, bên cạnh những giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật để khắc phục tình trạng “tố tụng không có điểm dừng”, thì các cơ quan tư pháp cũng phải nâng chất lượng hoạt động của mình lên để tạo niềm tin cho người dân, tin vào bản án và chấp hành.
Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam