Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair: Trung tâm tài chính quốc tế là 'cú hích' quan trọng cho nền kinh tế

Theo ông Richard McClellan, trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là một dự án xây dựng đơn thuần, mà là một phương án quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Ông Richard McClellan, Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair

Ông Richard McClellan, Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair

Thời khắc quan trọng của nền kinh tế

Chia sẻ tại Diễn đàn CFO Hà Nội 2025, ông Richard McClellan, Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair ví von nền kinh tế Việt Nam như một bức tranh nhiều sắc thái, pha trộn giữa những thành tựu tăng trưởng đáng tự hào cùng những thử thách phía trước.

Theo ông McClellan, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tựu kinh tế, với quỹ đạo phát triển rất giống với nhiều “con hổ châu Á” từng đi qua. Từ mức 90% người dân sống dưới mức nghèo đói theo chuẩn World Bank, xuống chỉ còn khoảng 20%. Thậm chí, mức này giảm xuống chỉ còn khoảng 5% nếu sử dụng các tiêu chuẩn của Việt Nam.

“Đây là một thành tựu phi thường, minh chứng cho hiệu quả của chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những thập kỷ qua”, ông McClellan nhìn nhận.

Song hành với đó, chính sách ngoại giao “cây tre” cũng mang lại những hiệu ứng rất tích cực, thể hiện qua sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam.

Hàng loạt các hiệp định thương mại tự do và quan hệ đối tác chiến lược được ký kết đã tạo ra những cơ hội chưa từng có tiền lệ cho nền kinh tế.

Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia có khả năng thu hút và duy trì quan hệ tốt đẹp với các cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Nga. Chiến lược khôn ngoan và hiệu quả đã mang lại lợi ích to lớn cho đất nước.

Trong năm 2025, vị chuyên gia dự báo, nền kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, với GDP có thể tăng khoảng 6,5% so với năm 2024.

Đánh giá cao nền kinh tế Việt Nam, song Giám đốc của Viện Tony Blair nhìn nhận, đây cũng là thời điểm Việt Nam phải đối mặt với thách thức duy trì đà tăng trưởng.

“Trong thuật ngữ phát triển, chúng tôi gọi đây là bẫy thu nhập trung bình. Đây là thời điểm các quốc gia bắt đầu đi ngang, như Malaysia hay Thái Lan là các ví dụ điển hình. Các quốc gia này đều ghi nhận những thành tựu tăng trưởng đáng kể, nhưng sau đó ‘mắc kẹt’ lại, không thể vươn tới nhóm quốc gia thu nhập cao”, ông McClellan chia sẻ.

Nguyên nhân chủ đạo là khi chi phí lao động tăng lên, các quốc gia dần mất đi lợi thế cạnh tranh về giá cả, dẫn đến sự dịch chuyển các ngành công nghiệp sản xuất giá trị thấp sang các quốc gia khác.

Điều này sẽ gây ra sự trì trệ kinh tế nếu Việt Nam không có chiến lược chuyển đổi hiệu quả.

Vẫn có những trường hợp các quốc gia bứt phá khỏi giai đoạn này, có thể kể tới Hàn Quốc hay Singapore. Chính vì vậy, ông McClellan nhìn nhận, “Việt Nam đang trong một thời khắc quan trọng, nơi đất nước có thể bứt phá hoặc chững lại đà tăng trưởng”.

Lời giải mang tên trung tâm tài chính quốc tế

Để giải quyết bài toán của Việt Nam, ông McClellan đặc biệt nhấn mạnh mô hình trung tâm tài chính quốc tế.

Đây cũng đang là tâm điểm của các cuộc thảo luận về tương lai kinh tế Việt Nam. Theo kế hoạch của Chính phủ, sẽ có hai trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM và Đà Nẵng sẽ được thành lập, vận hành trong 2025.

Tuần trước, ông McClellan đã ở TP. HCM và chứng kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố dự án trung tâm tài chính. Dự kiến trong tuần tới, một cuộc thảo luận tương tự sẽ diễn ra tại Đà Nẵng.

Vị chuyên gia kinh tế phân tích, các trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là một dự án xây dựng đơn thuần, mà hướng tới hiện đại hóa hệ thống tài chính Việt Nam để thu hút dòng vốn nước ngoài.

Theo ông McClellan, có bốn khía cạnh chính của kế hoạch phát triển các trung tâm tài chính.

Đầu tiên là cải cách khung pháp lý. Dưới góc độ quốc tế, các tổ chức đặc biệt quan tâm tầm quan trọng của việc hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế như IFRS và ESG reporting là cần thiết để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế.

Sự ra đời của một tòa án tài chính độc lập, với sự tham gia của các thẩm phán quốc tế, sẽ góp phần đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong giải quyết tranh chấp.

Tiếp đó là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đăng ký doanh nghiệp, là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư nước ngoài. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, tham gia vào thị trường Việt Nam.

Các trung tâm tài chính còn thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tài chính hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Điều này bao gồm việc mở rộng thị trường trái phiếu, phát triển các sản phẩm tài chính phái sinh, và hỗ trợ fintech.

Cuối cùng, trung tâm tài chính có vai trò quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính. Bất kỳ một nền kinh tế phát triển nào cũng cần một đội ngũ nhân sự cao cấp trong lĩnh vực này.

Dù tiềm năng, việc xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, việc thay đổi tư duy, nâng cao năng lực quản lý và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành là điều kiện tiên quyết để thành công.

Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường tài chính quốc tế cũng đòi hỏi Việt Nam phải có những chiến lược phát triển phù hợp.

"Xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là một dự án đơn thuần mà là một chiến lược dài hạn, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị, sự đầu tư mạnh mẽ và sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, khu vực tư nhân và cộng đồng quốc tế. Thành công của dự án này sẽ tạo ra một cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới", Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair nhìn nhận.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/giam-doc-quoc-gia-vien-tony-blair-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-la-cu-hich-quan-trong-cho-nen-kinh-te-d38632.html
Zalo