'Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên đưa pháp luật vào đời sống'

Hội Luật gia tỉnh Bình Phước đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải khiếu nại

Với phương châm đưa pháp luật về cơ sở, những năm qua Hội Luật gia tỉnh Bình Phước đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải khiếu nại... Qua đó, trở thành chỗ dựa pháp lý tin cậy cho người dân.

Triển khai thành công nhiều mô hình mới

Hội Luật gia tỉnh Bình Phước hiện có 7 chi hội trực thuộc, 1 trung tâm tư vấn pháp luật, với hơn 372 hội viên. Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Trọng Trí, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bình Phước cho biết, xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là khâu đầu tiên để đưa pháp luật vào đời sống, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, Thường trực huyện Hội luôn quan tâm chỉ đạo các chi hội cơ sở kết hợp tuyên truyền với tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý.

Hội Luật gia tỉnh Bình Phước được UBND tỉnh tặng cờ thi đua.

Hội Luật gia tỉnh Bình Phước được UBND tỉnh tặng cờ thi đua.

Nếu như trước đây, Hội Luật gia tỉnh Bình Phước chủ yếu phổ biến giáo dục pháp luật bằng hình thức trực tiếp, trong 5 năm trở lại đây, các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được mở rộng như: tư vấn lưu động, tư vấn qua điện thoại, tư vấn theo phiếu yêu cầu, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật tại các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2019-2024, Hội triển khai với kết quả trên 152 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật cho 11.740 lượt người tham dự, cấp phát 11.740 bộ tài liệu có nội dung pháp luật liên quan đến đời sống người dân.

Luật gia Phan Thị Vân (bên trái) cùng với Chi hội phụ nữ ấp 3, xã Tân Lập đến tuyên truyền pháp luật cho công dân tái hòa nhập cộng đồng.

Luật gia Phan Thị Vân (bên trái) cùng với Chi hội phụ nữ ấp 3, xã Tân Lập đến tuyên truyền pháp luật cho công dân tái hòa nhập cộng đồng.

Luật gia Phan Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Phước cho biết: “Trong quá trình đưa pháp luật đến với người dân, chúng tôi đã tư vấn nhiều vấn đề người dân quan tâm, như chế độ, chính sách, điểm mới của các dự án luật. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên đến tận nhà tư vấn cho người dân gặp khó khăn trong việc đi lại. Rất nhiều trường hợp đã thành công, đặc biệt là nhóm người yếu thế đã được giải quyết vấn đề một cách thấu tình, đạt lý”.

Cùng với đó, hoạt động trợ giúp pháp lý được hội viên ở các cấp hội quan tâm thực hiện thông qua hoạt động nghiệp vụ của mỗi hội viên, đặc biệt là hội viên công tác tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Phước thuộc Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước, từ năm 2019 đến nay đã tổ chức trợ giúp pháp lý được trên 3.000 lượt người, góp phần giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Ông Ngưu Tấn Tùng là người có uy tín, trong cộng đồng người dân tộc Khmer ở ấp 3 (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú).

Ông Ngưu Tấn Tùng là người có uy tín, trong cộng đồng người dân tộc Khmer ở ấp 3 (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú).

Tỉnh Bình Phước có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 19,67%. Trong năm 2024, Hội Luật gia tỉnh Bình Phước đã ký kết kế hoạch với Ban dân tộc UBND tỉnh Bình Phước để thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

“Trước đây, phần lớn đồng bào dân tộc chỉ sống và làm việc theo phong tục, tập quán riêng, khó có thể áp dụng các điều khoản pháp luật hiện hành. Để giải quyết bài toán ấy, Hội đã đề cao vai trò, trách nhiệm của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng”, luật gia Đỗ Minh Chánh, Chi hội trưởng chi hội văn phòng Hội Luật gia tỉnh Bình Phước chia sẻ với PV.

Đón nhận hiệu ứng tích cực từ cơ sở

Thôn Đăk La (xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) tập trung rất đông đồng bào người Stiêng. Trong cuộc trò chuyện về sự phát triển của thôn, già làng Điểu Sóc chia sẻ với niềm vui: “Trước đây, đồng bào Stiêng có phong tục lạc hậu như hôn nhân cận huyết thống để bảo vệ của cải và tục tảo hôn để có người lao động. Những năm trước, thôn còn xảy ra tình trạng bán điều bông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, kéo theo đó là nạn đói nghèo kéo dài. Nhờ tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật do Hội Luật gia tỉnh Bình Phước phối hợp với UBND xã Đắk Nhau tổ chức, tôi đã hiểu rõ hơn về các kiến thức và phương pháp. Sau đó, tôi cùng với Ban quản lý thôn tuyên truyền, vận động bà con thay đổi cách suy nghĩ và hành động. Từ đó, những hành vi vi phạm pháp luật đã giảm bớt, các hủ tục mê tín dị đoan được xóa bỏ, người dân tập trung phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống”.

Già làng Điểu Sóc (bên phải ngoài cùng) cùng với ban ấp đến tuyên truyền cho bà con người Đồng bào vận động bà con thay đổi cách suy nghĩ và hành động. Từ đó, những hành vi vi phạm pháp luật đã giảm bớt, các hủ tục mê tín dị đoan được xóa bỏ, người dân tập trung phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Già làng Điểu Sóc (bên phải ngoài cùng) cùng với ban ấp đến tuyên truyền cho bà con người Đồng bào vận động bà con thay đổi cách suy nghĩ và hành động. Từ đó, những hành vi vi phạm pháp luật đã giảm bớt, các hủ tục mê tín dị đoan được xóa bỏ, người dân tập trung phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Ông Ngưu Tấn Tùng là người có uy tín, trong cộng đồng người dân tộc Khmer ở ấp 3 (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú). Trong quá trình tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con nhân dân địa phương, ông Tùng thường nhắc “Mỗi nhà, mỗi người dân hãy sống và làm việc theo pháp luật để góp phần giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao”.

Để tăng cường hiệu quả trong việc hỗ trợ bà con nhân dân, ông Ngưu Tấn Tùng còn chủ động lập nhóm Zalo, Facebook của thôn, hàng ngày gửi thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân cùng nắm vững.

Trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, ông Tùng cùng với ban thôn cũng ưu tiên truyền tải nhiều bài viết, thông điệp liên quan đến: Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Giao thông đường bộ; Luật Hôn nhân và gia đình...

“Sống, làm việc, ứng xử có pháp luật, cũng là lúc bà con đồng bào dân tộc thiểu số không còn xảy ra tình trạng du canh du cư, các tập tục lạc hậu hầu như bị xóa bỏ. Bà con càng tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống, tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc”, ông Ngưu Tấn Tùng nhấn mạnh.

Là một người từng lầm đường lạc lối, anh Ngưu A Thuận xúc động chia sẻ với PV: “Sau hơn 10 năm chịu án phạt, ngày trở về “nẻo sáng” của cuộc đời tôi ở ấp 3, xã Tân Lập đã trở nên dễ dàng hơn, nhờ cộng đồng vị tha và am hiểu pháp luật. Cũng trong ngày trở về, tôi còn được Hội Luật gia hỗ trợ pháp lý. Hiện tôi đã lập gia đình, được nhận làm công nhân trong khu công nghiệp và mở tiệm tạp hóa tại nhà, có thu nhập ổn định. Tôi cũng tích cực tham gia hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm ở địa phương và tích cực hưởng ứng hoạt động đoàn thể...”.

Mỗi giải pháp thiết thực, mỗi việc làm lan tỏa khẳng định Hội Luật gia tỉnh Bình Phước đã phát huy hiệu quả vai trò đưa pháp luật đến với người dân.

Nguyễn Văn Khánh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tuyen-truyen-pho-bien-giao-duc-phap-luat-la-khau-dau-tien-de-dua-phap-luat-vao-doi-song-204250108155602578.htm
Zalo