Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM kiến nghị 3 vấn đề liên quan đến Nghị quyết 57
Trong 3 kiến nghị, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM mong muốn được hưởng chính sách đầu tư của các địa phương và không áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Sáng 12-2, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đã có những chia sẻ chi tiết về vấn đề phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nội dung này cũng đã được ông nêu tại Hội nghị về chủ đề trên do Chính phủ tổ chức chiều 11-2.
Theo đó, năm nay, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ đăng ký thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 57 ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chương trình này có đến 11 nghị định cần phải xây dựng mới, có rất nhiều mục tiêu khác nhau. Trong đó, PGS.TS Vũ Hải Quân chia sẻ 5 vấn đề lớn mà ĐH Quốc gia TP.HCM đăng ký thực hiện.
ĐH Quốc gia TP.HCM đăng ký 5 nội dung lớn
Nội dung thứ nhất là vấn đề về đào tạo STEM. ĐH Quốc gia TPHCM có 3 chương trình về phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo hàng đầu Châu Á về chip bán dẫn, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo.
Trong đó, đặc biệt liên quan đến vấn đề khoa học dữ liệu và an ninh mạng. Trung tâm an ninh mạng của ĐH Quốc gia TPHCM chuyên nghiên cứu về phương án phòng, chống tấn công trên mạng đã được thành lập.
Ở lĩnh vực STEM, hiện nay, quy mô đào tạo của ĐH Quốc gia TPHCM là rất lớn, cả ĐH và sau ĐH là hơn 100.000 người học, lớn nhất cả nước. Ngay cả lĩnh vực công nghệ bán dẫn, thiết kế vi mạch… theo thống kê, cứ 100 kỹ sư thì có 53 kỹ sư tốt nghiệp ĐH Quốc gia TPHCM và điểm chuẩn đầu vào rất cao.
Như năm 2024, ĐH Quốc gia TPHCM mở rộng đào tạo, quy mô tuyển sinh khoảng 400 sinh viên cho 4 trường nhưng điểm chuẩn đầu vào rất cao so với các đơn vị khác.
Nội dung thứ hai là chương trình thu hút nhân tài. ĐH Quốc gia TP.HCM đã xây dựng chương trình và đã tuyển dụng 27 tiến sĩ từ các trường ĐH trên thế giới, trong đó có 7 người tốt nghiệp top 100 ĐH hàng đầu thế giới.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết gần đây, ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố chương trình giáo sư thỉnh giảng, mời các giáo sư, chuyên gia khoa học ở nước ngoài về ĐH Quốc gia trong vòng tối thiểu 10 ngày/1 năm và thực hiện các nghiên cứu giảng dạy từ xa qua mạng, ĐH Quốc gia TP.HCM hỗ trợ nguồn kinh phí.
Việc họ đến ĐH Quốc gia TPHCM không phải vì tiền bạc mà vì chất xám cho sinh viên và các thầy cô giáo trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM. Tức là các giáo sư thỉnh giảng quan tâm đến tài nguyên là chất xám của sinh viên chứ không phải vì tiền bạc mà họ tới.
Nội dung thứ ba là công bố quốc tế. Hiện nay, công bố quốc tế của ĐH Quốc gia TP.HCM khoảng 3.000 bài báo khoa học, chiếm khoảng hơn 13.6% tổng của cả nước và ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh công bố quốc tế.
Nội dung thứ tư là vấn đề bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư theo đúng tinh thần Nghị quyết 57. Với vấn đề này, PGS.TS Vũ Hải Quân bày tỏ mong muốn cho các trường như ĐH Quốc gia TP.HCM và các ĐH trọng điểm quyền được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư thì sẽ có cơ hội để thu hút các nhà khoa học đầu ngành về công tác.
Nội dung thứ năm là về đổi mới sáng tạo. Hiện nay, với nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, ĐH Quốc gia TP.HCM đang xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo với diện tích 42.000 mét vuông.
PGS.TS Vũ Hải Quânmong Nghị định sắp tới về đổi mới sáng tạo sẽ đưa ĐH Quốc gia TP.HCM trở thành một trung tâm, chi nhánh hay phân hiệu, cơ sở của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia kết nối với vùng Đông Nam Bộ.
![PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: P.ANH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_114_51455140/811e7f15495ba005f94a.jpg)
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: P.ANH
3 kiến nghị để ĐH Quốc gia phát triển
Tuy nhiên, để làm được những nội dung ĐH Quốc gia TP.HCM đăng ký, PGS.TS Vũ Hải Quân kiến nghị ba nội dung. Đồng thời, ông cũng mong những nội dung này sẽ được tích hợp vào trong Nghị định mới về ĐH Quốc gia, thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 57, trao quyền tự chủ để 2 ĐH Quốc gia thực sự phát triển. Cụ thể:
Thứ nhất, PGS.TS Vũ Hải Quân kiến nghị phải có cơ chế xã hội hóa đầu tư, để xây dựng ĐH Quốc gia thành một hệ sinh thái. Phải có cơ chế để ĐH Quốc gia huy động được nguồn lực xã hội.
Thứ hai là chính sách đầu tư của các địa phương. Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, ĐH Quốc gia TP.HCM nằm ở Đông Nam Bộ nhưng các địa phương có tiềm năng như TP.HCM không thể đầu tư trực tiếp được vì là đơn vị trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
TP.HCM có chương trình thu hút nhân lực, trả lương cao nhưng ĐH Quốc gia TP.HCM không tận dụng được. Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, nếu cho phép các ĐH như ĐH Quốc gia TP.HCM được sử dụng kinh phí từ các địa phương thì sẽ đa dạng hóa được nguồn lực.
Thứ ba là vấn đề về thuế. PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 nêu rõ: Nghiên cứu “không áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục đại học công lập và hoạt động không vì lợi nhuận”.
Nhưng thực tế, ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường thành viên vẫn nhận được yêu cầu đóng thuế. Việc này không phù hợp lắm với các trường ĐH phi lợi nhuận vì trong quá trình làm ĐH Quốc gia TP.HCM hoàn toàn không tính đến lợi nhuận.