Giám đốc CDC Mỹ: Việt Nam có nhiều lợi thế trong ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

Tại họp báo, Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam TS. Eric Dziuban cho biết đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh và xuất hiện ở 78 quốc gia, trong đó 71 quốc gia lần đầu ghi nhận ca bệnh. Chỉ trong vòng 1 tuần, tổng số ca đậu mùa khỉ trên toàn cầu đã tăng từ 16 nghìn lên 21 nghìn.

Ngày 29/6, TS. Eric Dziuban - Giám đốc văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã có buổi gặp gỡ trực tuyến với các nhà báo về bệnh đậu mùa khỉ. Ông đã chia sẻ về hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm chuẩn bị ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ và kế hoạch của CDC Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam.

1. Đậu mùa khỉ đang lây lan với tốc độ "chưa từng thấy" nhưng không dễ thành đại dịch

Nếu như trước đây, đậu mùa khỉ là căn bệnh rất hiếm gặp, chỉ xuất hiện lẻ tẻ và ổ dịch chỉ xuất hiện ở một vài nước lưu hành bệnh tại châu Phi, thì đợt dịch này có thể nói là chưa từng thấy. Bởi nó đã lây lan đến 78 quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, chỉ có 7 quốc gia trước đây từng ghi nhận đậu mùa khỉ. 71 quốc gia khác lần đầu tiên xuất hiện ca bệnh.

Chính do sự lây lan chưa từng thấy này mà WHO đã phải nâng đậu mùa khỉ thành tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam Eric Dziuban thông tin tới các nhà báo về bệnh đậu mùa khỉ cũng như hợp tác Mỹ và Việt Nam trong ứng phó với đậu mùa khỉ.

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam Eric Dziuban thông tin tới các nhà báo về bệnh đậu mùa khỉ cũng như hợp tác Mỹ và Việt Nam trong ứng phó với đậu mùa khỉ.

Theo số liệu WHO ngày 22/7, hiện nay tâm dịch đang nằm ở châu Âu với 11.865 ca bệnh, tiếp đến là châu Mỹ (3772 ca), châu Phi (301 ca). Tây Thái Bình Dương mới ghi nhận 54 ca. Khu vực Đông Nam Á mới ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.

NỘI DUNG:

1. Đậu mùa khỉ đang lây lan với tốc độ "chưa từng thấy" nhưng không dễ thành đại dịch
2. Những dấu hiệu mới, đặc điểm mới về đậu mùa khỉ
2.1 Triệu chứng, cách phòng bệnh
2.2. Đậu mùa khỉ dễ nhầm với các bệnh khác khi chẩn đoán - Phác đồ điều trị
3. Việt Nam đã chuẩn bị tốt nhằm ứng phó với đậu mùa khỉ
4. Ai nên tiêm vaccine đậu mùa khỉ?

Tính đến ngày 22/7, tổng số ca mắc toàn cầu là 16.010. Thế nhưng đến ngày hôm nay (29/7), chỉ 1 tuần sau, con số đã vọt lên 21.148 trường hợp mắc đậu mùa khỉ tại 78 quốc gia. Đây là tốc độ lây lan khá lo ngại bởi ổ dịch đã xuất hiện ở những nước chưa từng lưu hành.

Tuy nhiên, dù ca mắc tăng nhanh, đậu mùa khỉ về cơ bản không phải là căn bệnh nguy hiểm, bởi đa phần khỏi bệnh. Đến nay, mới chỉ ghi nhận 5 trường hợp tử vong ở châu Phi.

Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan như COVID-19 và không dễ thành đại dịch, hầu hết tự khỏi.

2. Những dấu hiệu mới, đặc điểm mới về đậu mùa khỉ

Đậu mùa khỉ hiện nay có nhiều điểm mới khác biệt so với quá khứ.

Đậu mùa khỉ khá giống với đậu mùa đã được xóa sổ từ rất lâu. Tuy nhiên, đậu mùa khỉ là bệnh nhẹ, khó lây hơn đậu mùa và tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn nhiều so với đậu mùa. Đặc biệt hiện nay đậu mùa khỉ có thể coi là bệnh khá "lành tính" bởi phần lớn tự khỏi mà không cần đến phác đồ đặc hiệu. Trong số 16.000 ca bệnh ghi nhận trên toàn cầu cách đây 1 tuần thì cũng chỉ có 5 trường hợp tử vong ở châu Phi.

2.1 Triệu chứng, cách phòng bệnh

Bệnh đậu mùa khỉ thường kéo dài từ 2-4 tuần, thông thường nổi phát ban, mụn nước. Đa phần trường hợp lây từ người sang người, tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người như vết phỏng mụn nước. Một số đường lây truyền hô hấp như lây qua giọt bắn, dịch từ mũi miệng của người bệnh. Hoặc có thể lây qua vật dụng như ga trải giường, quần áo của người bệnh.

TS. Eric Dziuban - Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam trao đổi với các nhà báo về bệnh đậu mùa khỉ, hợp tác giữa CDC Hoa Kỳ với Bộ Y tế Việt Nam trong ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

TS. Eric Dziuban - Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam trao đổi với các nhà báo về bệnh đậu mùa khỉ, hợp tác giữa CDC Hoa Kỳ với Bộ Y tế Việt Nam trong ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh nhân bị bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền khi còn nốt phỏng. Tuy nhiên khi mụn nước tan, nốt phỏng xẹp và lớp vảy bong ra thì không còn khả năng lây truyền nữa.

Do bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện trên một đàn khỉ, nên nó mới được đặt tên như vậy. Không rõ bệnh có truyền từ người sang động vật hay không. Một số loài động vật ở châu Phi có thể là trung gian truyền bệnh.

Để phòng bệnh, cần tránh tiếp xúc da kề da với các nốt phỏng mụn nước, phát ban trông giống đậu mùa khỉ. Nên rửa tay, đặc biệt sau khi chạm vào bề mặt vật dụng hay tới nơi có nguy cơ cao. Cơ sở y tế và các phòng khám cần kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây lan dịch đậu mùa khỉ.

Một đặc điểm mới trong triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là nếu như trong quá khứ, các vết phỏng, phát ban thường nổi toàn thân thì hiện nay nó chỉ nổi khu trú và khu vực lân cận một số bộ phận nhất định như bộ phận sinh dục.

2.2. Đậu mùa khỉ dễ nhầm với các bệnh khác khi chẩn đoán - Phác đồ điều trị

Theo TS. Eric Dziuban, hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu bệnh đậu mùa khỉ. Ở Mỹ và một số nước sử dụng phương pháp điều trị đậu mùa cho bệnh đậu mùa khỉ. Phác đồ điều trị đậu mùa có thể được sử dụng để điều trị đậu mùa khỉ. Hướng dẫn điều trị có thể cập nhật cho phù hợp với tình hình.

Nhìn chung đậu mùa khỉ không đáng lo ngại bởi hầu hết ca bệnh nhẹ và tự khỏi. Nhưng trường hợp nặng hoặc có nguy cơ tiến triển nặng thì cần cân nhắc điều trị.

Do trước đây chưa từng ghi nhận ca mắc bên ngoài châu Phi nên giờ đây, với bệnh đã lây ra 78 quốc gia, đậu mùa khỉ đã trở thành tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu. Hiện nay, hầu hết đối tượng mắc bệnh là nam giới quan hệ đồng giới.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh là phát ban. Tuy nhiên, các nốt phát ban không xuất hiện trên toàn cơ thể mà chỉ nổi ở một vài nơi.

Đặc biệt trong đợt dịch này, do 95% trường hợp là lây trong cộng đồng nam giới quan hệ đồng giới, các nốt phỏng phát ban thường ở bộ phận sinh dục và lân cận.

Vì vậy bệnh có thể dễ nhầm với bệnh lây qua đường tình dục khác. Vì vậy cần tập huấn và hướng dẫn bác sỹ lâm sàng để chẩn đoán bệnh chuẩn xác.

Cần phân biệt triệu chứng đậu mùa khỉ với triệu chứng các bệnh lây qua đường tình dục khác để không chẩn đoán nhầm.

3. Việt Nam đã chuẩn bị tốt nhằm ứng phó với đậu mùa khỉ

Hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ nào. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu chẳng may có phát hiện ca bệnh đầu tiên thì cũng không có gì là lạ trước tình hình diễn biến dịch hiện nay trên toàn cầu.

Rất may mắn là Việt Nam hiện nay đã có 2 tháng để chuẩn bị ứng phó, TS. Eric Dziuban chia sẻ. Ông cho biết từ 1/6, văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thông tin khoa học về bệnh đậu mùa khỉ và cùng Việt Nam chuẩn bị ứng phó. Văn phòng CDC đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế bao gồm giám sát theo ca, chẩn đoán lâm sàng.

TS. Eric Dziuban cũng cho biết Việt Nam có thể giám sát phát hiện sớm ca bệnh để ngăn ngừa đậu mùa khỉ lây lan giống như trước đây đã khống chế thành công dịch COVID-19 xâm nhập như thời kỳ đầu của đại dịch. Tất nhiên đậu mùa khỉ không dễ lây như COVID-19 nhưng nên chuẩn bị tốt nhất để nếu có xâm nhập vào Việt Nam, có thể phát hiện sớm và ngăn chặn được luôn. Bởi về nguy cơ xâm nhập, có thể thấy cứ mỗi tuần lại thấy thêm nhiều nước mới ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên.

Về sinh phẩm xét nghiệm đậu mùa khỉ (như kit xét nghiệm), CDC Hoa Kỳ cũng đang nỗ lực làm việc để Việt Nam có thể sớm có thông qua WHO. Hiện tại, Việt Nam đã mở cửa du lịch nên nguy cơ xâm nhập là có thể xảy ra.

Dựa theo đường lây truyền, bất kể ai cũng có thể lây nhiễm. Về dự phòng, mọi người đều có thể có nguy cơ nhiễm, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao. Cần tuyên truyền để người dân khi có triệu chứng sẽ biết nên làm gì để nhanh khỏi bệnh.

4. Ai nên tiêm vaccine đậu mùa khỉ?

Bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ vào năm 1979. Các thế hệ tiêm vaccine đậu mùa là từ thế hệ các năm 1970 trở về trước. Vaccine đậu mùa có công dụng ngăn ngừa đậu mùa khỉ.

Hiện chưa rõ tại sao đậu mùa khỉ vốn là căn bệnh hiếm gặp trước đây mà giờ đây lại lây lan nhanh, ban đầu xuất hiện ở một vài nước mà giờ đây đã lan ra 78 nước.

Về vaccine đậu mùa khỉ, hiện tại các nước tâm dịch hoặc lưu hành ca bệnh nỗ lực tiếp cận nguồn cung vaccine để ngăn ngừa dịch. Một số nước như Mỹ và châu Âu đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất vaccine đậu mùa khỉ.

Vaccine thường được sử dụng cho người đã phơi nhiễm với đậu mùa khỉ hoặc đối tượng có nguy cơ cao mắc đậu mùa khỉ.

Tuy nhiên, bên cạnh vaccine còn có nhiều biện pháp khác để dự phòng đậu mùa khỉ nên cũng không quá lo lắng về thiếu hụt nguồn cung vaccine. Bởi không giống như COVID-19, vaccine đậu mùa khỉ không tiêm đại trà, mà chỉ sử dụng cho người đã mắc hoặc người có nguy cơ nhiễm.

Mời độc giả xem thêm video:

Nguyễn Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//giam-doc-cdc-my-viet-nam-co-nhieu-loi-the-trong-ung-pho-voi-benh-dau-mua-khi-16922072917255427.htm
Zalo