Giẫm đạp ở sân vận động Guinea, khoảng 50 người thiệt mạng
Khoảng 50 người hâm mộ bóng đá, bao gồm cả trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại một sân vận động đông đúc ở thành phố Nzerekore, đông nam Guinea.
Vụ giẫm đạp xảy ra vào chiều 30/11 tại thành phố Nzerekore trong trận chung kết giải đấu bóng đá địa phương giữa đội Labe và đội Nzerekore, được tổ chức nhằm tôn vinh nhà lãnh đạo quân sự Guinea Mamadi Doumbouya.
Thủ tướng Guinea Amadou Oury Bah đã xác nhận sự việc trên mạng xã hội X, cho biết có nạn nhân trong vụ việc nhưng không công bố số lượng cụ thể. Ông cho biết chính quyền địa phương đang nỗ lực ổn định tình hình.
Liên minh Quốc gia vì Sự thay đổi và Dân chủ, một nhóm các đảng phái chính trị, đã ra thông báo cho rằng vụ giẫm đạp đã khiến hàng chục người thiệt mạng và bị thương.
Theo các báo cáo từ truyền thông địa phương, lực lượng an ninh đã sử dụng hơi cay để khôi phục trật tự sau khi xảy ra xô xát trong trận đấu, liên quan đến một quyết định phạt gây tranh cãi.
"Quyết định phạt này khiến người hâm mộ tức giận, dẫn đến việc ném đá. Lực lượng an ninh đã sử dụng hơi cay để kiểm soát đám đông", tờ Media Guinea đưa tin. Một số nạn nhân là trẻ em, trong khi nhiều người khác bị thương nặng và đang được điều trị tại bệnh viện.
Các video ghi lại hiện trường cho thấy đám đông la hét và phản đối quyết định của trọng tài trước khi xảy ra hỗn loạn. Cảnh tượng những người hâm mộ chạy tán loạn, một số cố gắng nhảy qua hàng rào cao để thoát khỏi sân vận động, cũng được ghi lại. Một số video khác cho thấy các nạn nhân nằm bất động tại một nơi giống như bệnh viện, trong khi những người khác giúp đỡ những người bị thương.
Liên minh Quốc gia vì Sự thay đổi và Dân chủ đã yêu cầu mở cuộc điều tra về vụ việc. Họ cho rằng giải đấu này được tổ chức để phục vụ cho tham vọng chính trị "bất hợp pháp và không phù hợp" của nhà lãnh đạo quân sự Mamadi Doumbouya.
Guinea đã bị quân đội kiểm soát kể từ khi Tổng thống Alpha Conde bị lật đổ vào năm 2021. Đất nước này hiện là một trong những quốc gia Tây Phi nơi quân đội nắm quyền, cùng với Mali, Niger và Burkina Faso, và đã trì hoãn kế hoạch chuyển giao quyền lực cho chế độ dân sự.
Ông Doumbouya, người đã lật đổ tổng thống cách đây ba năm, tuyên bố rằng ông can thiệp để ngăn chặn đất nước rơi vào hỗn loạn, đồng thời chỉ trích chính phủ trước đây vì những thất hứa. Tuy nhiên, ông cũng bị chỉ trích vì không đáp ứng được những kỳ vọng mà chính ông đã đặt ra.