Giảm 40% đầu mối sau khi hợp nhất Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải

Hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải sẽ tạo ra một cơ quan mạnh và có hiệu quả hơn.

Bà Đỗ Thị Phong Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Xây dựng phát biểu tại buổi họp báo 27.12. Ảnh: Phan Anh

Bà Đỗ Thị Phong Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Xây dựng phát biểu tại buổi họp báo 27.12. Ảnh: Phan Anh

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ quý IV ngày 27-12-2024, bà Đỗ Thị Phong Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Xây dựng cho biết, về cơ cấu tổ chức chính quyền, số đầu mối thuộc cơ cấu của 2 Bộ trước khi hợp nhất là 42 đơn vị, trong đó, Bộ Xây dựng có 19 đơn vị, Bộ Giao thông Vận tải có 23 đơn vị.

Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất còn 24-27 đơn vị, giảm tương đương 35-41% tổng số đầu mối.

Trong đó: Khối tham mưu tổng hợp: 6 đơn vị (Văn phòng, Thanh tra, KHTC, TCCB, PC và HTQT).

Khối chuyên ngành có khoảng 13-16 đơn vị.

Khối sự nghiệp công lập: 5 đơn vị.

Bà Đỗ Thị Phong Lan cho biết thêm, về nội dung báo cáo tổng kết kết quả Bộ Xây dựng triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, điểm nổi bật có thể khẳng định là:

Về chỉ tiêu biên chế được giao, Bộ Xây dựng chưa có thời điểm nào được giao quá 400 biên chế và giảm dần qua các năm. Năm 2024, số lượng biên chế được giao Bộ Xây dựng còn là 357 biên chế và giai đoạn 2022- 2026, Bộ được giao chỉ còn 339 biên chế cho đến hết năm 2026.

Trong bối cảnh nhiệm vụ đó, các cơ quan hành chính trực thuộc Bộ cơ bản đều đã được thành lập, giữ ổn định tên gọi và mô hình hoạt động trong khoảng 4 nhiệm kỳ gần đây.

Một số cơ quan được nâng cấp, chuyển đổi mô hình hoặc tổ chức, sắp xếp lại trong 2 nhiệm kỳ gần đây (từ Vụ lên Cục, từ Ban sang Vụ) đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn quản lý, việc bổ sung nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng qua từng nhiệm kỳ và yêu cầu cải cách hành chính.

Bộ cũng đã đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập; hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các bộ phận bên trong các đơn vị để thu gọn đầu mối, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, giảm biên chế.

Đồng thời, thực hiện nghiêm các định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng đến nay chỉ còn 15 đơn vị hành chính; đã giảm số lượng phòng trong các đơn vị hành chính từ 54 phòng xuống còn 46 phòng (tương đương 28%); giảm 74/532 đầu mối, tương đương 14% tổng số đầu mối tại các đơn vị sự nghiệp.

Bộ Xây dựng cũng đã chuyển giao về SCIC 5 doanh nghiệp, thoái hết vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng chỉ còn đại diện chủ sở hữu tại 6 doanh nghiệp, giảm 10 doanh nghiệp, tương đương 62,5% tổng số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trước đó.

Cũng sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, số lượng chi tiêu biên chế được giao của Bộ Xây dựng giảm 7,5%, đến nay chỉ còn 357 biên chế; giảm 565 người, tương đương 14% tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Xây dựng.

Đến năm 2024, Bộ chỉ còn khoảng 3.500 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, 380 người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.

"Có thể khẳng định rằng, Bộ Xây dựng đã thực hiện tinh giản bộ máy từ trước Nghị quyết 18 và càng đẩy mạnh hơn nữa ngay sau khi được quán triệt và triển khai Nghị quyết 18" - bà Đỗ Thị Phong Lan nhấn mạnh.

Báo Lao động

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giam-40-dau-moi-sau-khi-hop-nhat-bo-xay-dung-va-giao-thong-van-tai-688796.html
Zalo