Giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 'trợ lực' cho doanh nghiệp phục hồi
Trong bối cảnh nghĩa vụ thuế phải thực hiện gia tăng khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, chính sách giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 là sự hỗ trợ thiết thực 'tiền tươi, thóc thật' cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng từ 8% năm nay.
Ngày 11/3, tại phiên họp thứ 43, 100% thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý việc giảm tiền thuê đất năm 2024 và ban hành nghị định của Chính phủ quy định giảm tiền thuê đất năm 2024.
Trước đó, tại tờ trình, Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giảm 30% tiền thuê đất năm 2024, do nhận định tình hình trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp cần sự trợ lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là nguồn lực hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tại địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu nặng nề trong năm ngoái.

Tiền thuê đất dự kiến giảm khoảng 4.000 tỷ đồng khi áp dụng chính sách này, tương đương số giảm thu năm 2023 và chiếm khoảng 0,26% tổng thu ngân sách.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách giảm tiền thuê đất sẽ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi trong năm 2025, qua đó tạo nguồn thu ổn định và lâu dài cho ngân sách Nhà nước.
Việc giảm thu từ tiền thuê đất sẽ trở thành trợ lực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, yên tâm sản xuất, kinh doanh, hướng đến mục tiêu tăng trưởng “hai con số” như Thủ tướng đặt ra. Qua đó tạo nguồn thu ổn định và lâu dài cho ngân sách Nhà nước từ các nguồn thuế, phí, lệ phí để bù lại phần hụt từ tiền thuê đất.
Nhìn lại quá khứ, chính sách giảm tiền thuê đất được thực hiện trong giai đoạn 2020-2023, tạo tác động tích cực với sự phục hồi của nền kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19, trong khi ngân sách không bị hụt thu khi áp dụng chính sách này .
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng, tiền thuê đất dự kiến giảm khoảng 4.000 tỷ đồng khi áp dụng chính sách này. Mức này tương đương số giảm thu năm 2023 và chiếm khoảng 0,26% tổng thu ngân sách.
"Tiền thuê đất giảm theo chính sách này không ảnh hưởng nhiều đến số thu ngân sách nói chung, nhưng sẽ tác động lớn tới phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh", ông Khắng nói, và cho biết khoản giảm thu do hạ tiền thuê đất sẽ được bù đắp từ thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp.
Tính riêng năm 2023, nhóm thụ hưởng chính sách giảm tiền thuê đất là 29.734 tổ chức, cá nhân, trong đó gần 80% là doanh nghiệp. Số tiền miễn giảm thuế đất năm 2023 khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đón nhận thông tin này, nhiều doanh nghiệp vui mừng cho biết trong bối cảnh nghĩa vụ thuế phải thực hiện gia tăng, khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn thì chính sách giảm tiền thuê đất là sự hỗ trợ thiết thực “tiền tươi, thóc thật” cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, mặc dù thị trường bất động sản đã có sự khởi sắc, nhưng doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Mức giảm 30% với tiền thuê đất năm 2024 tương đương các năm trước, nhưng cũng có tác động tích cực đến việc phục hồi, phát triển sản xuất của doanh nghiệp. Đặc biệt khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thì mức giảm này mang tới nguồn hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp bất động sản.
“Với doanh nghiệp bất động sản, chính sách này giúp giảm tải áp lực về tài chính trong bối cảnh thanh khoản của thị trường vẫn ở mức thấp, doanh nghiệp đứng trước áp lực về trả nợ gốc và lãi ngân hàng, trái phiếu”, ông Điệp nói.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp mong muốn chính sách giảm tiền thuê đất tiếp tục được kéo dài sang năm 2025.
Về việc các năm tiếp theo có tiếp tục thực hiện giảm tiền thuê đất hay không, ông Khắng cho biết, tại tờ trình, Chính phủ cũng xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép từ năm 2025 giao Chính phủ có thể chủ động căn cứ tình hình thực tiễn, hoạt động của doanh nghiệp, người dân, để miễn giảm tiền thuê đất.