Giảm 2% thuế GTGT đến hết 2026: Doanh nghiệp 'dễ thở', người dân hớn hở

Đề xuất kéo dài giảm 2% thuế GTGT đến hết 2026 được kỳ vọng tạo đòn bẩy kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động khi tình hình kinh tế biến động.

Mới đây, Chính phủ tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế GTGT đến hết năm 2026". Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định theo tờ trình của Chính phủ để kích cầu tiêu dùng, ứng phó với biến động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tạo đà tăng trưởng, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 8% trở lên.

Đề xuất này nhận được sự đồng tình rất lớn của người dân và doanh nghiệp, bởi đay là một chính sách hợp lý trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế-Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Ảnh: VGP

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế-Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026. Ảnh: VGP

Kích cầu tiêu dùng

Bạn đọc Triminh…@gmail.com bình luận: Là một độc giả theo dõi tình hình kinh tế, tôi cho rằng việc tiếp tục giảm thuế GTGT là một giải pháp đúng đắn và kịp thời. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang vật lộn với chi phí đầu vào và sức mua sụt giảm, chính sách này giống như một “liều thuốc giảm đau” giúp doanh nghiệp có thêm dư địa tài chính để duy trì hoạt động.

Bạn đọc Tainguyen...@gmail.com chia sẻ: Thuế GTGT giảm thì chi phí mà người tiêu dùng chúng tôi phải bỏ ra để mua một sản phẩm cũng giảm xuống. Điều này tác động đến tâm lý tiêu dùng rất rõ, tôi cũng sẵn sàng chi tiêu hơn và điều đó có lợi cho cả nền kinh tế.

Bạn đọc NguyenTien...@gmail.com chia sẻ: Startup như chúng tôi luôn phải tính toán rất kỹ chi phí vận hành và giá bán để cạnh tranh với các ông lớn. Khi VAT giảm, chúng tôi có thể điều chỉnh giá linh hoạt hơn, thu hút được nhiều người dùng mới, đặc biệt ở phân khúc nhạy cảm về giá. Mặt khác, số tiền tiết kiệm được nhờ thuế thấp có thể tái đầu tư vào phát triển tính năng, cải thiện trải nghiệm người dùng. Tôi tin rằng, giảm thuế không chỉ kích thích tiêu dùng mà còn tiếp sức cho đổi mới sáng tạo, điều mà nền kinh tế Việt Nam rất cần hiện nay.

Bạn đọc Tuannguyen…@gmail.com bình luận: Việc Chính phủ cam kết duy trì chính sách này đến hết năm 2026 thể hiện một tầm nhìn dài hạn, tạo sự an tâm cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Cá nhân tôi thấy sự ổn định chính sách như vậy rất cần thiết để doanh nghiệp có thể lên kế hoạch dài hơi, thay vì chỉ ứng phó ngắn hạn.

Bạn đọc Hiepluc…@gmail.com ủng hộ: Tôi ủng hộ việc mở rộng đối tượng áp dụng chính sách, bao gồm cả các mặt hàng như công nghệ thông tin, hóa chất, than, xăng dầu… vì đây là những ngành có tính lan tỏa cao, ảnh hưởng mạnh đến các lĩnh vực khác. Hỗ trợ các ngành trụ cột sẽ giúp toàn bộ nền kinh tế phục hồi đồng đều hơn.

 Nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự đồng tình và đánh giá đây là một chính sách hợp lý trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa, Ảnh: TÚ UYÊN

Nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự đồng tình và đánh giá đây là một chính sách hợp lý trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Ảnh minh họa, Ảnh: TÚ UYÊN

“Cú hích” giúp doanh nghiệp phục hồi và mở rộng thị phần

Trước đề xuất kéo dài chính sách giảm 2% thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% đến hết năm 2026, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình, cho rằng đây là bước đi tích cực, mang lại dư địa tài chính để phục hồi sản xuất – kinh doanh sau thời gian dài chịu tác động từ biến động kinh tế toàn cầu.

Thạc sĩ Phạm Hiệp Trí, CEO Rubik Top, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường tại TP.HCM, đánh giá: “Chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh đề xuất này. Đây là chính sách kịp thời và mang tính hỗ trợ thiết thực, đặc biệt với các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ như chúng tôi. Việc giảm thuế GTGT giúp giảm chi phí vận hành, từ đó cho phép chúng tôi đưa ra mức giá dịch vụ cạnh tranh hơn”.

Theo ông Trí, chính sách này không chỉ giúp doanh nghiệp “dễ thở hơn” về mặt tài chính, mà còn tạo ra điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi. “Nhu cầu nghiên cứu thị trường đang tăng lên khi các doanh nghiệp cần dữ liệu để tái định vị, điều chỉnh chiến lược. Khi chi phí được giảm, họ sẽ mạnh dạn sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Đó là lý do chúng tôi tin rằng chính sách thuế này không chỉ hỗ trợ một ngành cụ thể mà còn kích hoạt cả chuỗi giá trị”.

Không dừng lại ở đó, ông Trí cho rằng giảm 2% thuế GTGT còn mang lại hiệu ứng dây chuyền tích cực, giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc định giá sản phẩm, nhất là cho khách hàng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ – nhóm rất nhạy cảm với giá cả.

“Việc tiếp tục giảm thuế GTGT không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ tài chính mà còn mở ra cơ hội đổi mới mô hình kinh doanh, tái đầu tư cho tương lai. Nếu được thực hiện nhất quán đến năm 2026 như đề xuất, đây sẽ là động lực lớn cho doanh nghiệp dịch vụ chuyển mình mạnh mẽ” - ông Trí nhận định.

Tạo mức cầu ổn định cho doanh nghiệp nội địa

Sau rất nhiều tháng, tháng 3-2025 là tháng đầu tiên chỉ số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam tăng trưởng “hai con số” ở mức 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự kết hợp của chính sách tiền tệ nới lỏng và tài khóa mở rộng trong đó có việc giảm thuế GTGT đã dần phát huy hiệu ứng tích cực khi mức tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc từ tháng 3.

Tuy nhiên, theo chuyên viên phân tích chiến lược của một hãng phân phối thiết bị điện tử tại Việt Nam, trước chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những biến động khó dự báo trước. Mức thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ cao có thể khiến cho hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn, người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ giảm mua hàng từ Việt Nam. Điều này có thể khiến các nhà máy bị cắt giảm đơn hàng, người lao động giảm thu nhập… Tất cả sẽ khiến cho khả năng chi tiêu của nền kinh tế Việt Nam bị tác động.

Đứng trước bối cảnh áp lực từ bên ngoài vẫn còn rất cao thì việc tăng cường sức mạnh nội lực của nền kinh tế rất quan trọng. Việc giảm thuế GTGT sẽ giúp cho nhu cầu mua sắm trở nên tích cực hơn, tạo mức cầu ổn định cho nhà máy, xí nghiệp và doanh nghiệp nội địa, góp phần cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/giam-2-thue-gtgt-den-het-2026-doanh-nghiep-de-tho-nguoi-dan-hon-ho-post846489.html
Zalo