Giải trình, làm rõ nhiều vấn đề 'nóng'

Tại Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X vào sáng 9-12, đại biểu HĐND tỉnh đã dành thời gian thảo luận nhiều vấn đề còn bức xúc được cử tri quan tâm trong thời gian qua. Đồng thời, đại biểu cũng đã thẳng thắn chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo sở, ngành tỉnh về trách nhiệm quản lý nhà nước, cũng như đề ra giải pháp cụ thể tháo gỡ những hạn chế, bất cập trong thời gian tới.

Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu kết thúc phiên giải trình, chất vấn.

Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu kết thúc phiên giải trình, chất vấn.

Tham dự Phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn có các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh…

Tại phiên giải trình, chất vấn, đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm trong thời gian qua như: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh; việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả trong lĩnh vực đất đai; giải pháp trọng tâm, trọng điểm để phát triển du lịch tỉnh; việc triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội… Trong đó, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đất đại được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận, chất vấn.

TÌNH TRẠNG SỬ DỤNG ĐẤT KHÔNG ĐÚNG MỤC ĐÍCH

Tại phiên giải trình, đại biểu cho rằng, hiện nay, việc người dân sử dụng đất không đúng mục đích rất nhiều, đặc biệt việc xây dựng nhà ở, công trình trên đất nông nghiệp còn rất lớn. Đề nghị UBND tỉnh cho biết những trường hợp vi phạm được xử lý như thế nào? Giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Quang cảnh kỳ họp.

Quang cảnh kỳ họp.

Giải trình vấn đề này, được UBND tỉnh ủy quyền, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đoàn Văn Phương cho biết, đối với những trường hợp vi phạm chuyển mục đích sử dụng đất được xử lý như thế nào do thời gian qua có sự thay đổi từ quy định của trung ương.

Phát biểu kết thúc phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh đã nắm chắc các vấn đề thời sự, những vấn đề còn bức xúc trong nhân dân, đề nghị lãnh đạo tỉnh giải trình làm rõ, thể hiện sự trăn trở, tâm huyết và trách nhiệm cao đối với cử tri và sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, trong quá trình phát biểu ý kiến, các đại biểu cũng đã nêu nhiều kiến nghị, giải pháp để lãnh đạo tỉnh quan tâm thực hiện trong thời gian tới.

Đối với các nội dung trả lời, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã thể hiện rõ trách nhiệm, trả lời đi vào trọng tâm, trọng điểm, làm rõ những vấn đề mà đại biểu đặt ra, nhất là đã có những cam kết, đề ra giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trước đó và tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, ngày 4-10-2024, Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (thay thế Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019). Nội dung Nghị định 123/2024/NĐ-CP cơ bản đã thay đổi nhiều so với Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Đặc biệt là chế tài áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi sử dụng đất sai mục đích.

Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định: “Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này bao gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại Nghị định này”.

Căn cứ quy định nêu trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 19/2021/QĐ-UBND ngày 15-7-2021 quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với từng loại vi phạm hành chính về đất đai. Theo đó, đối với các trường hợp sử dụng đất sai mục đích (ví dụ như xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp), nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được giữ nguyên hiện trạng và thực hiện thủ tục chuyển mục đích theo quy định.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên giải trình, chất vấn.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên giải trình, chất vấn.

Tuy nhiên, khi Chính phủ ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 4-10-2024 thì UBND tỉnh chỉ còn được quy định các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất đối với hành vi hủy hoại đất theo quy định tại khoản 5 Điều 14.

Từ các căn cứ trên cho thấy, Nghị định 91/2019/NĐ-CP cho phép UBND tỉnh quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với tất cả các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất. Đến Nghị định 123/2024/NĐ-CP chỉ cho phép UBND tỉnh quy định mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi hủy hoại đất.

Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 52/2024/QĐ-UBND ngày 15-10-2024 để quy định các trường hợp không có tính khả thi và mức độ khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất theo quy định tại Điều 14 Nghị định 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ. UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác triển khai, tuyên truyền các quy định của pháp luật về đất đai đến các ngành, UBND cấp huyện, xã; triển khai kịp thời các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý sâu rộng trong nhân dân, doanh nghiệp.

Đồng chí Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời các vấn đề đại biểu chất vấn.

Đồng chí Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời các vấn đề đại biểu chất vấn.

Đồng chí Đoàn Văn Phương cho biết, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, các hành vi vi phạm pháp luật đất đai dưới nhiều hình thức đa dạng. Chú trọng tổ chức các buổi tập huấn trực tiếp, chuyên sâu để công chức, người dân, doanh nghiệp biết nhằm nâng cao ý thức và thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của đất đai, về hậu quả của việc sử dụng đất sai mục đích; niêm yết, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý đất đai các cấp, nhất là vai trò của cấp huyện, cấp xã. Đề nghị UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai đặc biệt là Chủ tịch UBND cấp xã theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 241 Luật Đất đai, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tài sản của nhân dân trong việc quản lý, sử dụng đất.

Các trường hợp khó khăn trong quá trình xử lý (như xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa trên đất nông nghiệp) thì chính quyền cơ sở cần rà soát, thống kê báo cáo cơ quan có thẩm quyền, xem xét; trường hợp vượt quá thẩm quyền thì tổng hợp, đề xuất các cơ quan giám sát pháp luật xem xét, kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật không phù hợp với thực tiễn.

TRÁNH GÂY THIỆT HẠI CHO NGƯỜI DÂN CÓ ĐẤT NẰM TRONG VÙNG QUY HOẠCH DỰ ÁN

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Giảng Thị Mộng Huyền cho rằng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều dự án chậm triển khai, chậm đưa vào kế hoạch sử dụng đất của huyện, chưa đưa vào công trình, dự án thu hồi đất. Thực trạng này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Đề nghị UBND tỉnh cho biết vai trò quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh gắn với việc tổ chức thực hiện các quy hoạch trên địa bàn tỉnh thời gian qua như thế nào, trong đó có quy hoạch sử dụng đất để xảy ra tình trạng nêu trên?

Giải trình vấn đề này, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đúng theo quy định. Công tác lập, điều chỉnh, triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất được đánh giá đầy đủ lợi thế tiềm năng đất đai trước khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh được thể hiện theo định hướng và cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện được thể hiện theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cấp huyện.

Đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra.

Đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình các vấn đề đại biểu đặt ra.

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cải thiện môi trường để thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục về đầu tư… Đồng thời, tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp để giải quyết tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm do nhiều nguyên nhân; trong đó, bị ảnh hưởng lớn nhất là thời kỳ đầu quy hoạch chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế hoàn toàn chưa hồi phục đúng nghĩa nên nguồn lực đầu tư công và của các doanh nghiệp để triển khai thực hiện các dự án trong quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù tỉnh có các kế hoạch phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch.

Thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy hoạch sử dụng đất mang tính lâu dài nên một số dự án trọng điểm của tỉnh không thể xóa trong quy hoạch. Hằng năm, UBND tỉnh có rà soát đánh giá việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện để điều chỉnh và loại bỏ các dự án không trọng điểm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2024 như: Dự án Khu du lịch - nhà hàng - khách sạn Mekong Paradise, Dự án Khu đô thị Đông Bắc, Khu đô thị mới phía Tây Bắc, Khu đô thị Mỹ Hưng… của TP. Mỹ Tho.

Theo quy định, khi người dân có đất nằm trong vùng quy hoạch dự án, dự án khu dân cư, mời gọi đầu tư theo quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố công khai mà chưa đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thì người dân được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền theo quy định pháp luật đất đai, các quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Chủ tọa kỳ họp.

Chủ tọa kỳ họp.

Trường hợp người dân có đất phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện hoặc phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án thuộc khoản 4 Điều 67 của Luật Đất đai năm 2024 (điểm mới của Luật Đất đai năm 2024) thì người sử dụng đất được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng mới cây lâu năm. Người sử dụng đất được xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn, cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.

Đồng chí Phạm Văn Trọng nhấn mạnh: Nhằm tránh gây thiệt hại cho người dân có đất nằm trong vùng quy hoạch dự án, ngoài các dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 67 Luật Đất đai năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tỉnh có liên quan và UBND cấp huyện tăng cường cải thiện môi trường đầu tư. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả trong các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất. Từ đó, góp phần làm tăng hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất, mời gọi thu hút đầu tư… để tạo nguồn lực thực hiện các dự án.

Cụ thể, đối với các dự án thu hút đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành tỉnh liên quan và địa phương có đánh giá về cơ sở triển khai dự án và được nhà đầu tư quan tâm thì mới đưa vào Quy hoạch sử dụng đất và Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện để thực hiện.

Đại biểu Giảng Thị Mộng Huyền chất vấn.

Đại biểu Giảng Thị Mộng Huyền chất vấn.

UBND cấp huyện trước khi đưa vào kế hoạch sử dụng đất cần có đánh giá tính khả thi của dự án, tăng cường đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư. Hội đồng thẩm định quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, trong quá trình thẩm định nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia đóng góp ý kiến thẩm định đối với các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách.

UBND cấp huyện khẩn trương thực hiện điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất 2021 - 2030 phù hợp với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt. Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm được duyệt theo đúng quy định pháp luật. Rà soát, đảm bảo tính khả thi của các dự án khi đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm, dự án không khả thi thì mạnh dạn đề xuất điều chỉnh, hủy bỏ.

Phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu đặt ra tại phiên giải trình, chất vấn, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá khái quát về công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2024. Đồng thời, phân tích làm rõ một số vấn đề đại biểu và nhiều cử tri quan tâm về công tác chỉ đạo việc thực hiện các công trình, dự án cấp nước, việc cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt người dân phía Đông; việc quản lý, khai thác, sử dụng trụ sở cũ của các sở, ngành. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh thông tin về kết quả và giải pháp phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

THU HOÀI - TUẤN LÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202412/phien-giai-trinh-va-chat-van-tai-ky-hop-thu-15-hdnd-tinh-tien-giang-khoa-x-giai-trinh-lam-ro-nhieu-van-de-nong-1028720/
Zalo