Giai thoại về Táo quân

Hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, ở Việt Nam nói riêng và một số nước châu Á nói chung, nhiều gia đình vẫn thường chuẩn bị mâm cỗ để cúng đưa ông Táo về trời. Với nhiều gia đình, ngoài mua vàng mã, quần áo cho Táo quân, các bà nội trợ còn tìm mua cho được 3 con cá chép màu đỏ... Nhiều người rất rành rẽ về các thủ tục nghi lễ nhưng lại không mấy ai biết ông Táo là ai mà được người đời trọng vọng đến thế? Vì phải bươn chải để lo cho cuộc sống nên đây quả là câu hỏi không dễ đối với nhiều người. Nhân dịp đầu xuân, xin giới thiệu cùng bạn đọc giai thoại về ông Táo.

Giai thoại về Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ 3 vị thần, gồm: Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ theo quan niệm của Lão giáo ở Trung Quốc du nhập vào Việt Nam. Sau khi vào Việt Nam, giai thoại này đã được Việt hóa thành sự tích “2 ông 1 bà” - thần đất, thần nhà, thần bếp và người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo. Về sự tích Táo quân, ở Trung Quốc cũng như Việt Nam và một số nước châu Á có nhiều truyền thuyết được dân gian truyền lại với nhiều dị bản khác nhau. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là truyện thường được kể dưới nhan đề sự tích ông đầu rau hay sự tích vua bếp.

Chuyện dân gian kể rằng, ngày xưa ở một vùng nọ có hai vợ chồng vô cùng nghèo khó, nên họ đành phải ly tán mỗi người một phương để kiếm sống qua ngày. Về sau, trên đường mưu sinh, người vợ gặp được một người đàn ông tốt bụng, giàu có và lấy làm chồng. Từ đó, người vợ có cuộc sống đủ đầy và nhàn hạ. Ngược lại, người chồng cũ thì vẫn vất vưởng khắp nơi để xin ăn. Một hôm, có người hành khất đến trước nhà xin ăn, người vợ mang cơm ra cho và nhận ra đó là chồng cũ của mình. Sau đó, người vợ đã đưa người chồng cũ vào nhà và tiếp đãi chu đáo. Cùng lúc đó, người chồng mới đi làm về và gọi người vợ ra mở cổng. Sợ người chồng mới biết chuyện và không còn cách nào khác, người vợ liền dẫn chồng cũ trốn vào đống rơm.

Vào đến nhà, người chồng đi thẳng ra đống rơm và đốt lửa để thui con thú vừa bắt được. Nếu chui ra thì sợ sẽ làm vợ xấu hổ, nên người chồng cũ đành cam chịu chết cháy. Thấy chồng cũ bị chết cháy, người vợ đau lòng quá liền nhảy vào đống lửa chết theo. Người chồng mới thấy vợ chết thảm nên cũng nhảy vào lửa chết theo.

Về sau, hồn của 3 người bay lên trời, Ngọc Hoàng nghe kể lại và cảm phục trước tình nghĩa vợ chồng của họ nên đã phong cho 3 người làm chức Táo quân (vua bếp). Cả 3 người có nhiệm vụ coi sóc việc nấu nướng, lửa củi của mỗi gia đình dưới trần gian. Từ đó, trong dân gian có câu: “Thế gian một vợ một chồng; Chẳng như vua bếp hai ông một bà”.

Từ nội dung của giai thoại nêu trên cho thấy, Táo quân là một gia đình gồm hai người chồng và một người vợ sống cùng nhau với tình nghĩa sâu đậm, có hoàn cảnh đáng thương và đã được Ngọc Hoàng giao phó cho công việc cực kỳ quan trọng dưới trần gian, đó là: Chăm lo việc đun nấu, củi lửa, bếp núc, sự no đủ của mỗi gia đình. Điều ấy cũng có nghĩa là chăm lo đến cuộc sống vật chất của muôn nhà. Do đó, từ xa xưa đến nay, nhà nhà đều có bàn thờ Táo quân với tình cảm rất trân trọng.

Và cũng từ chuyện thờ cúng Táo quân mà trong dân gian còn lưu truyền lại câu chuyện về lễ vật cúng Táo quân của một anh học trò nghèo. Đến ngày 23 tháng Chạp, ngày đưa ông Táo về trời mà trong nhà của anh học trò này chẳng có gì để cúng tiễn. Không còn cách nào khác, trong lúc bí bách quá, anh học trò bèn lấy một bát nước lã và một thanh củi đang bốc cháy rồi để lên bàn thờ của ông Táo mà khấn rằng:

“Nhất chước thủy, nhất thanh yên,
Táo quân thượng tấu cửu trùng thiên.
Ngọc Hoàng nhược vấn nhân gian sự;
Vạn sự nhân gian chi vị tiền”.

Nghĩa của bài khấn này là:

Một bát nước trắng, một thanh củi,
Tiễn đưa Táo quân về chầu trời.
Ngọc Hoàng nếu hỏi chuyện nhân gian,
Vạn vật ở trần gian chỉ vì tiền.

Nghèo đến thế mà vẫn tiễn đưa mình với lời khấn hết sức trung thực, vì thế Táo quân động lòng thương anh học trò nghèo và đã phù hộ cho anh được đỗ đạt và hanh thông trên bước đường công danh. Như vậy, cúng ông Táo là một nét văn hóa đẹp, mang yếu tố tâm linh, hướng tới bình an của người Việt Nam từ xưa đến nay.

Và cũng từ giai thoại nêu trên cho thấy, việc thờ cúng ông Táo hay tổ tiên, ông bà, cha mẹ hoặc các bậc thần linh khác cốt là ở tấm lòng thành của gia chủ, chứ không phải cứ mâm cao cỗ đầy, nhang khói ngút trời và vàng mã chất thành đống mới là hay, là tốt và sẽ được nhiều tài lộc, công danh. Người xưa có câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nhưng không phải thờ càng nhiều, cúng càng lắm thì sẽ càng được nhiều, mà ngược lại. Bởi vì, nếu đốt nhiều nhang, nhiều vàng mã thì chỉ thêm tốn tiền, kiệt sức vì ô nhiễm môi trường. Nếu cả nước, mỗi người bớt đi một cây nhang, một xấp giấy vàng mã ở những dịp lễ, tết để góp vào Quỹ “Vì người nghèo”, thì chắc chắn một năm sẽ có thêm nhiều người nghèo được đón xuân đầm ấm trong những căn nhà mới.

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/153637/giai-thoai-ve-tao-quan
Zalo