Làm bạn cùng con tuổi teen

Bạn sẽ làm gì khi con nói dối; khi con yêu sớm; khi con không vâng lời; khi con mất kết nối... Rất nhiều tình huống khó đã được đặt ra tại buổi chia sẻ 'Làm bạn cùng con tuổi teen' với hai diễn giả đến từ ngành giáo dục.

Chương trình được Công ty KODO và CLB Sách và Văn hóa Huế đồng hành tổ chức, diễn ra sáng 21/12 tại 23-25 Lê Lợi,TP.Huế.

Theo cô Nguyễn Thị Hoa Phượng, làm bạn cùng con là hành trình lâu dài, đòi hỏi cha mẹ phải thực sự dành thời gian

Theo cô Nguyễn Thị Hoa Phượng, làm bạn cùng con là hành trình lâu dài, đòi hỏi cha mẹ phải thực sự dành thời gian

Tại buổi chia sẻ, nhiều câu chuyện, nhiều tình huống, nhiều tâm tư, những trăn trở và cả nỗi bất an của phụ huynh đã được gợi mở. Có mẹ đang làm bác sĩ, có mẹ đang làm giáo viên, có mẹ đang là doanh nhân... Mỗi người mỗi công việc nhưng đều có chung cảm nhận, để làm bạn cùng con ở tuổi teen hoàn toàn không dễ.

Mở đầu buổi trò chuyện, diễn giả Nguyễn Thị Hoa Phượng, Phó hiệu Trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, đặt vấn đề: Vì sao phải làm bạn với con. Làm thế nào để làm bạn với con. Những kỹ năng gì cha mẹ cần trang bị khi làm bạn với con.

Theo cô Hoa Phượng, ở tuổi teen, là lứa tuổi lớn thì chưa lớn, mà nhỏ không còn nhỏ nữa nên tâm lý thất thường, dễ nổi loạn. Chỉ một căn nguyên nhỏ, một mâu thuẫn phát sinh mà nếu người lớn không thấu hiểu, không lắng nghe, không nắm bắt kịp thời, thì hậu quả đôi khi không lường hết được.

Phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm đồng hành cùng con tại buổi trò chuyện

Phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm đồng hành cùng con tại buổi trò chuyện

Nhiều năm dạy học, làm công tác quản lý trong môi trường giáo dục, cô Hoa Phượng đã chia sẻ những tình huống gay cấn từ tuổi teen mà cô đã trực tiếp tháo gỡ. Như trường hợp một nữ học sinh, bị cha mẹ nghi ngờ ăn cắp tiền, dù số tiền chỉ vài trăm ngàn đồng. Thiếu tin tưởng con, không lắng nghe con, sự bảo thủ và định kiến của người lớn làm cô bé tổn thương đến mức đã có ý định tìm đến cái chết để chứng minh mình không sai. Có thể bất hạnh tột cùng đó đã xảy ra nếu tâm tư ấy của em không được cô biết đến, lắng nghe và hướng dẫn cách tháo gỡ.

Một cách chân tình, cô Hoa Phượng cũng chia sẻ câu chuyện của chính mình, về cậu con trai học giỏi, rất ngoan nhưng mê game. Có khi con trốn cả học để ngồi ở quán game. Với kinh nghiệm đã trải qua của một người mẹ, một cô giáo, bằng câu chuyện của mình, cô Hoa Phượng đã đưa ra những cách thức giải quyết phù hợp, để các con tự ý thức, tự thay đổi. “Bất kỳ tình huống nào, một khi các con tự ý thức thì ba mẹ không còn phải lo lắng nữa” - cô Hoa Phượng đúc kết.

Không chỉ là chuyện nghiện game, yêu sớm, trễ nải, bỏ bê học hành hay xem phim sex, những tình huống đời thường khác của tuổi teen cũng được chia sẻ. Có em, dù chưa đủ tuổi nhưng đòi cha mẹ mua bằng được xe máy. Ba mẹ không đồng ý thì “đình công” bằng cách đòi bỏ học và bỏ học thật. Lại có em nằng nặc đòi mua bằng được điện thoại đắt tiền mà khi yêu sách không được đáp ứng thì tỏ thái độ ương bướng, bất hợp tác. Thật là muôn hình vạn trạng mà không phải các bậc phụ huynh nào cũng đủ kiến thức, đủ bình tĩnh để giải thích và thuyết phục được các con.

Thầy Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học, Đại học Huế cho rằng, để làm bạn được cùng con, cần phải luôn đặt mình vào vị trí, cảm xúc của con

Thầy Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học, Đại học Huế cho rằng, để làm bạn được cùng con, cần phải luôn đặt mình vào vị trí, cảm xúc của con

Một góc tiếp cận khác, diễn giả, thầy Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học, Đại học Huế lại đem đến một câu chuyện thật từ một gia đình. Ở đó, người mẹ, nhân danh tình yêu thương đã trút mọi áp đặt lên con gái. Con phải thế này, con phải thế kia, con không được làm như vậy... Sự áp đặt, sự khắt khe, sự kỳ vọng về những điều hoàn hảo từ mẹ đã khiến cô con gái hoàn toàn mất kết nối. Cô bé phản ứng bằng cách im lặng, chạy trốn tổn thương vào những con gấu bông giúp em xoa dịu nỗi đau.

“Để làm bạn cùng con, các anh chị đã thực sự dành thời gian cho con, đã lắng nghe con bằng cả trái tim, đã đặt mình vào vị trí của con, cảm xúc của con?”- thầy Hùng trăn trở.

Là một người mẹ thành công trong làm bạn cùng con, chị Lê Trần Yên Tú chia sẻ, kinh nghiệm chị rút ra từ bản thân khi làm bạn cùng con là hãy trò chuyện, tôn trọng, hỏi ý kiến và tìm sự hợp tác của con trong mọi quyết định liên quan đến trẻ. Chị Tú cũng thường trao cho con cơ hội được trải nghiệm, được tự lập, trao cho con quyền được trưởng thành.

Kết thúc buổi chia sẻ, thầy Hùng cho rằng, làm bạn cùng con là hành trình dài mà không chỉ có yêu thương, mỗi bà mẹ, ông bố còn phải học hỏi, rèn luyện để trang bị cho mình những hiểu biết về tâm lý từng lứa tuổi, kỹ năng xử lý tình huống.

Như chia sẻ của một phụ huynh - chị Minh Bon - đó là những kỹ năng: Lắng nghe, làm chủ cảm xúc trước mọi tình huống, gợi mở để con trải lòng, cùng con hướng đến giải pháp và ghi nhận, cảm ơn sự tin tưởng của con. Để con tin rằng, dù bất kỳ hoàn cảnh nào, mẹ cũng ở đó, cùng con vượt qua mọi vấn đề mà con gặp phải một cách nhẹ nhàng nhất.

Kim Oanh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/lam-ban-cung-con-tuoi-teen-149263.html
Zalo