Giải quyết ruộng bậc thang ở vùng đồng bằng Quảng Trị - Bài 2: Cần quản lý chặt chẽ việc hạ độ cao đồng ruộng

Trong tháng 8/2024, trên cánh đồng của nhiều địa phương thuộc các huyện Hải Lăng và Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) diễn ra việc múc đất, hạ độ cao ruộng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Hoạt động múc đất, hạ độ cao đồng ruộng diễn ra ở nhiều nơi

Ghi nhận trong nhiều ngày từ 15 - 30/8/2024, có hoạt động múc đất diễn ra trên cánh đồng thuộc các xã: Hải Quế, Hải Dương, Hải Hưng (huyện Hải Lăng); Triệu Độ, Triệu Long, Triệu Phước, Triệu Tài (huyện Triệu Phong).

Nhiều chuyến xe chở đất “có ngọn” và không che phủ bạt. Ảnh: N.V.

Nhiều chuyến xe chở đất “có ngọn” và không che phủ bạt. Ảnh: N.V.

Thời điểm ghi nhận có các máy múc, xe tải, xe chữ “L” (cách người dân địa phương gọi đối với loại xe máy cày được gắn thùng để chở hàng hóa - PV) tham gia hoạt động múc, vận chuyển đất.

Nhiều xe tải, xe chữ “L” trong số này đã vận chuyển đất đến đổ vào vườn của người dân trong khu vực. Rất nhiều chuyến xe “có ngọn”, không che phủ bạt trên thùng trong quá trình chở đất.

Một chiếc xe “L” tham gia chở đất múc từ các thửa ruộng. Ảnh: N.D.

Một chiếc xe “L” tham gia chở đất múc từ các thửa ruộng. Ảnh: N.D.

Tìm hiểu thêm về hoạt động múc, chở đất từ các cánh đồng, một người đàn ông cho biết, ông đã điều khiển xe tải chở đất được lấy từ cánh đồng thuộc xã Triệu Long đến san gạt vườn của người dân trên địa bàn trong nhiều ngày.

Theo người đàn ông này, mỗi chuyến xe chở được 3 khối đất và có giá 300 nghìn đồng/chuyến, trừ chi phí máy múc 80 nghìn đồng, mỗi chuyến xe còn lại 220 nghìn đồng.

Còn tại huyện Hải Lăng, ông Hoàng T. (70 tuổi, trú tại xã Hải Dương; tên nhân vật đã được thay đổi) cho biết, gia đình ông có thuê chở 40 xe đất (loại xe chữ “L”) đến san lấp vườn của gia đình với tổng số tiền 4 triệu đồng. Toàn bộ số đất này được múc từ cánh đồng trên địa bàn xã.

Một số người dân trên địa bàn thôn Lam Thủy (xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng) cho biết, hoạt động múc, vận chuyển đất từ các cánh đồng trên địa bàn diễn ra vào nhiều ngày trong tháng 8/2024. Trong đó, một số người dân đã chi ra số tiền lên đến hàng chục triệu đồng để mua hàng trăm xe đất chở từ đồng ruộng lên san gạt vườn, đất ở.

HTX Long Hợp cho tiến hành múc hạ độ cao đối với 0,5ha đất nông nghiệp đơn vị đang quản lý. Ảnh: N.V.

HTX Long Hợp cho tiến hành múc hạ độ cao đối với 0,5ha đất nông nghiệp đơn vị đang quản lý. Ảnh: N.V.

Ông Đoàn Quang Cường, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Long Hợp (gọi tắt là HTX Long Hợp, tại xã Triệu Long) cho biết, đơn vị đang quản lý 45ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có một số nơi người dân bỏ hoang nhiều năm nay vì ruộng cao không thể dẫn nước vào.

Vừa qua, HTX Long Hợp đã xin ý kiến của UBND và cho tiến hành múc hạ độ cao đối với 0,5ha ruộng đơn vị đang quản lý. Kinh phí thực hiện do chủ đất và người đứng ra múc đất thỏa thuận với nhau.

Chưa có dự án nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt

Lãnh đạo xã Triệu Long xác nhận việc người dân, HTX trên địa bàn (trong đó có HTX Long Hợp) đề nghị được cải tạo đối với các thửa ruộng cao để thuận lợi canh tác, sản xuất.

Phía xã Triệu Long chủ trương cho hạ độ cao với một số vị trí và khối lượng đất múc đi sẽ được vận chuyển đến san lấp đường giao thông nội đồng, công trình công cộng trên địa bàn xã.

Đồng thời, yêu cầu quá trình vận chuyển đất phải đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Giao cho các HTX giám sát, báo cáo quá trình cải tạo, hạ độ cao, vận chuyển đất này. Tuy nhiên, trong quá trình này, một số người đã vận chuyển đất từ các thửa ruộng đi bán cho người dân trên địa bàn.

Nhiều xe đất được vận chuyển đến san gạt vườn, đất ở của người dân. Ảnh: N.V.

Nhiều xe đất được vận chuyển đến san gạt vườn, đất ở của người dân. Ảnh: N.V.

Ông Nguyễn Đức Thuyền, Chủ tịch UBND xã Hải Hưng cho biết, vị trí diễn ra hoạt động múc đất là các thửa ruộng cao, không điều tiết được nước tưới nên HTX đề xuất cải tạo, hạ độ cao. UBND xã Hải Hưng chỉ đạo, người dân muốn cải tạo đồng ruộng thì phải đăng ký và được HTX đồng ý. Đồng thời, giao HTX chịu trách nhiệm quản lý quá trình này (?).

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Hải Hưng đã có một số lượng đất chuyển đến san gạt trong nhà người dân và điều này là để “phát triển kinh tế vườn”. Chi phí của quá trình múc hạ độ cao, cải tạo đồng ruộng nói trên là “người dân tự làm”.

Ngoài ra, lãnh đạo nhiều xã tại các huyện Hải Lăng và Triệu Phong cho biết, đã tiếp nhận được các đề nghị của người dân, HTX trên địa bàn về việc cho phép cải tạo đồng ruộng để thuận lợi canh tác, sản xuất.

Lãnh đạo 2 huyện Hải Lăng và Triệu Phong cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn không có bất kỳ một chương trình, dự án hạ độ cao đồng ruộng nào được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, huyện Hải Lăng và Triệu Phong sẽ đề nghị các địa phương trên địa bàn quản lý chặt chẽ vấn đề này.

(còn tiếp)

Nghĩa Văn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giai-quyet-ruong-bac-thang-o-vung-dong-bang-quang-tri-bai-2-can-quan-ly-chat-che-viec-ha-do-cao-dong-ruong-10290839.html
Zalo