Giải phóng nhà khoa học khỏi… chứng từ, hóa đơn
Những rào cản, nút thắt, phiền hà, rườm rà về thủ tục hành chính bào mòn không ít tâm trí của những nhà khoa học, cản trở sự phát triển...
Phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ số Việt Nam lần thứ sáu mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra rằng: Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ từ thể chế, cơ chế, chính sách, luật, đến nguồn lực, phương tiện. Đáng chú ý là tình trạng các nhà khoa học mất quá nhiều thời gian, khoảng 50% thời gian, công sức dành cho các thủ tục…
Tổng Bí thư yêu cầu phải khơi nguồn nhân tài và thu hút chuyên gia công nghệ cao, đồng thời phải “xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo”…
Những chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng có thể được hiểu là cần phải giảm bớt phiền hà về thủ tục hành chính để nhân tài và chuyên gia công nghệ cao được an tâm nghiên cứu khoa học nhằm sớm cho ra đời những sản phẩm khoa học tốt, phục vụ sự phát triển của đất nước. Có thể nói việc mất quá nhiều thời gian vào các thủ tục hành chính, không chỉ là câu chuyện rườm rà về mặt hình thức mà quan trọng hơn nó làm bào mòn không ít tâm trí của những nhà khoa học.
TS Nguyễn Duy Tâm hiện đang nghiên cứu tại ĐH Monash, Melbourne, Úc về sản xuất hydro từ công nghệ tách nước nhưng sử dụng các xúc tác kim loại chuyển tiếp với giá thành rẻ hơn. Từ hồi còn học ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, TS Tâm đã được chú ý và mời tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao.
Năm 2012, TS Tâm được lựa chọn tham dự kỳ học trao đổi tại ĐH Quốc gia Singapore; sau đó anh nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần của ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore trong vòng bốn năm. Tại đây, anh tập trung nghiên cứu chuyển đổi và lưu trữ các nguồn năng lượng tái tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.
Những nghiên cứu của TS Tâm được ghi nhận rộng rãi. Năm 2020, TS Tâm được Úc cấp thị thực tài năng toàn cầu. Thị thực này cho phép TS Tâm đưa cả gia đình sang sinh sống, làm việc tại Úc với quy chế thường trú nhân (PR), hưởng dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí, các con được học miễn phí từ lớp 1 tới lớp 12 cùng nhiều quyền lợi khác.
Những nghiên cứu của TS Tâm tại ĐH Monash được chú ý và được tài trợ lớn từ các quỹ nghiên cứu. Trao đổi, TS Tâm cho biết: Việc Úc cấp thị thực tài năng toàn cầu cho anh diễn ra rất nhanh: Nộp hồ sơ hôm trước thì hôm sau được cấp luôn.
Còn với quỹ nghiên cứu thì có quy trình rõ ràng. Thời gian để thẩm định khoảng 5-6 tháng. Khi nhà nghiên cứu quyết định ngày bắt đầu dự án thì kinh phí tài trợ sẽ được hội đồng nghiên cứu Úc giải ngân nhanh chóng và đơn giản, không cần qua khâu trung gian nào.
Những nhà khoa học người Việt Nam hiện đang công tác, làm việc ở Singapore, Pháp, Mỹ… mà chúng tôi có dịp trao đổi đều khẳng định rằng: Thủ tục hành chính cho các nhà khoa học ở những quốc gia này cũng rất đơn giản. Người ta chú trọng vào kết quả và tính ứng dụng của các nghiên cứu hơn là các thủ tục hành chính để giải ngân cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu.
Điều này có vẻ rất khác so với thực trạng giải ngân trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Thực trạng này đã được nói đến từ rất lâu, được phản ánh nhiều trên các diễn đàn, hội thảo.
Còn nhớ tháng 5-2021, khi làm việc với Bộ KH&CN, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong bối cảnh hiện nay, quốc gia nào muốn phát triển đột phá thì phải có KH&CN đóng vai trò dẫn dắt. Thủ tướng cũng giao Bộ KH&CN, Bộ Tài chính sửa đổi các quy định về tài chính cho nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Ông nói rằng: “Đừng thiết kế một quy trình mà chứng từ thanh toán dày hơn cả công trình nghiên cứu”.
Ở tầm định hướng chiến lược, Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị (về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia) đã chỉ rõ những nhiệm vụ về đơn giản hóa thủ tục hành chính để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu an tâm, không xảy ra tình trạng “chứng từ, hóa đơn dày hơn cả công trình nghiên cứu”.
Trong đó đáng chú ý, Bộ Chính trị yêu cầu “khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển”… Nghị quyết 57 yêu cầu phải “cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ”.
Đồng thời, nghị quyết cũng yêu cầu phải “chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Điều này cũng dễ hiểu và phù hợp thực tiễn, vì tất nhiên không phải mọi nghiên cứu đều có thể ra được kết quả. Ra được kết quả cũng chưa hẳn đã ứng dụng ngay được vì điều kiện hạ tầng, công nghệ, bối cảnh kinh tế - xã hội không phải lúc nào cũng phù hợp và thuận lợi.
Nhưng điều quan trọng hơn hết là nhà khoa học, nhà nghiên cứu phải được giải phóng mạnh mẽ khỏi những vướng trở, điểm nghẽn mà được tạo không gian phát triển tốt nhất như Nghị quyết 57 đã chỉ ra. Đó mới là nền tảng để đột phá phát triển khoa học, công nghệ trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.