Giải phóng nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng (*): Xác định điểm sáng, giảm thủ tục
Dòng vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ được kỳ vọng sẽ là điểm sáng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025
Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI), nhận định kinh tế thế giới năm 2025 sẽ khởi sắc hơn năm 2024 đến từ các yếu tố như Mỹ và các nước phát triển sẽ kiểm soát được lạm phát, khi giảm được lãi suất, chi phí vốn toàn cầu sẽ giảm đi, cơ hội dòng vốn đầu tư quay trở lại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sẽ cao hơn.
Điều này mở ra cơ hội để Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn, với chất lượng tốt, đó là tiền đề tạo ra đòn bẩy để kinh tế phát triển.
Cải thiện chính sách, giảm thủ tục hơn nữa
Chuyên gia này dự báo 3 động lực tăng trưởng chính là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu sẽ có nhiều dư địa để đẩy mạnh trong thời gian tới. Cụ thể, kinh tế toàn cầu hồi phục sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tốt hơn.
Cùng với đó, Chính phủ quyết tâm hiện tại là tinh gọn bộ máy, giảm thủ tục hành chính sẽ góp phần đẩy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công; chống lãng phí, khôi phục các động lực cho phát triển đất nước; đồng thời thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. "Triển vọng nền kinh tế tăng trưởng năm 2025 sẽ có nhiều hơn" - ông Minh dự báo.
Tuy nhiên, TS Đinh Tuấn Minh cũng chỉ ra cần có giải pháp để khơi thông nguồn lực trong nước, theo đó cho khối doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia vào các dự án lớn về cơ sở hạ tầng như như cảng, năng lượng (xăng dầu, điện...), bởi nếu chỉ trông chờ nhà nước chủ đạo thì sẽ không phát triển đồng bộ được.
"Nếu chúng ta chủ yếu dựa vào nhà nước thì sẽ chậm chạp, thiếu đồng bộ và tăng trưởng thiếu bền vững, nguy cơ không đáp ứng được cơ sở hạ tầng, không tương thích với nhịp độ tăng trưởng cao. Khi điều đó xảy ra thì có thể tăng trưởng kinh tế 1-2 năm đầu cao nhưng các năm sau sẽ thấp hơn" - ông Tuấn Minh nói.
Cùng với đó, TS Đinh Tuấn Minh khuyến nghị nhà nước và các bên liên quan cần khơi thông nguồn vốn trong nước với lãi suất ưu đãi để hướng dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh.
TS Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Ban Phân tích và Dự báo kinh tế của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể tăng trưởng 7%, phục hồi đà tăng trưởng như trước đại dịch và nằm trong nhóm dẫn đầu ASEAN. Tuy nhiên, khu vực kinh tế trong nước vẫn yếu, với tỉ trọng xuất khẩu của DN Việt Nam dự kiến chỉ chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông dự báo năm 2025, căng thẳng địa chính trị tiếp tục khó lường nhưng kinh tế toàn cầu được kỳ vọng cải thiện. Các tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng tích cực.
Tuy nhiên, DN còn gặp khó khăn về lãi suất, giá nguyên liệu và thủ tục vay vốn. Thị trường nội địa có sức mua tăng nhẹ, trong khi xuất khẩu được hỗ trợ bởi thương mại toàn cầu phục hồi và các hiệp định thương mại, dù phải đối mặt với bất ổn địa chính trị và các vụ việc phòng vệ thương mại gia tăng.
TS Nguyễn Hữu Thọ khuyến nghị cải thiện chính sách, giảm thủ tục kinh doanh, huy động vốn tư nhân và hoàn thiện các dự án công. Đồng thời, cần ưu tiên hỗ trợ DN mới thành lập, hoạt động tại vùng khó khăn, sản xuất hàng thay thế nhập khẩu và tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy xuất khẩu, giảm rủi ro vận tải qua vùng xung đột và tăng cường phòng vệ thương mại.
Thu hút các "đại bàng" công nghệ
Các chuyên gia kinh tế đặc biệt nhấn mạnh đến dòng vốn FDI sẽ là điểm sáng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, sau khi các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như NVIDIA và Google quyết định mở rộng chiến lược tại Việt Nam. Việc này giúp Việt Nam định hình lại nền kinh tế và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Trước đó, vào tháng 11-2024, Foxconn - một nhà cung ứng của Apple - đã công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang. Trong khi Meta cũng có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo và SpaceX của tỉ phú Elon Musk đã bày tỏ dự định đầu tư 1,5 tỉ USD vào Việt Nam.
TS Sam Goundar, giảng viên cấp cao ngành công nghệ thông tin tại Đại học RMIT, coi các khoản đầu tư này là những cột mốc đáng chú ý. Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của thế giới công nghệ toàn cầu. Những động thái này cho thấy Việt Nam không chỉ là điểm đến của sản xuất giá rẻ.
Những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam rất đa dạng từ dân số trẻ và am hiểu công nghệ, đến chính sách hỗ trợ của Chính phủ và vị trí địa lý chiến lược. "Nhiều công ty muốn dịch chuyển một số hoạt động ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam đem đến sự kết hợp của nhiều điều kiện thuận lợi - vị trí gần Trung Quốc, chi phí phải chăng và nguồn lao động lành nghề ngày càng tăng. Nhìn chung, đây là thời cơ tốt để Việt Nam vừa thu hút thêm nhiều đầu tư quốc tế vừa củng cố ngành công nghệ trong nước" - TS Goundar nói.
Các chuyên gia của Đại học RMIT nói rằng những khoản đầu tư có thể thúc đẩy Việt Nam tạo ra bản sắc riêng của mình trong lĩnh vực công nghệ ở Đông Nam Á. Những gã khổng lồ công nghệ đến Việt Nam là một tin vui nhưng cần bảo đảm điều này thực sự đem lại lợi ích cho đất nước, nên tập trung xây dựng ngành công nghệ riêng của mình chứ không chỉ là nơi để các công ty lớn kinh doanh.
"Cần hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong nước, kết nối hợp tác giữa trường học và DN, đưa ra các chính sách thúc đẩy ý tưởng mới phát triển. Mục tiêu là để Việt Nam dẫn đầu, chứ không chỉ đi theo, về trí tuệ nhân tạo và công nghệ. Nếu làm được, khoản đầu tư của các gã khổng lồ công nghệ có thể là khởi điểm của những thành tựu tuyệt vời cho đất nước" - TS Sam Goundar nói.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường - VinaCapital, nhận định Việt Nam sẽ vẫn duy trì được đà phát triển ổn định trong năm tới, dưới thời chính quyền ông Donald Trump. Bởi chính sách "ngoại giao cây tre" khéo léo đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành công.
"Chính quyền Mỹ rất khó có khả năng áp thuế nặng (20%-30%) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Nếu Mỹ áp thuế toàn diện, ví dụ như 5%-10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả quốc gia ngoài Trung Quốc, Việt Nam vẫn sẽ giữ được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác về dòng vốn FDI. Những yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn đối với các nhà sản xuất và đã thu hút hàng tỉ USD vốn FDI sẽ tiếp tục duy trì" - ông Michael Kokalari nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-12
Hôm nay, diễn ra Diễn đàn KINH TẾ VIỆT NAM 2024 phiên thứ 4
Sáng nay, 12-12, Diễn đàn KINH TẾ VIỆT NAM 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức tiếp tục phiên thứ 4 với chủ đề: "Động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới", nhằm thảo luận chính sách, nắm bắt xu hướng, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn đầy biến động.
Diễn đàn bắt đầu vào lúc 8 giờ 30 phút qua hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại Trụ sở Báo Người Lao Động, địa chỉ: 123 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.
Chính sách tín dụng cần cởi mở hơn
Trong bối cảnh thế giới và trong nước đan xen nhiều cơ hội và thách thức, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), kiến nghị cần sớm đưa những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đi vào thực tiễn. Bởi nhiều DN mong muốn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng "cởi mở" hơn, thay vì dùng tài sản thế chấp có thể được thế chấp bằng tài sản khác như công nghệ, nhân lực, bí quyết.
Cùng với đó, một số DN điện tử cũng gặp khó khăn trong thực thi các quy định liên quan tới xuất nhập khẩu, một số thay đổi mang chính đột xuất không báo trước làm cho DN lao đao, gián đoạn nguồn hàng xuất khẩu. Vì vậy, DN kiến nghị môi trường kinh doanh cần cải cách mạnh mẽ hơn.