Giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn là vấn đề khó của dự án đầu tư công
Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia, chiều 29/10, các đại biểu Quốc hội cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn là vấn đề khó khăn, vướng mắc gặp phải đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, việc cho phép tách dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án riêng đã góp phần thúc đẩy quá trình triển khai các dự án.
Các đơn vị Kiểm toán sai phải hoàn toàn chịu trách nhiệm
Nêu những thuận lợi cũng như bất cập từ thực tiễn thời gian qua đối với thị trường trái phiếu, đại biểu Lê Quân cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này với những nội dung cụ thể, giúp giảm rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt đối với những nhà đầu tư chưa chuyên nghiệp; giúp người dân yên tâm hơn khi đầu tư vào trái phiếu.
Cùng với đó, việc đưa ra các điều kiện, hành lang pháp lý để các doanh nghiệp phải thực hiện khi phát hành trái phiếu, giúp thị trường lành mạnh hơn, người dân yên tâm hơn khi đầu tư.
Theo đề nghị của đại biểu Lê Quân, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán cần có các điều khoản gắn trách nhiệm của các đơn vị kiểm toán đối với các báo cáo kiểm toán doanh nghiệp, nếu kiểm toán sai, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Đồng thời, cần có những quy định ràng buộc và cấm các hành vi thao túng thị trường chứng khoán thông qua việc sửa các báo cáo tài chính sai lệch.
Thảo luận về dự án 1 Luật sửa 7 Luật, đối với nội dung về nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương trong Luật Ngân sách nhà nước, đại biểu Dương Văn Phước cho biết, trong thực tiễn, cấp huyện có phát sinh nhiệm vụ nghiên cứu đề tài về yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị…, giống như đề tài khoa học và công nghệ, nhưng lại không được chi ngân sách thực hiện nội dung này do vướng quy định.
Do đó, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét bỏ quy định “ngân sách cấp huyện không có nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ” để các địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đối với Luật Quản lý thuế, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, khi người nộp thuế đã được khoanh nợ (áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) có khả năng nộp thuế, cơ quan thuế chỉ được phối hợp thu, mà không được áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu, thì không thể thu được tiền nợ thuế khi đã áp dụng đến biện pháp cưỡng chế cuối cùng.
Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị nghiên cứu, xem xét bổ sung trường hợp các khoản tiền thuế nợ được khoanh mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin người nộp thuế có khả năng nộp thuế, thì áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để thu hồi nợ thuế đã khoanh.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ băn khoăn về nội dung liên quan đến các sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng thanh toán, và các tổ chức khác có trách nhiệm khấu trừ, kê khai, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, quy định này sẽ giảm gánh nặng, tạo thuận lợi cho việc thu thuế của cơ quan nhà nước, nhưng lại dồn gánh nặng lên các doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử.
Hạn chế tối đa tình trạng “vốn chờ dự án”, “dự án chờ vốn”
Quan tâm đến dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn là vấn đề khó khăn, vướng mắc gặp phải đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, việc cho phép tách dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án riêng đã góp phần thúc đẩy quá trình triển khai các dự án.
Tuy nhiên, việc bố trí vốn để thực hiện các dự án đặc thù này vẫn cần có cơ chế, chính sách mang tính linh hoạt. Cụ thể, kinh nghiệm của thành phố Hà Nội cho thấy, việc bố trí vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tập trung thay cho việc bố trí vốn cụ thể cho từng dự án, đã thực sự phát huy hiệu quả, bảo đảm việc giải ngân thanh toán được kịp thời và linh hoạt.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường đề xuất xem xét bổ sung nội dung tại Điều 55 dự thảo Luật về nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho chương trình, dự án; bổ sung nội dung bố trí kế hoạch vốn trung hạn, hằng năm tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, cũng như các dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Nhất trí với việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc tách này cần được thực hiện với tất cả các dự án, chứ không theo từng nhóm như dự thảo Luật quy định. Bởi dự thảo Luật còn ràng buộc “trong trường hợp cần thiết” - vậy cơ quan soạn thảo cần làm rõ nội hàm của cụm từ này, cần thiết về thời gian, sự đồng thuận của người dân hay nội dung gì.
Cho rằng, dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) có tác động lớn đối với xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Lan quan tâm đến việc điều chỉnh chủ trương đầu tư (Khoản 1 Điều 34). Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, cần làm rõ thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trong trường hợp chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương, quyết định đầu tư.
Cũng quan tâm dự án Luật Đầu tư công, đại biểu Trần Văn Khải tán thành đề xuất quy định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương từ HĐND các cấp cho UBND các cấp, trong trường hợp thay đổi nhu cầu sử dụng, hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hằng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương, dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch trung hạn giữa các đơn vị sử dụng ngân sách địa phương.
Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, đề xuất này sẽ tạo sự chủ động cho UBND các cấp sớm điều chỉnh kế hoạch vốn cũng như điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, qua đó, phối hợp đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, hạn chế tối đa tình trạng “vốn chờ dự án”, “dự án chờ vốn” hiện nay.
Góp ý về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư công, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị bổ sung các chế tài phù hợp để có cơ sở xử lý khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện không bảo đảm quy trình thủ tục, làm chậm trễ tiến độ thực hiện và giải ngân vốn cho dự án do lỗi chủ quan.
Trong khi đó, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, việc sửa đổi Luật Đầu tư công là hết sức cần thiết trong bối cảnh tình hình giải ngân đầu tư công cả nước chưa đạt như kỳ vọng, với mục tiêu năm 2024 đạt 95%. Vì thế, những ý kiến của các đại biểu góp ý vào dự thảo Luật giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho công tác đầu tư công nói chung, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án nói riêng hiện nay.
Từ kinh nghiệm thực tế tại Hà Nội, đại biểu Nguyễn Ngọc Tuấn trao đổi, làm rõ các nội dung góp ý liên quan đến việc phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý, cũng như việc phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương quản lý, qua đó, góp phần tăng cường sự công khai, minh bạch, hiệu quả của các dự án đầu tư công tại các địa phương.