Giải phóng mặt bằng cho đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Bộ GTVT xác định các yếu tố tác động lớn đến thời gian trong GPMB đối với dự án Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam như tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, đường điện… và đề xuất cấp thẩm quyền có chính sách đặc thù để triển khai theo các mốc tiến độ.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vừa hoàn thành thẩm định, thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến các mốc tiến độ chính của dự án: Trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào quý IV/2024; Năm 2025 - 2026: Đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, Hoàn thành công tác lập và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật tổng thể. Năm 2027: Triển khai GPMB, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, khởi công dự án. Phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.

Tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Thời gian hoàn thành dự án là thay đổi lớn của cơ quan nghiên cứu, bởi các đề xuất trước đó đều đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2045. Đi kèm với quyết tâm rút ngắn thời gian triển khai dự án, Bộ GTVT đề xuất nhiều nhóm cơ chế chính sách đặc thù để triển khai. Trong đó có 15 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 5 nhóm chính sách do Chính phủ quyết định.

Trao đổi về việc lựa chọn phương án đầu tư này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định trong các báo cáo cấp thẩm quyền Bộ GTVT đều xác định đây là những thách thức rất lớn. “Trong đó, áp lực lớn nhất khi triển khai dự án vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Đây là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ. Bởi lẽ thực tế có nhiều dự án xây dựng chỉ mất một hai năm, nhưng giải phóng mặt bằng mất nhiều năm, vì vậy cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để dự án có thể hoàn thành đúng tiến độ”.

Bộ GTVT xác định các yếu tố tác động lớn đến thời gian trong GPMB đối với dự án Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam như tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, đường điện

Bộ GTVT xác định các yếu tố tác động lớn đến thời gian trong GPMB đối với dự án Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam như tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, đường điện

Với đề xuất rút ngắn thời gian triển khai dự án, trong buổi thẩm tra ngày 14-10 vừa qua, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam nhận định “tiến độ rất gấp”, nhất là trong bối cảnh công trình có quy mô lớn, phức tạp về công nghệ, chưa từng có tiền lệ. Liệu Bộ GTVT đề xuất rút ngắn thời gian triển khai dự án từ 20 năm xuống 10 năm có khả thi? Đặt vấn đề như vậy, ông Nguyễn Chí Dũng cũng dẫn chứng dự án Cát Linh - Hà Đông mất 13 năm xây dựng, Bến Thành - Suối Tiên triển khai làm 17 năm chưa xong và có thể tiếp tục kéo dài sang năm thứ 18 – 19 năm.

Một trong những nguyên nhân các dự án hiện nay chậm là do công tác giải phóng mặt bằng và biện pháp thi công chưa hợp lý. Từ đó, ông Nguyễn Chí Dũng đề nghị Bộ GTVT, tư vấn lập dự án và các đơn vị liên quan xác định đầy đủ các yếu tố rủi ro và xây dựng các giải pháp xử lý nhằm đảm bảo tính khả thi về tiến độ theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương. Do đó, bài toán về GPMB là câu hỏi được đặt ra với lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan đơn vị chức năng.

Thông tin về vấn đề này, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT nêu rõ các phương án chuẩn bị đối với công tác GPMB, xác định đây là công tác quyết định tiến độ và hiệu quả đầu tư dự án trong tương lai.

"Đối với đầu tư xây dựng thì GPMB quyết định tiến độ và hiệu quả đầu tư dự án. Do vậy, xác định đây là vấn đề cần chuẩn bị thực hiện từ sớm, từ xa. Phải có các cơ chế để thực sự GPMB đi trước một bước. Các chủ thể, đặc biệt là địa phương thực hiện công tác này cần rà soát thật kỹ các chính sách để đảm bảo chính sách cho người dân. Chuẩn bị các khu tái định cư để người dân yên tâm ổn định cuộc sống, bàn giao mặt bằng cho dự án."- ông Uông Việt Dũng nói.

Cùng giải đáp về công tác GPMB cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT phân tích: "Đối với DA đường sắt, phạm vi GPMB so với đường bộ thì bé hơn nhiều. Tuyến ĐSTDC đầu tiên về lựa chọn hướng tuyến, chỉ các nhà ga mới đi vào khu trung tâm để gom và giải tỏa, thu hút hành khách, còn các phần khác tránh tối đa khu vực vướng vào dân cư. Thứ hai về cơ chế chính sách GPMB trình cùng đề án bao gồm giao chính quyền địa phương ngoài việc GPMB thi còn huy động nguồn lực để thực hiện việc GPMB."

Còn ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT cho biết, GPMB là khâu quan trọng. Vì vậy, ngay trong giai đoạn lập nghiên cứu báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình đề án Bộ Chính trị, các giải pháp cụ thể về GPMB đã được đề xuất phù hợp, để làm sao GPMB được chuẩn bị ngay từ đầu. Dự án chạy dài trên 20 tỉnh. Liên quan tới đặc điểm đường sắt đi thẳng vào trung tâm thì kinh nghiệm của ngành GTVT đúc rút từ nhiều dự án, đề xuất cấp thẩm quyền có chính sách đặc thù triển khai sớm.

Ở bước báo cáo khả thi, cơ chế giao mỗi địa phương phụ trách một tiểu dự án GPMB hoặc giao trực tiếp cho ngành thực hiện di dời hạ tầng kỹ thuật. Quan điểm của Trung ương, đây là dự án quan trọng, cần có chính sách đặc thù, đặc biệt để dự án sớm được khởi công. Đồng thời, xác định đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao quan trọng nhất là tác động lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ là 20 địa phương có tuyến đường sắt chạy qua, mà còn là các địa phương khác khi hệ giao thông kết nối phát triển.

Hà Nho/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/giai-phong-mat-bang-cho-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-post1131061.vov
Zalo