Gia Lai: Yêu cầu các hộ dân ký cam kết không trông giữ xe của học sinh

Ngành chức năng tại Gia Lai đã đồng bộ nhiều biện pháp nhằm khắc chế tình trạng học sinh điều khiển phương tiện đến trường khi chưa đủ điều kiện, trong đó có biện pháp yêu cầu các hộ dân ký cam kết không trông giữ xe của học sinh.

Thực hiện "Kế hoạch cao điểm đảm bảo trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh", các trường học và ngành chức năng của tỉnh Gia Lai đã tích cực phối hợp, tăng cường các giải pháp tuyên truyền, chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm liên quan đến học sinh.

Bãi giữ xe học sinh trái phép tại khu vực cổng trường Hoàng Hoa Thám, TP Pleiku. Ảnh: T.V.Y

Bãi giữ xe học sinh trái phép tại khu vực cổng trường Hoàng Hoa Thám, TP Pleiku. Ảnh: T.V.Y

Rà soát điểm giữ xe trái phép

Tại khu vực cổng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (đường Tôn Đức Thắng, TP Pleiku) nhiều năm qua tồn tại một số điểm trông giữ xe học sinh trái phép. Các điểm giữ xe này cũng chính là nơi học sinh sử dụng xe mô tô quá phân khối cho phép thường xuyên "gửi nhờ". Chủ yếu điểm giữ xe này "sống được" là do học sinh sử dụng xe độ chế, xe quá phân khối cho phép không thể vào được cổng trường...

Theo quan sát của PV Báo Giao thông, khu vực giữ xe nằm trong khuôn viên căn nhà số 152 Tôn Đức Thắng. Để gửi xe, học sinh chỉ cần chạy tới, sau đó ra hiệu với người giữ xe. Thủ tục gửi xe thuận tiện, đơn giản. Trong số xe học sinh điều khiển còn có một số xe đã được độ chế kết cấu như: lắp bánh nhỏ, độ ống bô, tăm bánh, sửa kết cấu nhận diện màu sơn xe...

Khi được hỏi lý do vì sao không gửi xe vào bãi giữ xe nhà trường? Một học sinh cho biết: "Để thuận tiện mỗi khi tan trường, lấy xe ra về nhanh chóng hơn".

Dù đã dành nhiều thời lượng để tuyên truyền về việc không giao xe cho học sinh tham gia giao thông tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám. Đồng thời, lực lượng công an, nhà trường cho biết thực hiện tháng cao điểm tuyên truyền sẽ xử lý nghiêm, tuy nhiên, thực trạng học sinh vẫn điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện tham gia giao thông.

Chỉ trong thời gian từ 23-25/10, Công an phường Yên Thế (Công an TP Pleiku) đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 19 học sinh của Trường THPT Hoàng Hoa Thám về lỗi điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện.

Đáng chú ý, quá trình tuần tra kiểm soát của lực lượng Công an tại TP Pleiku đã phát hiện 8 học sinh vi phạm khác vi phạm các lỗi như: Không giấy tờ, vượt quá vận tốc cho phép.

Đáng chú ý, có trường hợp học sinh bị phạt vì điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ cho phép tới 10-20km/h; Học sinh điều khiển phương tiện trên có dung tích xi lanh trên 50 phân khối, học sinh này còn điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn.

Cũng theo Công an phường Yên Thế, để xử lý nghiêm tình trạng trông giữ xe học sinh trái phép xung quanh trường, đơn vị này đã rà soát các địa điểm và yêu cầu các hộ dân ký cam kết không trông giữ xe học sinh.

Trao đổi với Báo Giao thông, thượng tá Phan Nhật Toàn, Trưởng công an TP Pleiku cho biết: "Thời gian qua, các lực lượng công an thành phố đã tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền tại các trường học và các khu dân cư nhằm nâng cao nhận thức cho phụ huynh và học sinh chấp hành nghiêm túc qui định của luật giao thông.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khá đông học sinh sử dụng xe phân khối lớn đến trường. Nếu không được giải quyết dứt điểm, vấn đề này sẽ tiếp tục gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Vì vậy, thời gian tới, công an thành phố sẽ kiên quyết xử lý đối với các trường hợp học sinh không chấp hành qui định luật giao thông, đồng thời xử lý các trường hợp giao xe cho người chưa đủ tuổi để góp phần giải quyết tốt trật tự giao thông trên địa bàn".

Lực lượng Công an TP Pleiku kiểm tra học sinh điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Lực lượng Công an TP Pleiku kiểm tra học sinh điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Chỉ rõ hậu quả TNGT

Còn tại huyện Krông Pa, để giảm thiểu rủi ro do TNGT xảy ra trong học sinh, ngay từ đầu năm học 2024 -2025, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện này đã yêu cầu hơn 5.000 giáo viên, phụ huynh, học sinh ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Từ đầu tháng 10 đến nay, Công an huyện đã tổ chức 15 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT tại các trường học thu hút khoảng 7.500 học sinh, giáo viên tham gia.

Đại úy Trần Đức Anh - Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự công an huyện Krông Pa cho biết, đơn vị đã đổi mới hình thức tuyên truyền. Trong đó, tập trung nêu ra những hậu quả để lại nặng nề do TNGT gây ra. Giải thích những câu hỏi trực tiếp của học sinh, phụ huynh. Thông qua các buổi tuyên truyền, lực lượng cảnh sát còn hướng dẫn kỹ năng tham gia an toàn, kỹ năng xử lý các tình huống khẩn cấp...

"Chúng tôi cũng tổng rà soát và yêu cầu 10 hộ dân sống xung quanh khu vực trường học ký cam kết không trông giữ phương tiện mô tô phân khối lớn của học sinh. Đây là việc làm cần thiết nhằm chung tay, cộng đồng trách nhiệm giữa lực lượng chức năng và người dân trong phòng tránh, ngăn ngừa tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh", đại úy Trần Đức Anh nhấn mạnh.

Ông Đoàn Hữu Dũng, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban Thường trực Ban ATGT cho biết, Ban ATGT tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị và Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong cơ quan, tổ chức, nhân dân quy định của pháp luật về "Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các nội dung trọng tâm như: cấm giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện; hậu quả và trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm này. Đặc biệt, tổ chức thực hiện cao điểm kiểm tra, tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm; xây dựng mô hình thí điểm kết hợp gia đình - nhà trường - xã hội về "Nói không" với việc giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông".

Các điểm giữ xe trái phép bên ngoài Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Gia Lai.

Tạ Vĩnh Yên

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/gia-lai-yeu-cau-cac-ho-dan-ky-cam-ket-khong-trong-giu-xe-cua-hoc-sinh-192241026001243424.htm
Zalo