Giải pháp xây dựng hệ thống câu hỏi phục vụ ôn thi tốt nghiệp THPT
Thầy cô chia sẻ kinh nghiệm và lưu ý giúp xây dựng hệ thống câu hỏi phục vụ công tác ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chất lượng.

Giờ học tại Trường THPT huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Bám sát chương trình, đánh giá đúng năng lực học sinh
Thầy Trang Minh Thiên - Tổ trưởng chuyên môn tổ Công nghệ - Tin học, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (Cần Thơ) cho biết, biên soạn câu hỏi ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đặc biệt quan trọng vì đây là lần đầu tiên môn Công nghệ được lựa chọn đưa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Để biên soạn câu hỏi ôn tập thi tốt nghiệp, thầy cô cần nghiên cứu, phân tích kỹ đề tham khảo được Bộ GD&ĐT công bố ngày 18/10/2024. Từ đó, biên soạn câu hỏi ở các dạng thức (trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn và dạng đúng sai) theo các yêu cầu cần đạt của chương trình và nhấn mạnh vào các trọng tâm có trong đề tham khảo, đảm bảo tính phân hóa để đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa hình thức câu hỏi, kết hợp giữa câu hỏi lý thuyết và thực tiễn sẽ giúp học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn biết cách vận dụng vào thực tế. Chẳng hạn như chương trình lớp 10, phần vẽ kỹ thuật cần tập trung trọng tâm vào các câu hỏi liên quan đến nhận dạng hình chiếu vuông góc và hình chiếu trục đo, giúp học sinh tư duy nhanh hơn khi quan sát và nhận biết các vật thể được biểu diễn.
Cùng đó, với chương trình công nghệ lớp 11 và lớp 12, thầy cô cũng cần rà soát nội dung giữa các bộ sách giáo khoa và thống nhất nội dung trong tổ chuyên môn. Riêng câu hỏi trắc nghiệm đúng sai, cần xây dựng trên bối cảnh thực tiễn, tình huống có vấn đề gần gũi với cuộc sống và các lệnh hỏi phải được gắn liền với bối cảnh, đáp ứng yêu cầu cần đạt và đánh giá đúng năng lực của học sinh.
" Trường THPT Nguyễn Việt Dũng đã tổ chức thành công hội nghị ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Công nghệ - Công nghiệp. Đây là cơ hội để giáo viên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, ôn tập, cập nhật những điều chỉnh mới nhất về cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Công nghệ - Công nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Tại hội nghị, đại diện bộ môn Công nghệ - Công nghiệp của nhà trường đã chia sẻ kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp; những kinh nghiệm biên soạn câu hỏi, cùng các phương pháp hiệu quả trong quá trình ôn tập cho học sinh. Các đại biểu cũng tích cực thảo luận và đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng ôn tập, giảng dạy bộ môn”, thầy Trang Minh Thiên chia sẻ.
Lưu ý giáo viên trong xây dựng câu hỏi ôn tập, ông Phan Trọng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Bến Tre) nhắc việc cần bám sát yêu cầu cần đạt của từng chủ đề trong Chương trình GDPT 2018; tham khảo sách giáo khoa, sách bài tập của các bộ sách đã được thẩm định, phê duyệt sử dụng trong các nhà trường.
Cùng với đó, cần chú trọng các câu hỏi thực tiễn, vận dụng kiến thức xã hội; phản biện kỹ từng câu hỏi và có thử nghiệm, điều chỉnh để câu hỏi đạt chất lượng tốt nhất.
Lưu ý yêu cầu về văn bản ngữ liệu mới, bám sát đề tham khảo
Nói về kinh nghiệm xây dựng câu hỏi ôn tập, phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, cô Vũ Thị Anh - giáo viên Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) nhấn mạnh đầu tiên đến việc các câu hỏi phải bám với từng chủ đề và sát chương trình môn học, giúp học sinh được củng cố kiến thức.
Câu hỏi cũng cần bám sát các dạng thức trong đề tham khảo Bộ GD&ĐT ban hành. Ví dụ, môn Lịch sử chỉ có 2 dạng thức câu hỏi là trắc nghiệm 4 lựa chọn và đúng/sai.
Từ đặc trưng môn Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018 lưu ý đến các yêu cầu về văn bản ngữ liệu mới. Các văn bản này phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí Chương trình GDPT 2018 đã nêu; tránh sử dụng ngữ liệu không chuẩn xác. Chú trọng văn bản giá trị của những tác giả có vai trò quan trọng trong lịch sử văn học…
Với mỗi văn bản đọc hiểu, giáo viên cần nêu nhiều câu hỏi, yêu cầu ở cả 3 mức độ; từ đó chọn lấy những câu hỏi tốt và phù hợp hơn với học sinh. Đó cũng là cách giúp học sinh làm quen với nhiều kiểu câu hỏi và yêu cầu khác nhau từ một văn bản cùng mức độ.
Giáo viên đồng thời cần chú ý kỹ thuật nêu câu hỏi đọc hiểu và yêu cầu viết sao cho ngắn gọn, rõ ràng và đúng mức độ: Biết, hiểu, vận dụng. Học sinh khi làm câu hỏi đọc hiểu tập trung trả lời thẳng vào yêu cầu của đề, hỏi gì trả lời nấy, chú trọng thông tin đúng, không cần trình bày dài dòng thành cả đoạn văn…