Giải pháp nâng tầm cho sản phẩm OCOP
Hà Nội là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất cả nước với 3.317 sản phẩm. Trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, năm 2024, Hà Nội không có thêm sản phẩm nào được công nhận 5 sao. Có thể thấy số lượng sản phẩm 5 sao còn khá khiêm tốn do việc nâng sao cho các sản phẩm OCOP còn nhiều khó khăn.

Hội thi Đánh giá phân loại sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2024. (Ảnh DIỆU THƯƠNG)
Năm 2024, huyện Thanh Oai tổ chức đánh giá, phân hạng 20 sản phẩm OCOP, trong đó có 15 sản phẩm đạt tiềm năng 4 sao, 5 sản phẩm đạt 3 sao, nhưng không có sản phẩm nào được làm hồ sơ nâng hạng sao. Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng, xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai) hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 4 nghìn tấn gạo các loại. Hợp tác xã này hiện có 3 sản phẩm gạo OCOP 4 sao từ năm 2019. Ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng cho rằng: “Để được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao cần rất nhiều các tiêu chí khắt khe, nhất là phải có thị trường xuất khẩu thường xuyên, mà chúng tôi không có nguồn kinh phí để đầu tư máy móc, công nghệ; chưa có cơ chế nào hỗ trợ kinh doanh cho các hợp tác xã cả. Do đó thay vì xét lên hạng sao, thì chúng tôi tập trung giữ vững tiêu chí và đầu tư vào các sản phẩm mới”.
Cũng gặp khó khăn trong nâng sao sản phẩm OCOP, anh Mai Hồng Bàng, chủ hộ kinh doanh cá thể Mailands, huyện Thanh Oai có bốn sản phẩm đông trùng hạ thảo được công nhận OCOP 3 sao từ năm 2023 cho biết: “Khó khăn nằm ở nguồn lực tài chính còn hạn chế, thiếu đội ngũ chuyên sâu về xây dựng tiêu chuẩn và đặc biệt là thiếu liên kết chặt chẽ với các kênh phân phối lớn, siêu thị, một trong những tiêu chí quan trọng để lên hạng sao”.
Huyện Thạch Thất là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất Hà Nội với 188 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, nhưng cũng chưa có sản phẩm nào được xếp hạng 5 sao. Bà Kiều Thị Kim Khánh, Giám đốc cơ sở sản xuất chè kho Bằng An, huyện Thạch Thất cho biết: “Sau khi được chứng nhận OCOP 4 sao, chè kho Bằng An được tiêu thụ tăng mạnh hơn so với trước đây. Tuy nhiên quy trình xét duyệt sản phẩm 5 sao yêu cầu rất chi tiết về tính đặc thù vùng miền, tác động cộng đồng, câu chuyện sản phẩm, nhất là trong bối cảnh này rất khó để tìm được thị trường xuất khẩu, nên chúng tôi chưa làm hồ sơ nâng hạng”.
Phân tích việc khó nâng sao sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Văn Quang, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thanh Oai cho rằng, việc nâng sao cho sản phẩm OCOP là tất yếu, tuy nhiên lại không phải bắt buộc với các chủ thể. Đối với sản phẩm OCOP 4 sao cần có thêm một số tiêu chí về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng… Đây là những tiêu chí khó và cần nhiều thời gian để thực hiện. Trong khi đó, hầu hết các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế không mạnh, nên việc đầu tư, hoàn thiện quy trình để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí gặp khó khăn. Cùng với đó là quy định mức chi thưởng cho các sản phẩm nâng sao là rất thấp, trong khi thủ tục, hồ sơ đăng ký nâng sao cho sản phẩm rất phức tạp, không khác sản phẩm đăng ký xây dựng mới.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng hạng sao OCOP, bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thạch Thất cho biết: “Năm 2023, 2024, Ủy ban nhân dân huyện đã dành 400 triệu đồng tặng thưởng cho 50 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, hỗ trợ toàn bộ kinh phí tư vấn lập và hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sao OCOP. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia các đợt trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm do Trung ương, thành phố và huyện tổ chức; chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng trong năm 2025”.
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, hiện chưa có thống kê cụ thể về hiện trạng tất cả các sản phẩm OCOP xuất khẩu, tuy nhiên, đã có 48/79 sản phẩm OCOP 5 sao (chiếm 60,7%) xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, mang lại hiệu quả tích cực cho kinh tế nông thôn. Hiện tỷ lệ chủ thể OCOP xây dựng vùng nguyên liệu ổn định theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm OCOP là 48,3%, tỷ lệ sản phẩm OCOP có giá bán tăng lên là 55,6%. Qua đó, tạo thêm việc làm, thúc đẩy hướng đi về phát triển kinh tế, nhất là sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn.
Việc phát triển sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại ở số lượng, mà cần tập trung nâng cao chất lượng, từng bước nâng hạng sao để khẳng định vị thế trên thị trường. Muốn làm được điều đó, cần sự chủ động, sáng tạo và quyết tâm đổi mới từ các chủ thể sản xuất, cùng với cơ chế hỗ trợ hiệu quả, linh hoạt từ phía Nhà nước. Chỉ khi “gỡ nút thắt” bằng những giải pháp đồng bộ, từ tư duy đến hành động, sản phẩm OCOP mới thật sự phát huy giá trị, nâng tầm thương hiệu địa phương và tiến xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế ■
() Xem trang Hà Nội, Báo Nhân
Dân từ số ra ngày 18/4/2025