Giải pháp nâng cao năng lực dạy học tích hợp liên môn cho giáo viên THCS
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đề cao việc dạy học tích hợp liên môn. Để dạy học tích hợp liên môn, giáo viên THCS phải có kiến thức sâu rộng về các môn học cũng như kiến thức về đời sống, xã hội. Nhận thấy sự cấp thiết của vấn đề này, Sở Khoa học và Công nghệ đã đưa đề tài 'Nghiên cứu một số giải pháp nâng cao năng lực dạy học tích hợp liên môn cho đội ngũ giáo viên THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn' vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và tuyển chọn Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn chủ trì thực hiện, Tiến sĩ Phùng Quý Sơn, Hiệu trưởng nhà trường làm chủ nhiệm đề tài. Nhóm chuyên gia nghiên cứu đề tài từ năm 2022 và hoàn thành trong tháng 8/2024.
Trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 việc dạy học tích hợp liên môn được thể hiện qua môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, môn học ghép Lịch sử và Địa lý. Chương trình cũng yêu cầu các tổ chuyên môn, giáo viên lựa chọn, xây dựng và thiết kế chủ đề tích hợp liên môn phù hợp với thực tiễn của nhà trường.
Tiến sĩ Phùng Quý Sơn, chủ nhiệm đề tài cho biết: Chúng tôi đã tiến hành khảo sát đối với 990 cán bộ quản lý, giáo viên THCS trên địa bàn tỉnh. Cán bộ quản lý, giáo viên được khảo sát đều có nhận thức khá đầy đủ về dạy học tích hợp liên môn, các trường THCS đã quan tâm và đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc dạy học tích hợp liên môn còn gặp một số khó khăn như: các trường đang triển khai thực hiện 2 chương trình giáo dục phổ thông cùng lúc; đây là chu kỳ đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên các trường chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý và tổ chức dạy học môn tích hợp; một số trường có ít giáo viên nên hạn chế trong việc trao đổi chuyên môn; một số giáo viên còn hạn chế trong việc xây dựng chủ đề liên môn, xác định nội dung của từng môn học trong chủ đề cũng như xây dựng các nhiệm vụ học tập thành chuỗi hoạt động; lựa chọn và sử dụng các phương pháp dạy học tích cực…
Để phát triển năng lực dạy học tích hợp liên môn, giáo viên cần được bồi dưỡng kiến thức khoa học về bộ môn cũng như những kiến thức liên quan; phương pháp giảng dạy bộ môn với từng chủ đề, từng kiểu bài; năng lực xây dựng và thiết kế các hoạt động cho chủ đề tích hợp; năng lực liên hệ, lồng ghép, vận dụng, hòa trộn các mạch nội dung; năng lực tổ chức, hướng dẫn; năng lực tổng hợp, sáng tạo, phổ biến kinh nghiệm cho đồng nghiệp; năng lực phối hợp với phụ huynh, cộng đồng xã hội để giáo dục học sinh trong và ngoài lớp học.
Triển khai nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực dạy học tích hợp liên môn cho đội ngũ giáo viên THCS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, gồm: đổi mới quản lý tổ chức dạy học tích hợp liên môn ở các trường THCS; nâng cao năng lực thiết kế và tổ chức dạy học tích hợp liên môn khoa học tự nhiên, liên môn hoa học xã hội; nâng cao năng lực kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học; đề xuất tiêu chí đánh giá năng lực dạy học tích hợp liên môn. Cùng đó biên soạn tài liệu về dạy tích hợp liên môn và xây dựng bài giảng điện tử về các chủ đề.
Sau khi biên soạn tài liệu tích hợp liên môn, nhóm nghiên cứu đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực dạy học tích hợp liên môn cho 150 chuyên viên các phòng giáo dục và đào tạo, giáo viên THCS trên địa bàn tỉnh; triển khai thực nghiệm dạy học 6 chủ đề tích hợp liên môn (3 chủ đề khoa học tự nhiên và 3 chủ đề khoa học xã hội) cho 21 lớp 6, 7, 8 của 13 trường THCS trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy: số giáo viên có năng lực dạy học tích hợp xếp loại tốt tăng 12%, loại trung bình giảm 4,7%. Học sinh hứng thú hơn với phương pháp dạy và học mới, từ đó nâng cao khả năng tiếp thu, áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.
Cô Ngô Thị Tám, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tân Minh, huyện Tràng Định cho biết: Chủ đề trong đề tài có tính khả thi cao; sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học đa dạng, phù hợp với đặc trưng bộ môn; nội dung tích hợp đúng, đủ, phù hợp đối với đối tượng học sinh THCS.
Thông qua hoạt động thực nghiệm, những giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra đã góp phần tích cực nâng cao năng lực dạy học tích hợp liên môn cho giáo viên THCS. Những năng lực được nâng cao hơn là: xây dựng kế hoạch dạy học; tổ chức dạy học; nâng cao hiểu biết về dạy học tích hợp; phối hợp và hỗ trợ đồng nghiệp; kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học. Với những ý nghĩa mà đề tài mang lại, tháng 8/2024, Hội đồng Khoa học cấp tỉnh đã tiến hành nghiệm thu đề tài. Mong rằng, các giải pháp của đề tài sớm được triển khai đại trà nhằm nâng cao hiệu quả công tác dạy và học trên địa bàn tỉnh.