Giải pháp để hạn chế tử vong do bệnh dại
Mặc dù các điểm tiêm vắc xin phòng bệnh dại được phân bố rộng khắp trong tỉnh, như số ca tử vong vì bệnh dại tại Bình Thuận thì cao nhất cả nước năm 2024. Để khắc phục tình trạng này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Tử vong do không tiêm vắc xin
Năm 2024, Bình Thuận trở thành địa phương có số ca tử vong do bệnh dại cao nhất cả nước, với 10 trường hợp trên tổng số 16 ca tử vong ghi nhận tại khu vực miền Trung. Các trường hợp tử vong xuất hiện ở Hàm Thuận Nam 3 ca, Hàm Tân 2 ca, La Gi 2 ca, Tánh Linh 1 ca, Hàm Thuận Bắc 1 ca và Bắc Bình 1 ca. Một điểm đáng chú ý của các trường hợp trên là đều không được tiêm vắc xin, kháng huyết thanh kháng dại. Trong đó, có 6 trường hợp chủ quan và 4 trường hợp tìm đến thầy lang để chữa trị bằng thuốc nam. Đáng lo ngại hơn, nguồn lây nhiễm chính xuất phát từ chó chạy rông không được kiểm soát. Đó là thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Trong khi đó, các điểm tiêm phòng bệnh dại sau phơi nhiễm được phân bố tại Bình Thuận với tỷ lệ trung bình có từ 2–3 điểm tiêm cho mỗi địa phương. Riêng Tánh Linh, La Gi có 4 điểm; Đức Linh và Phan Thiết có 8 điểm tiêm. Năm 2024, số người được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm trên toàn tỉnh là 20.712 người, tăng 1,6 lần so với năm 2023 (13.691 người). Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại/100.000 dân tại các huyện, thị, thành phố cũng ghi nhận sự gia tăng. Đặc biệt, tỷ lệ này tăng đáng kể ở các địa phương như Phan Thiết, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Tuy Phong và La Gi. Riêng Hàm Thuận Nam, La Gi có tỷ lệ tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại cao gấp gần 4 lần so với năm 2022 và 2023. Điều này cho thấy số người bị chó, mèo cào cắn gia tăng và sự nỗ lực đáng kể trong việc tăng cường phòng, chống bệnh dại.
Nâng cao ý thức, kiểm soát vật nuôi
Bác sĩ Võ Văn Hạnh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: Dù công tác truyền thông phòng, chống bệnh dại đã được triển khai, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đội ngũ chuyên trách về thú y ở các huyện chưa được bố trí đầy đủ, nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Ý thức của người dân về phòng ngừa bệnh dại còn hạn chế. Khi bị chó hoặc mèo cắn, nhiều người vẫn chủ quan, không xử lý vết thương đúng cách, không đi tiêm vắc xin hoặc kháng huyết thanh. Thậm chí, một số trường hợp vẫn chữa trị bằng các phương pháp dân gian như đắp lá cây hoặc dùng thuốc nam. Điều này dẫn đến hậu quả 100% các ca tử vong do bệnh dại đều không được tiêm vắc xin, huyết thanh.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo vẫn còn thấp. Trong tổng số 123.664 con chó, mèo trên toàn tỉnh, chỉ có 72.405 con được tiêm phòng, chiếm 58,55%, thấp hơn so với mục tiêu 70%. Kinh phí tiêm phòng hoàn toàn do người dân tự chi trả, gây khó khăn lớn cho các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng chó thả rông không được kiểm soát vẫn phổ biến, nhiều con chó không được rọ mõm khi ra đường, làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh dại.
Để phòng, chống bệnh dại hiệu quả, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đưa ra một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đó là đảm bảo đủ vắc xin, huyết thanh, công khai địa chỉ các điểm tiêm phòng. Thống kê đầy đủ các ca bị chó, mèo cắn để phối hợp xử lý kịp thời. Đồng thời, nâng tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó, mèo đạt mức quy định; tăng cường truyền thông nguy cơ trong cộng đồng và trường học. Cùng với đó, nâng cao ý thức người dân về việc xử lý vết thương và tiêm phòng kịp thời.