Chuyến thăm của Thủ tướng Nga nhằm thúc đẩy hiệu quả hợp tác kinh tế với Việt Nam

Chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Chính phủ LB Nga Mikhail Mishustin đến Việt Nam là bước tiến mạnh mẽ nhằm tìm kiếm hợp tác kinh tế hiệu quả giữa hai nước.

Bà Ekaterina Koldunova, Phó Giáo sư phương Đông học, Giám đốc Trung tâm Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thuộc trường Đại học quốc gia Quan hệ quốc tế Moskva.

Bà Ekaterina Koldunova, Phó Giáo sư phương Đông học, Giám đốc Trung tâm Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thuộc trường Đại học quốc gia Quan hệ quốc tế Moskva.

Đây là nhận định của bà Ekaterina Koldunova, Phó Giáo sư phương Đông học, Giám đốc Trung tâm Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thuộc trường Đại học quốc gia Quan hệ quốc tế Moskva, Bộ Ngoại giao Nga, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Moskva mới đây.

Đánh giá về kết quả hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga trong những năm gần đây, Phó Giáo sư Koldunova cho rằng hai nước luôn nỗ lực không ngừng nhằm đưa kim ngạch thương mại trở lại mức trước năm 2022 và đã đạt được mục tiêu này vào cuối năm 2024.

Bà cho biết Việt Nam và LB Nga đang tìm kiếm các cơ hội mới trong lĩnh vực tài chính, kinh tế và hậu cần để thúc đẩy thương mại song phương. Một số tuyến đường hậu cần mới đã được hình thành, kết nối vùng Viễn Đông của Nga với Việt Nam, tạo điều kiện để doanh nghiệp Nga tích cực tham gia vào hoạt động thương mại.

Về hợp tác đầu tư, bà Koldunova cho biết các công ty, doanh nghiệp Việt Nam như TH True Milk vẫn duy trì hoạt động ổn định tại Nga, trong khi lĩnh vực năng lượng tiếp tục chứng kiến nhiều dự án đầu tư chung và hợp tác sản xuất được triển khai.

Về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Nga, Phó Giáo sư Koldunova cho rằng nông nghiệp và nông nghiệp công nghiệp là những lĩnh vực mà hai bên đều quan tâm. Các sản phẩm của Việt Nam đang dần thay thế khoảng trống do các công ty phương Tây rút khỏi thị trường Nga. Bên cạnh đó, năng lượng tiếp tục là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước.

Bà Koldunova cũng nhấn mạnh rằng tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của Việt Nam sau đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhu cầu lớn về năng lượng. Các công ty Nga theo truyền thống đầu tư vào khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam, nhưng cũng đang quan tâm đến các hình thức hợp tác mới, hợp tác sản xuất và có thể chuyển một số quy trình sản xuất sang Việt Nam, tương tự các công ty Mỹ và Trung Quốc.

Bà đề xuất Việt Nam lưu ý đến các lĩnh vực mà các công ty phương Tây để lại trên thị trường Nga, đặc biệt là trong ngành kinh tế sáng tạo, công nghiệp nhẹ, công nghiệp thời trang vốn là những ngành rất phát triển tại Việt Nam.

Liên quan đến chương trình nghị sự chuyến thăm của Thủ tướng Mishustin tới Việt Nam, bà Koldunova cho rằng cần đánh giá dựa trên kết quả của chuyến thăm, khi đã có những thỏa thuận cụ thể. Bà bày tỏ tin tưởng rằng quyết định của Quốc hội Việt Nam mới đây tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận phản ánh cam kết của cả Việt Nam và Nga trong việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon và hướng tới nền kinh tế xanh.

Theo bà, mặc dù dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã bị tạm dừng 10 năm trước, Việt Nam và Nga vẫn duy trì hợp tác thông qua việc thành lập trung tâm khoa học sử dụng công nghệ hạt nhân. Điều này tạo nền tảng để dự án được tái khởi động khi có quyết định chính thức.

Phó Giáo sư Koldunova mong muốn rằng Việt Nam và Nga sẽ xây dựng một siêu dự án chung, không chỉ giúp thúc đẩy hợp tác song phương trong những năm hoặc những thập niên tới, mà còn góp phần củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Tâm Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/chuyen-tham-cua-thu-tuong-nga-nham-thuc-day-hieu-qua-hop-tac-kinh-te-voi-viet-nam-20250113072420506.htm
Zalo