Giải pháp đảm bảo 'An toàn thông tin trong kỷ nguyên số'?

Ngày 27/11, tại TP HCM, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm 'An toàn thông tin trong kỷ nguyên số' nhằm ghi nhận thực trạng an toàn thông tin trong nền kinh tế số và những giải pháp nhằm bảo vệ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia vào nền tảng này.

Tham dự buổi tọa đàm có các diễn giả, khách mời, chuyên gia uy tín trong ngành như Thượng tá Lê Minh Hải - Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP HCM; GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh – ĐH Kinh tế TP HCM; TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng - Trưởng Bộ môn Luật Hình sự - Trường ĐH Luật TP HCM… cùng lãnh đạo Sở ban ngành, doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí.

 Thượng tá Lê Minh Hải - Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP HCM đã cho biết tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại TP HCM.

Thượng tá Lê Minh Hải - Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP HCM đã cho biết tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại TP HCM.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Hà Ánh Bình cho biết, kỷ nguyên số đã và đang tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ trong đời sống xã hội, kinh tế và văn hóa của Việt Nam cũng như toàn cầu. Đặc biệt, nền kinh tế số đang được kỳ vọng là động lực tăng trưởng cốt lõi, giúp Việt Nam đẩy mạnh hội nhập và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là những thách thức không nhỏ, trong đó có vấn đề an toàn thông tin – yếu tố then chốt trong sự bền vững của chuyển đổi số.

Những sự cố an ninh mạng, từ các cuộc tấn công có tổ chức đến những lỗ hổng trong việc quản lý thông tin, đang đặt ra nguy cơ nghiêm trọng không chỉ đối với doanh nghiệp hay cá nhân, mà còn với các cơ quan nhà nước, thậm chí là an ninh quốc gia. Chính vì vậy, việc xây dựng những giải pháp hiệu quả để bảo vệ thông tin và dữ liệu không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là trách nhiệm chung của cả xã hội.

Tại tọa đàm, Thượng tá Lê Minh Hải - Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP HCM (Phòng ANM) đã đưa ra những con số thực tế đáng “giật mình” về tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại TP HCM trong thời gian qua.

Theo Thượng tá Hải, sự bùng nổ công nghệ thông tin và hoạt động trên môi trường mạng gắn liền với đời sống xã hội, sinh hoạt hàng ngày của người dân, bên cạnh những thông tin tích cực, phục vụ các hoạt động kinh doanh sản xuất thì song song đó là tình trạng tội phạm phát triển mạnh, các loại tội phạm truyền thống có xu hướng chuyển dịch lên không gian mạng, sử dụng công nghệ cao, nhất là lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong năm 2023, Phòng ANM đã phối hợp với phòng nghiệp vụ Công an các quận huyện, TP Thủ Đức, ghi nhận 1488 vụ việc, 174 đối tượng và đã tiến hành khởi tố 363 vụ với 51 bị can có liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với 1438 vụ và đã bắt giữ 26 đối tượng, khởi tố 356 vụ việc, xử lý 20 đối tượng. Tội phạm tổ chức đánh bạc và tham gia đánh bạc trực tuyến là 27 vụ, 59 đối tượng, đã khởi tố 3 vụ và xử lý 19 bị can. Hoạt động lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi tội phạm khác như mại dâm, mua bán vũ khí, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân... có 24 vụ, 89 đối tượng, xử lý 17 vụ và khởi tố 4 vụ. Trong đó, ghi nhận 48 đối tượng là người nước ngoài liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng địa bàn Việt Nam ẩn nấp. Cơ quan Công an đã phối hợp với các đơn vị liên quan để trục xuất các đối tượng.

 GS.TS.Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh – UEH đã đưa ra một số giải pháp về “An toàn thông tin trong kỷ nguyên số”.

GS.TS.Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh – UEH đã đưa ra một số giải pháp về “An toàn thông tin trong kỷ nguyên số”.

Về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng công nghệ cao để tấn công, chiếm đoạt, uy hiếp, đe dọa nạn nhân thông qua môi trường mạng mà chủ yếu là liên quan đến các loại tội phạm xâm hại, lừa đảo, tống tiền, làm nhục và các hành vi khác có tính chất xâm hại tình dục và các loại tội phạm khác có liên quan trên không gian mạng. Đối với loại tội phạm xâm hại tài sản, các đối tượng chủ yếu đe dọa nạn nhân thông qua hình thức mạo danh lực lượng thực thi pháp luật. Tội phạm trên mạng còn sử dụng các hoạt động thao túng tâm lý làm nạn nhân lo sợ, sập bẫy lừa đảo. Ngoài ra Phòng ANM cũng đã phát hiện các hành vi đe dọa, tống tiền bằng các thủ đoạn khủng bố tinh thần, cắt ghép hình ảnh nhạy cảm...

Các đối tượng thường lợi dụng sự phát triển của các loại hình dịch vụ do các công ty cung ứng xuyên biên giới vào Việt Nam như các mạng xã hội, dịch vụ lưu trữ, ngoài ra một số loại hình dịch vụ khác như dịch vụ viễn thông, ngân hàng, dịch vụ trung gian thanh toán cũng bị lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Tại buổi tọa đàm, GS.TS.Võ Xuân Vinh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh – UEH nhấn mạnh, trong tương lai, an ninh mạng toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với các thách thức ngày càng lớn, đặc biệt khi công nghệ 5G và IoT được triển khai rộng rãi, mở ra các lỗ hổng bảo mật mới. Để đối phó, các quốc gia cần tăng cường đầu tư vào công nghệ bảo mật tiên tiến, nâng cao nhận thức cộng đồng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm xây dựng một không gian mạng an toàn và bền vững.

GS.TS. Võ Xuân Vinh đưa ra một số giải pháp: Đầu tư vào hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin. Xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý và lưu trữ dữ liệu. Cấu hình an toàn cho thiết bị và phần mềm. Quản lý tài khoản và quyền truy cập. Quản lý lỗ hổng bảo mật. Giám sát và bảo vệ an ninh mạng…

 Toàn cảnh buổi tọa đàm “An toàn thông tin trong kỷ nguyên số”.

Toàn cảnh buổi tọa đàm “An toàn thông tin trong kỷ nguyên số”.

Đặc biệt lưu ý cần nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng an ninh mạng. Đào tạo nâng cao nhận thức an ninh mạng là hoạt động bắt buộc để xây dựng văn hóa bảo mật trong tổ chức. Các chương trình đào tạo cần được thiết kế phù hợp với vai trò của từng cá nhân, bao gồm cả việc nhận diện các nguy cơ như lừa đảo, tấn công phi kỹ thuật, và cách ứng phó. Ngoài ra, lực lượng chuyên biệt bảo vệ an ninh mạng cần được thành lập và huấn luyện với các kỹ năng chuyên sâu nhằm sẵn sàng ứng phó với các sự cố nghiêm trọng.

Trong khi đó, ThS.Nguyễn Tấn Hoàng Hải, Giảng viên, Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP HCM), ông Trần Bảo Khanh, Học viên, Học viên Tư pháp cùng đề xuất giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn thông tin người tiêu dùng trong giao dịch điện tử. Theo hai tác giả, để đối mặt hiệu quả với các hành vi sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trong các GDĐT, việc tăng mức chế tài hành chính là cần thiết để tăng cường sức ngăn chặn và đặt ra một mức độ trách nhiệm lớn hơn cho những hành vi này.

Do đó, cần thiết lập các quy định mới với mức phạt tài chính đáng kể và mang tính nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân. Mức phạt cần phản ánh nghiêm trọng của việc xâm phạm quyền riêng tư và có thể tạo động lực lớn để ngăn chặn các hành vi nêu trên. Chẳng hạn, Luật Bảo vệ Dữ liệu Châu Âu, mức xử phạt tiền tối đa đối với trường hợp vi phạm lớn về dữ liệu cá nhân là 4% tổng doanh thu năm hoặc 20 triệu Euro.

Buổi tọa đàm đã ghi nhận những chia sẻ tâm huyết của các diễn giả, những ý kiến đóng góp thẳng thắn từ các chuyên gia, đại biểu và sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của quý vị là minh chứng cho tầm quan trọng của vấn đề an toàn thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. từ đó các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã có thêm nhiều góc nhìn mới, những bài học kinh nghiệm và giải pháp hữu ích để đối mặt và vượt qua các thách thức về an ninh mạng, từ đó góp phần xây dựng nền kinh tế số an toàn và bền vững./.

Đại Lánh

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/giai-phap-dam-bao-an-toan-thong-tin-trong-ky-nguyen-so-168821.html
Zalo