Đẩy mạnh chuyển đổi phương thức xử lý rác thải

Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường. Song, trước thực trạng tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, bài toán đặt ra là phải chuyển đổi phương thức, mô hình xử lý rác thải để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, mà vẫn bảo vệ được môi trường.

Biến rác thải thành tài nguyên mới

Kinh tế tuần hoàn hoạt động theo một vòng tròn, chất thải của hoạt động này là nguyên liệu của hoạt động mới, tạo ra một vòng lặp lại mang tính khép kín. Nhờ đó, các giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế ở mức độ lâu nhất, nhằm tối thiểu việc sử dụng tài nguyên là nguyên liệu đầu vào và lượng phế thải, mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải cũng giảm đi đáng kể. Do đó, phát triển kinh tế tuần hoàn là sáng kiến nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng quốc tế, được xem là một trong các phương thức giúp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; là con đường tiến tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

 Ảnh minh họa. Nguồn:ITN

Ảnh minh họa. Nguồn:ITN

Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, hiện nay công tác bảo vệ môi trường ngày càng được coi trọng. Thông qua việc quản lý, giảm thiểu chất thải, xử lý nguồn chất thải rắn sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống tại các đô thị, các điểm dân cư ở nông thôn. Nhưng mặt khác, công tác bảo vệ môi trường phải gắn với việc tiết kiệm nguồn tài nguyên, đồng thời bảo đảm hệ sinh thái tự nhiên và sinh thái đô thị. Kinh tế toàn hoàn là xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển hiện nay, đi đầu là các nước châu Âu.

Cùng với xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam đang nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển.

Kinh tế tuần hoàn khuyến khích việc tái chế và tái sử dụng rác thải để biến chúng thành nguồn tài nguyên mới. Xử lý rác thải hiệu quả cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030, nâng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.

“Những năm vừa qua, Việt Nam đã có định hướng rõ ràng, cụ thể, Bộ Chính trị đã có những nghị quyết về Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển bền vững, Chính phủ cập nhật thường xuyên về tăng trưởng xanh, giảm phát thải. Đặc biệt, Việt Nam đã cam kết với công đồng quốc tế về giảm phát thải và tăng trưởng xanh. Chúng tôi cho rằng, việc bảo vệ môi trường gắn với kinh tế tuần hoàn là định hướng đúng đắn mà Việt Nam đang đi. Để làm được điều đó, chúng ta phải có nhận thức đúng đắn, thay đổi tư duy, không để nó chỉ là khẩu hiệu mà phải đi từng doanh nghiệp, từng cộng đồng, từng người dân, đặc biệt là chính quyền đô thị phải nhận thức được vấn đề này”, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Giảm tỷ lệ chôn lấp

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay mỗi ngày các đô thị thải ra khoảng 38.000 tấn rác sinh hoạt, khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn. Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị tăng trung bình 10% - 16% mỗi năm. Ngành công nghiệp mỗi năm thải ra khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn, trong đó khoảng 8,1 triệu tấn từ các khu công nghiệp. Theo Bộ Công Thương, dự kiến đến năm 2025 sẽ có 248 triệu tấn tro, xỉ tích lũy của 29 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn, đòi hỏi một quỹ đất rất lớn làm bãi chứa, cùng với lượng rất lớn chất thải từ chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm; sau thu hoạch từ sản xuất nông nghiệp; chất thải bệnh viện… Mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, đứng thứ 4 trong Top 20 nước hàng đầu thế giới về rác thải nhựa. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới WorldBank, dự báo đến năm 2030, sau chưa đầy 15 năm, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 27 triệu lên 54 triệu tấn.

Trước thực trạng tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, bài toán đặt ra là phải chuyển đổi phương thức, mô hình theo hướng bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, mà vẫn bảo vệ được môi trường. Với mô hình kinh tế truyền thống hiện nay, nguyên liệu được khai thác, sản xuất, sử dụng và thải bỏ. Các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam hiện đang áp dụng các công nghệ chôn lấp, công nghệ đốt rác không thu hồi nhiệt, công nghệ phân loại và ủ phân compost, công nghệ chuyển đổi rác thành năng lượng (bao gồm quá trình đốt rác hoặc sinh khối, để tạo ra điện, nhiên liệu sinh học hoặc nhiệt cho các mục đích sử dụng khác) và một số công nghệ khác như tạo viên nén năng lượng RDF, khí hóa, nhiệt hóa khác.

 Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng

Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng

Trong khi đó, phương pháp xử lý rác thải chính hiện nay của nước ta là chôn lấp, với kỹ thuật đơn giản. Thực tế cho thấy, các phương pháp xử lý rác thải tại nước ngoài áp dụng cho nước ta đều không hiệu quả do đặc thù rác thải chưa được phân loại tại nguồn. Hiện nay, lượng rác ở đô thị được đưa đến bãi chôn lấp tập trung chỉ chiếm 60% - 65%, lượng rác còn lại được vứt ở ao hồ, kênh rạch, ven đường.

Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, công nghệ xử lý chất thải rắn bằng hình thức chôn lấp vẫn được sử dụng phổ biến ở nước ta. Bởi lẽ, thực tế công nghệ chôn lấp ít vốn đầu tư, dễ thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy công nghệ chôn lấp đang có vấn đề. Hiện nay, các bãi chôn lấp trên 1.000ha có hơn 1.000 bãi, trong đó bãi chôn lấp hợp vệ sinh, đúng công nghệ chiếm khoảng 30% còn lại chủ yếu là bãi chôn lấp tự nhiên đang gây ra ô nhiễm môi trường đặc biệt là nguồn nước ngầm.

“Đáng nói hơn, các đô thi hiện nay không có quỹ đất để chôn lấp, Hà Nội mỗi ngày phát sinh 7.300 tấn rác thải và các bãi gần như đã đầy, ở TP. Hồ Chí Minh cũng như vậy, mỗi ngày 10.000 tấn rác và các bãi chôn lấp cũng đã gần như hết. Trong khi đó, để quy hoặch đô thị thì cần phải tìm được bãi chôn lấp đây là một vấn đề khó. Do đó, về công nghệ chôn lấp phải sớm theo hướng chiến lược quản lý chất thải rắn giảm tỷ lệ chôn lấp xuống 25% thậm chí là 15%”, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.

Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/day-manh-chuyen-doi-phuong-thuc-xu-ly-rac-thai-post397631.html
Zalo