Giải pháp cho thoát nước

Thoát nước và xử lý nước thải đang là vấn đề bức bách, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống và phát triển bền vững của đô thị. Thành phố Huế đã có những đầu tư cho lĩnh vực này, song tỷ lệ thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt ở khu vực đô thị mới đạt khoảng 65%.

Nhiều khu dân cư ở đô thị vẫn chưa có hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường

Nhiều khu dân cư ở đô thị vẫn chưa có hệ thống thoát nước đảm bảo vệ sinh môi trường

Chưa bao phủ

Theo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, thoát nước thải đô thị trên địa bàn thành phố Huế đang đối mặt với nhiều thách thức. Hệ thống thoát nước chung mới đạt 60 - 70% công suất. Hệ thống xử lý nước thải tập trung hiện chỉ mới được đầu tư ở một số phường thuộc quận Thuận Hóa, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) và nhà máy xử lý nước thải ở một số khu công nghiệp, như Chân Mây, Phú Bài, Phong Điền. Còn tại các cơ sở công nghiệp nhỏ, làng nghề, hệ thống xử lý nước thải chỉ được đầu tư nội bộ. Theo thống kê, tỷ lệ nước thải được xử lý tại 2 quận Thuận Hóa và Phú Xuân mới đạt hơn 35%. Tại TX. Hương Trà, hệ thống thoát nước mới được đầu tư bước đầu, kết hợp thoát nước tự nhiên, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt 64%. Còn tại các khu vực khác, như Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang... nước thải chủ yếu tự chảy vào ao, hồ, sông, đầm.

Việc xử lý nước thải tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố thiếu sự đầu đồng bộ. Hiện, có đến 82,6% số chợ trên địa bàn không có hệ thống thu gom hoặc xử lý nước thải và 17,4% chợ chỉ có hệ thống thu gom và thoát nước, chưa có hệ thống xử lý nước thải. Về nước thải y tế, các bệnh viện và cơ sở y tế đều đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải riêng cho từng khu vực và hầu hết các thông số trong nước thải đầu ra của hệ thống xử lý đều đạt quy chuẩn cho phép.

Cũng theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, trên địa bàn có 8 khu công nghiệp với công suất xử lý nước thải theo quy hoạch là 78.000m3/ngày. Hiện mới xây dựng được 14,5% công suất quy hoạch. Trong đó, Khu phi thuế quan Chân Mây đã được đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 4.900m3/ngày, Khu công nghiệp Phú Bài có công suất xử lý 6.500m3/ngày và Khu công nghiệp Phong Điền đang triển khai xây dựng giai đoạn 1 với công suất 2.000m3/ngày trong tổng hệ thống xử lý 8.500m3/ngày.

Ngoài tập trung cho các khu đô thị, khu công nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy nhanh việc đầu tư xử lý nước thải quy mô nhỏ tại khu vực nông thôn theo lộ trình cụ thể và áp dụng công nghệ phù hợp. Trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp, nguồn xã hội hóa không nhiều, nên giải pháp công nghệ mà cụ thể là lắp đặt hố ga thoát nước hợp lý, hiệu quả được xem là tối ưu nhất.

Đồng bộ công nghệ và hạ tầng

Thành phố Huế đã và đang triển khai nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật nhằm cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế với sự hỗ trợ từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) có tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ yên (tương đương hơn 5.100 tỷ đồng). Giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trên địa bàn 11 phường ở khu vực phía Nam sông Hương thuộc quận Thuận Hóa, thành phố Huế. Các hạng mục quan trọng, như cải tạo hệ thống sông, kênh, cống bao thu gom nước thải, trạm bơm và nhà máy xử lý nước thải đã được hoàn thành và vận hành hiệu quả.

Hệ thống thoát nước sinh hoạt, nước mưa tại khu vực Nam sông Hương, quận Thuận Hóa cơ bản hoàn thành với 410km cống chung, 32,5km cống bao, nhà máy xử lý nước thải có công suất 30.000m3/ngày. Đến nay, tỷ lệ hộ dân đấu nối vào hệ thống đạt 75%, chủ yếu nước thải xám. Dự án đưa vào hoạt động đã góp phần nâng cấp hệ thống thoát nước khu vực đô thị, giảm tình trạng ngập úng cục bộ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện đời sống của hàng chục ngàn hộ dân.

Biến đổi khí hậu, mưa lũ cực đoan, nước biển dâng và sự gia tăng dân số... đang là thách thức lớn trong việc thoát nước của thành phố, nhất là khi hệ thống thoát, xử lý chưa bao phủ đồng bộ. Vừa qua, dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế - giai đoạn 2 được đề xuất tiếp tục nâng cấp, mở rộng. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của dự án sẽ được triển khai ở khu vực các phường nội thành thuộc quận Phú Xuân, thành phố Huế. Dự án này hoàn thành sẽ góp phần tăng cường năng lực thoát nước, giảm nhẹ thiên tai, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải không được kiểm soát và không được xử lý.

Cùng với giải pháp công trình, nhất là trong khi chờ đầu tư hoàn thiện hạ tầng xử lý nước thải tập trung tại các đô thị trung tâm thành phố, việc đầu tư các hợp phần như hố ga, họng thu nước... công nghệ mới, phù hợp với các yếu tố như mức độ ô nhiễm, điều kiện môi trường, chi phí đầu tư, khả năng bảo trì... cũng cần được tính đến. Đơn cử thời gian qua, để đảm bảo thoát nước cho khu vực phía Bắc và Nam sông Hương, ngoài hệ thống mương đất, mương xây, hai khu vực này được lắp đặt 12.793 hố ga các loại, 7.558 họng thu nước đan gang và 2.502 họng thu nước đan bê tông trên nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố.

Hiện, trên thị trường có nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ mới được sáng chế với nhiều tính năng ưu việt, giúp thoát nước, xử lý nước thải hiệu quả, ngăn mùi hôi, chống ruồi muỗi... góp phần phục vụ cho công tác quản lý đô thị và một số ngành như y tế, xây dựng... Tùy khu vực, vị trí như ở khu dân cư, chợ, bệnh viện, nhà hàng, khu đô thị lớn hay vùng ven đô... để lựa chọn sử dụng từng loại hố ga, như: bẫy nước, van cơ học, than hoạt tính, đậy kín hay hố ga kết hợp nhiều công nghệ... phù hợp và hiệu quả.

Bài, ảnh: Hoài Thương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/giai-phap-cho-thoat-nuoc-152309.html
Zalo