Giải ngân vốn đầu tư công không thể chậm hơn nữa

Thời gian còn lại để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công là 1 tháng thực hiện, 1 tháng giải ngân. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án đầu tư công vẫn gặp nhiều khó khăn.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Ảnh minh họa: Mạnh Khánh-TTXVN

Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Ảnh minh họa: Mạnh Khánh-TTXVN

Chỉ còn gần 2 tháng để tập trung giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, trong khi nguồn lực cần phải giải ngân là rất lớn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Thời gian còn lại để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công là 1 tháng thực hiện, 1 tháng giải ngân. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án đầu tư công vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông do liên quan đến nhiều quy định pháp lý như: Luật Khoáng sản, việc cấp phép khai thác mỏ vật liệu, việc bán vật liệu cho xây dựng công trình; giải phóng mặt bằng, bồi thường, xác định giá đất, chính sách tái định cư, tình trạng né tránh đùn đẩy…

“Chính phủ đã nhận diện và đang tăng cường thành lập các đoàn công tác để đôn đốc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 10 tháng năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn khoảng 4 điểm phần trăm so với tỷ lệ giải ngân của cùng kỳ năm ngoái (56,7%). Như vậy, khi con số giải ngân còn quá thấp so với mục tiêu đề ra, không chỉ các bộ, ngành, địa phương, mà ngay cả các thành viên Chính phủ cũng rốt ráo đẩy nhanh tiến độ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác số 4 và Tổ công tác số 7 của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Đại diện của 26 bộ, ngành, địa phương có liên quan đã tham dự cuộc họp này.

Trong các bộ, ngành, địa phương thuộc 2 tổ công tác này, không ít đơn vị có mức giải ngân dưới mức bình quân chung của cả nước. Cụ thể, ở Tổ công tác số 4, có 5 bộ và 3 địa phương; còn ở Tổ công tác số 7, có hai tỉnh Kon Tum và Lâm Đồng có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân cả nước.

Việc giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn. Ảnh minh họa: TTXVN

Việc giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong khi đó, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hưng Yên… đều đang rốt ráo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong chặng đua nước rút. Tp. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đáng lo nhất khi vào thời điểm cuối tháng 10/2024, tỷ lệ giải ngân mới đạt khoảng 22% vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.

Với tổng nguồn lực hơn 79.263 tỷ đồng được phân giao trong năm 2024, Tp. Hồ Chí Minh vẫn còn tới hơn 62.000 tỷ đồng cần được đưa vào giải ngân trong hơn 2 tháng tới. Đây là một con số rất lớn, khiến mục tiêu giải ngân 95% trong năm nay của thành phố trở thành một thách thức lớn.

Tại Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, 10 tháng năm 2024, tỷ lệ giải ngân tại Quảng Ninh chưa đạt kỳ vọng với tỷ lệ chỉ đạt 35% kế hoạch vốn HĐND giao đầu năm, thấp hơn 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, vẫn còn tới 33 bộ, ngành và 22 địa phương có tỷ lệ giải ngân 10 tháng dưới mức trung bình của cả nước. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công là một trong những động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế quý cuối năm có thể đạt từ 7,4-7,6%, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt 7% như mục tiêu của Chính phủ.

Để đạt mục tiêu 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu nhiều giải pháp cho Thủ tướng Chính phủ để ban hành các quyết định, nghị quyết để chỉ đạo, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-khong-the-cham-hon-nua/355475.html
Zalo