Giải ngân vốn đầu tư công: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

'Có tiền mà không tiêu được' là nghịch lý trong giải ngân vốn đầu tư công tồn tại suốt bao năm qua. Bài toán hóc búa này mới nhận được mệnh lệnh từ Thủ tướng Chính phủ, đó là giải ngân 100% trong năm nay.

Quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm cho người dân. Ảnh: Internet

Quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm cho người dân. Ảnh: Internet

Mệnh lệnh từ người đứng đầu Chính phủ

Có thể nói chậm giải ngân đầu tư công là "căn bệnh nghịch lý nhưng kinh niên" của nền kinh tế Việt Nam. Nghịch lý bởi một mặt ngân sách không đủ vốn để thực hiện nhiều dự án trọng điểm, một mặt vốn được bố trí sẵn, dự án đã duyệt nhưng tiến độ vẫn dậm chân tại chỗ và dẫn đến hệ quả là không giải ngân được. Càng nghịch lý hơn khi đầu tư công đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cũng như là “vốn mồi” để kích hoạt, huy động và dẫn dắt các nguồn lực đầu tư trong toàn xã hội. Đây là một trong những “đầu kéo” chính giúp tăng trưởng GDP, kích hoạt đầu tư tư nhân, tạo việc làm, cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thế nhưng, 4 tháng đầu năm 2025 - năm bản lề để kinh tế Việt Nam chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, cũng không ngoại lệ khi giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng giao.

Theo báo cáo tại Hội nghị Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025, hết tháng 4/2025, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 15,56% kế hoạch năm, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Hiện còn 17 bộ, cơ quan Trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 8.000 tỷ đồng, phải phân bổ hết trong tháng Năm. Có 37/47 bộ, cơ quan và 27/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước, trong đó một số đơn vị được giao số vốn lớn nhưng tỉ lệ giải ngân thấp.

Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thực hiện được nhiệm vụ này không? Câu trả lời là có, hoàn toàn có thể. Bởi song song với yêu cầu giải ngân 100% vốn công, Thủ tướng cũng đặt ra nhiều giải pháp cụ thể đến từng dự án chậm, từng địa phương chậm, phân tích mổ xẻ từng nguyên nhân dẫn đến chậm trễ để tháo gỡ. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Không chỉ các bộ, ngành Trung ương mà cả bí thư cấp ủy địa phương cũng phải trực tiếp chỉ đạo các dự án phức tạp, linh hoạt sáng tạo trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân. Đồng thời, yêu cầu các bộ chuyên ngành như Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng... nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn, sửa đổi quy định, tháo gỡ những nút thắt thể chế đang cản trở quá trình giải ngân. Chính phủ cũng yêu cầu mạnh mẽ việc phân cấp, phân quyền cho địa phương triển khai dự án hạ tầng; lựa chọn nhà thầu có năng lực thực sự, tránh tình trạng “rút ruột công trình”, thi công kéo dài.

Thời gian qua, đích thân người đứng đầu Chính phủ liên tục thị sát, động viên cán bộ, công nhân viên ở nhiều dự án trọng điểm. Thậm chí có dự án Thủ tướng thăm tới 5 - 7 lần. Đơn cử, dự án đường dây 500 kV mạch 3 vốn đầu tư gần 1 tỉ USD, kéo điện ra miền Bắc, khánh thành nửa cuối năm 2024. Dự án từng được xem là bất khả thi hoàn thành trong vòng 6 tháng. Nhưng với chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, cùng tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”..., dự án đã về đích đúng tiến độ với rất nhiều kỷ lục và quan trọng hơn, dự án đã góp phần tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với các cam kết của Chính phủ.

Tăng phân cấp, phân quyền

Mặc dù tỉ lệ giải ngân đang có sự tăng tốc nhưng theo báo cáo từ Bộ Tài chính vẫn còn nhiều khó khăn “cản bước” khiến cho tỷ lệ giải ngân chưa có sự bứt phá mạnh mẽ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng là do khâu tổ chức thực hiện. Cùng mặt bằng pháp lý có bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, nhưng vẫn có những bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt. Hơn nữa, trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.

Thành phố Huế là một trong những địa phương đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công.

Chúng ta không thiếu kinh phí, không thiếu dự án, càng không thiếu nhân lực. Cái thiếu là sự thống nhất trong hành động, là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cái cần là quyết liệt trong tổ chức thực hiện, là tinh thần “nói ít làm nhiều”. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, mỗi đồng vốn đầu tư công được giải ngân kịp thời không chỉ góp phần vào tăng trưởng trước mắt mà còn là sự đầu tư cho tương lai với việc nâng cấp hạ tầng, mở rộng không gian phát triển vùng, kết nối logistics và khơi thông chuỗi cung ứng. Đây là “vốn mồi” quan trọng để khuyến khích đầu tư tư nhân, cả trong và ngoài nước.

Cũng tại Hội nghị Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh lại quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch giao để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, nhất là tại những vùng khó khăn. Đồng thời, tạo không gian phát triển, động lực phát triển mới; giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; góp phần khơi thông các nguồn lực, lấy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong phát triển.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải phóng mặt bằng; bí thư, cấp ủy các cấp phải trực tiếp chỉ đạo những dự án khó, phức tạp; vận dụng sáng tạo các quy định, trong đó lưu ý quan tâm những người dân khó khăn về chỗ ở, đất ở… “Không có lý do gì không giải ngân 100% vốn đầu tư công. Lý do khách quan, chủ quan, vướng mắc pháp lý hay thiếu nhân lực chỉ còn là biện minh nếu chúng ta không hành động quyết liệt ngay từ bây giờ”, Thủ tướng nói.

Nguyệt Hà

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-huy-dong-ca-he-thong-chinh-tri-vao-cuoc.html
Zalo