Giải ngân đầu tư công năm 2024: Ngoạn mục và 17 ngày còn lại
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu, tập trung tối đa nhân lực, vật lực, thi công '3 ca, 4 kíp', làm việc xuyên suốt ngày đêm, cả ngày nghỉ, ngày lễ... để triển khai thi công liên tục.
Nước rút
Có một điểm tương đồng trong thu ngân sách và giải ngân đầu tư công trong năm 2024, đó là có những thời điểm tưởng chừng không đạt dự toán, tưởng chừng khó thoát nhóm 21 tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp nhất toàn quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, với thu ngân sách, có 10/10 huyện, thị, thành phố đã thu đạt và vượt xa dự toán, thu ngân sách tỉnh vượt 9% dự toán. Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công đang còn tiếp tục đến cuối năm tài chính, tức cuối tháng 1/2025 và cũng đã tạo ra bước đột phá mang tính ngoạn mục. Đó là thoát khỏi nhóm 21 tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp toàn quốc và vượt qua tỷ lệ mức giải ngân trung bình toàn quốc trong khoảng thời gian rất ngắn, từ mốc cuối tháng 10 sang tháng 12. Chỉ trong 1 tháng, đã có thêm 975.340 triệu đồng được giải ngân, nâng tổng vốn đã giải ngân đến ngày 31/12/2025 là 3.860.099 triệu đồng, đạt 81,4% tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Bình Thuận được Thủ tướng Chính phủ giao.
Điều đáng ghi nhận, tại cuộc họp ngày 3/1/2025, do Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì nghe báo cáo và cho ý kiến về tình hình thu chi ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, xuất hiện nhiều chủ đầu tư đã giải ngân đạt tỷ lệ cao, dù trước đó không ít đơn vị từng ở tỷ lệ thấp đến đáng lo. Với các chủ đầu tư là UBND các huyện, thị xã, thành phố thì đã có 4 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 90% kế hoạch vốn trở lên gồm UBND thị xã La Gi, UBND huyện Phú Quý, UBND huyện Đức Linh và UBND huyện Hàm Thuận Nam; 3 chủ đầu tư giải ngân đạt trên 80% kế hoạch vốn gồm UBND huyện Hàm Thuận Bắc; UBND huyện Tánh Linh; UBND huyện Hàm Tân. Với các chủ đầu tư là 3 Ban QLDA đầu tư xây dựng cấp tỉnh thì 2 ban bên Dân dụng và công nghiệp, Nông nghiệp đã lần lượt đã giải ngân đạt tỷ lệ 98%, 92% so kế hoạch. Trong khi đó, chủ đầu tư là các sở, ngành, đơn vị thì đã có 7 đơn vị giải ngân đạt từ 95% kế hoạch vốn trở lên…
Đồng thời đó, cũng cho thấy các chủ đầu tư đang ở tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu phải nỗ lực trong mức có thể để góp phần đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt yêu cầu từ 95% trở lên.
Thông tin từ lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, để đạt tỷ lệ 95% thì những ngày tới phải giải ngân 700 tỷ đồng nữa và trong 700 tỷ đồng này thì có gần 300 tỷ đồng từ các dự án giao thông thuộc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, do vướng đền bù… Và để đạt 100% thì cần giải ngân thêm 200 tỷ đồng nữa nên các chủ đầu tư phải dốc sức theo hướng như nước rút.
Thi đua về đích
Cuối tháng 12/2024, ở một số huyện như Đức Linh, Hàm Thuận Bắc có khởi công các tuyến đường. Có nghĩa, trong thời điểm cuối này, có những công trình đủ điều kiện để triển khai thi công nên cũng góp phần tăng tỷ lệ giải ngân. Như tại huyện Hàm Thuận Bắc, tuyến đường nối từ trung tâm huyện với quốc lộ 1A góp thêm hơn 12.000 triệu đồng được giải ngân nữa vào tổng lũy kế giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của huyện lên 338.433 triệu đồng, đạt 94,81%, tính đến ngày 10/1/2025. Cũng hy vọng theo kiểu tranh thủ góp thêm giải ngân từ tiền đền bù và được ứng trước 30% từ tổng vốn công trình, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh có yêu cầu với 3 dự án hiện đang còn vướng mặt bằng do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư gồm cầu Văn Thánh, thành phố Phan Thiết, đường Hàm Kiệm đi Tiến Thành, trục ven biển ĐT.719B đoạn Hòn Lan - Tân Hải. Đó là chủ đầu tư và các địa phương có liên quan khẩn trương áp giá đền bù, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện giải ngân vốn thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công (trừ các trường hợp khách quan, bất khả kháng như vướng cơ chế chính sách, trình tự thủ tục của quy định pháp luật; phải thực hiện thủ tục cưỡng chế...) trước ngày 10/1/2025.
Ngoài ra, với những công trình có tỷ lệ giải ngân trên dưới 70%, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu, tập trung tối đa nhân lực, vật lực, thi công “3 ca, 4 kíp”, làm việc xuyên suốt ngày đêm, cả ngày nghỉ, ngày lễ... để triển khai thi công liên tục, kịp thời xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh, quyết tâm phải đạt hoặc vượt tỷ lệ giải ngân theo yêu cầu. Tinh thần là phải quyết liệt, quyết tâm hơn nữa, đẩy mạnh phong trào thi đua nước rút để tăng tốc, bứt phá trong thời gian còn lại, phấn đấu giải ngân đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, tại hệ thống Kho bạc Nhà nước Bình Thuận đã triển khai làm thứ 7, chủ nhật, bắt đầu từ ngày 28, 29/12/2024 và ngày 4, 5, 11, 12, 18, 19/1/2025 nhằm tăng năng suất làm việc để phục vụ cho các đơn vị sử dụng ngân sách, nhất là các đơn vị thanh quyết toán khối lượng công trình cuối năm tài chính. Điều đáng quan tâm, như thông tin của lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Bình Thuận, năm nay Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán rất gần nhau, thời gian chỉnh lý quyết toán phải chấm dứt vào ngày 24/1, có nghĩa nếu so với mọi năm mất 1 tuần làm việc.
Có nghĩa chỉ còn 17 ngày nữa, các chủ đầu tư, nhà thầu và Kho bạc phải dốc lực trong cuộc đua với khối lượng công việc cần đạt, với thời gian thanh quyết toán để bảo đảm đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.