Giải ngân đầu tư công: Miền Trung đang ở mức nào?

Trong khi Huế và Bình Định thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, Đà Nẵng cũng đang tăng tốc mạnh mẽ, thì Khánh Hòa lại đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB), khiến tỷ lệ giải ngân còn thấp.

Dự án Cầu qua biển Thuận An đang có tiến độ thi công và giải ngân tốt tại Huế. Ảnh: Minh Hạnh

Dự án Cầu qua biển Thuận An đang có tiến độ thi công và giải ngân tốt tại Huế. Ảnh: Minh Hạnh

Dự án Cầu qua biển Thuận An đang có tiến độ thi công và giải ngân tốt tại Huế. Ảnh: Minh Hạnh

Trong số các địa phương được bố trí vốn đầu tư công lớn tại miền Trung, TP. Huế nổi bật với tỷ lệ giải ngân ấn tượng. Năm 2025, TP. Huế được giao 4.521 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tính đến đầu tháng 5/2025, địa phương này giải ngân đạt hơn 1.451 tỷ đồng (tương đương 32,11%), nằm trong nhóm 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.

Nhiều dự án trọng điểm tại Huế ghi nhận tiến độ giải ngân tốt, như Dự án Quảng trường Văn hóa thể thao với tổng mức đầu tư 196 tỷ đồng đã giải ngân đạt 85%, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 30/6. Dự án Tuyến đường dọc sông Hương (phía Nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa với tổng kinh phí hơn 267 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2025. Đặc biệt, Dự án Cầu qua cửa biển Thuận An giai đoạn 1 là một trong những dự án có vốn đầu tư công lớn và khả năng hấp thụ vốn tốt nhất. Toàn Dự án đã giải ngân 1.800 tỷ đồng trên tổng số hơn 2.100 tỷ đồng vốn đầu tư.

Dù kết quả giải ngân khả quan, song để đạt mục tiêu giải ngân 100% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tài chính Huế đã kiến nghị một số giải pháp. Cụ thể, cần tập trung quan tâm hơn nữa vào tiến độ GPMB của một số dự án hạ tầng trọng điểm. Đồng thời, đẩy nhanh hoàn thành thủ tục nghiệm thu, bàn giao, quyết toán của các dự án đầu tư công do cấp huyện quản lý.

Bình Định cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2025, Bình Định được giao 9.477,5 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 5/2025, Tỉnh đã giải ngân 2.062 tỷ đồng, đạt 24,5% so với kế hoạch Chính phủ giao.

Trong số các dự án đang triển khai, Dự án Tuyến ĐT.638 (phía Tây) đến đường ven biển (ĐT.639) có tổng mức đầu tư 818 tỷ đồng đang hấp thụ vốn hiệu quả, với giá trị xây lắp đạt trên 81% và dự kiến hoàn thành vào ngày 30/6/2025. Ban Quản lý dự án công trình giao thông và dân dụng tỉnh Bình Định cho biết, đây là 1 trong 11 dự án giao thông trọng điểm có tiến độ giải ngân tốt nhất do Ban làm chủ đầu tư. Hiện tỷ lệ giải ngân tại các dự án đạt khoảng 30% so với vốn bố trí và khoảng 16% so với kế hoạch.

Bình Định đặt mục tiêu đến hết quý II/2025 giải ngân trên 40% kế hoạch vốn đã giao. Để đạt được mục tiêu này, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương tập trung GPMB, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các công trình trọng điểm chiếm lượng lớn vốn đầu tư công.

Là một trong những địa phương trọng điểm về vốn đầu tư công tại khu vực, Đà Nẵng được giao 8.720,6 tỷ đồng trong năm 2025. Đến đầu tháng 5/2025, Thành phố đã giải ngân hơn 2.100 tỷ đồng, đạt 24,4% kế hoạch giao (tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước).

Để hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn năm 2025, trong tháng 4/2025, nhiều dự án mới tại Đà Nẵng được khởi công. Trong đó, Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm cáp trên các tuyến đường Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu và Ông Ích Khiêm có tổng mức đầu tư gần 282 tỷ đồng; Dự án Nâng cấp, cải tạo Công viên 29 Tháng 3 với tổng kinh phí gần 673 tỷ đồng.

Bên cạnh khởi công các dự án mới, Đà Nẵng tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng, nguyên vật liệu để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm hiện hữu như Dự án Cảng Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung với tổng vốn 3.426 tỷ đồng (đã thực hiện đạt hơn 2.200 tỷ đồng); Dự án Đường nối cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư 1.203 tỷ đồng (đã thực hiện đạt hơn 530 tỷ đồng)...

Năm 2025, Khánh Hòa là một trong những địa phương dẫn đầu miền Trung về vốn đầu tư công được giao, với tổng số gần 10.096 tỷ đồng. Đến đầu tháng 5/2025, Tỉnh đã phân bổ gần 8.711 tỷ đồng, còn lại hơn 1.385 tỷ đồng chưa phân bổ. Trong số vốn đã phân bổ, Tỉnh mới giải ngân hơn 1.616 tỷ đồng, tương đương 16% kế hoạch Trung ương giao (cao hơn mức bình quân chung của cả nước 15,56%) và 18,6% kế hoạch vốn Tỉnh đã phân bổ.

Trong số những dự án có vốn đầu tư lớn nhưng chậm giải ngân tại Khánh Hòa, Dự án Tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh) đến thị xã Ninh Hòa có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Năm 2025, Dự án được bố trí 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương. Đến giữa tháng 5, Dự án mới giải ngân mới đạt gần 30 tỷ đồng (hơn 7,3%) do thiếu đất đắp, thiếu mặt bằng.

Trong khi đó, Dự án Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (đoạn qua Khánh Hòa) do tỉnh này làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 6/2023, có tổng vốn đầu tư 5.632 tỷ đồng. Năm 2025, Dự án được bố trí 1.375 tỷ đồng, nhưng do GPMB chậm nên đến nay mới giải ngân được 212 tỷ đồng, đạt 15,42%.

Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa, toàn Tỉnh hiện có 22 dự án gặp khó khăn về GPMB, với tổng vốn đầu tư hơn 2.236 tỷ đồng, chiếm 22% kế hoạch vốn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam cho biết, Tỉnh đã yêu cầu rà soát khả năng giải ngân của từng dự án. Dự án nào không có khả năng giải ngân hoặc chậm tiến độ sẽ bị điều chuyển vốn sang dự án có nhu cầu và tiến độ tốt hơn để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực. Trong thời gian tới, UBND Tỉnh sẽ làm việc trực tiếp với từng địa phương để thúc đẩy giải ngân theo kế hoạch.

baodauthau.vn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giai-ngan-dau-tu-cong-mien-trung-dang-o-muc-nao-post370162.html
Zalo