Giải ngân đầu tư công: Kỳ vọng cao, áp lực lớn
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Quyết liệt 'khơi thông' vốn đầu tư công
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (đầu tư công) thực hiện quý I/2025 ước đạt khoảng 116,8 nghìn tỷ đồng, bằng 13,5% kế hoạch năm và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2024, trong khi cùng kỳ quý I/2024 chỉ đạt 97,6 nghìn tỷ đồng, bằng 12,5% kế hoạch năm và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Tỷ lệ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện trong quý I/2025 được đánh giá đạt cao nhất từ năm 2022 trở lại đây. Ảnh minh họa
Tỷ lệ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện trong quý I/2025 được đánh giá đạt cao nhất từ năm 2022 trở lại đây. Cụ thể, năm 2022 đạt 12,9%; năm 2023 đạt 12,9%; năm 2024 đạt 12,5%; và năm 2025 đạt 13,5%.
Đánh giá về kết quả trên, bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng: Đây là kết quả rất tích cực, cho thấy với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tập trung triển khai thực hiện của các bộ, ngành và địa phương ngay từ những tháng đầu năm đã bước đầu phát huy hiệu quả, dòng vốn đầu tư công đã dần được khơi thông.
Cùng quan điểm trên, bà Phí Thị Hương Nga - Trưởng Ban Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Cục Thống kê) cho rằng, ngay từ đầu năm, đầu tư công đã được Chính phủ xác định là một trong các động lực quan trọng trong năm 2025 để thúc đẩy tổng cầu, là yếu tố dẫn dắt, lan tỏa, thu hút đầu tư của khu vực tư nhân, kích hoạt và huy động các nguồn lực xã hội hướng đến hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức.
Với tinh thần đó, ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm, nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành sớm nhằm mục tiêu đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn này, phấn đấu thực hiện trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 như: Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 18/2/2025 về đôn đốc các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh phân bổ và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2025; Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 6/3/2025 thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương...

Đầu tư công là động lực tăng trưởng năm 2025. Ảnh minh họa
Giải pháp đạt mục tiêu giải ngân 95%
Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công quý I/2025 được đánh giá tích cực hơn những năm trước, tuy nhiên tốc độ này vẫn được cho là chậm so với kỳ vọng, và nếu không có sự thúc đẩy trong thời gian tới thì mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công trong năm 2025 không hề dễ dàng.
Đánh giá về nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng, ông Lê Tiến Dũng - Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng: Có một số nhóm nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong đó có nguyên nhân do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các nghị định hướng dẫn.
Ngoài ra, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công còn thể hiện ở chỗ một số địa phương có nguồn thu ngân sách lớn nhưng chưa phân bổ được vốn đầu tư công.
Để tạo thuận lợi cho giải ngân đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 6/3/2025 thành lập 7 tổ công tác do 7 Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng. Các tổ công tác này cũng đã làm việc với các địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu thực hiện trên 95% kế hoạch vốn 2025, thậm chí phấn đấu 100% kế hoạch vốn theo Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 5/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc đẩy nhanh vốn đầu tư công năm 2025, theo bà Phí Thị Hương Nga, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào các giải pháp, bao gồm: Tập trung phân bổ xong kế hoạch vốn đầu tư công 2025 cho các dự án, công trình theo đúng quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.
Cùng với đó, chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện ngay các dự án đã được giao kế hoạch vốn, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, công trình chuyển tiếp.
Để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, bà Phí Thị Hương Nga cũng cho rằng, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án quan trọng, cấp thiết đang đầu tư dở dang; các dự án, công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2025. Quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện tốt ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo, có phương án bảo đảm vật liệu xây dựng (đất, đá, cát…) đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông quan trọng quốc gia, có tính liên vùng. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu chủ yếu phục vụ dự án đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Chủ đầu tư, nhà thầu cần kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc đối với những dự án thực hiện không đúng tiến độ, giải ngân chậm. Có phương án kịp thời điều chỉnh để chuyển vốn từ dự án chậm thực hiện sang những dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2025 nhưng chưa được bố trí đủ vốn, đảm bảo thực hiện và giải ngân tối đa, hiệu quả vốn ngân sách nhà nước năm 2025 được giao.
Bà Phí Thị Hương Nga - Trưởng Ban Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - Cục Thống kế: Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần lập kế hoạch thực hiện, giải ngân cho từng dự án, công trình, tập trung hoàn thiện ngay các thủ tục để giải ngân khi có khối lượng hoàn thành, không để dồn giải ngân đến cuối năm.
Nghiên cứu triển khai sử dụng công cụ số hóa, hệ thống dữ liệu theo thời gian thực, xây dựng công cụ giám sát thông minh để theo dõi, cảnh báo sớm các điểm nghẽn, khó khăn, báo cáo cấp có thẩm quyền tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời.