Giải mã ý định của Nga điều động trung đoàn S-500 thực chiến tại Crimea
Army Recognition đưa tin, Nga đang chuẩn bị triển khai trung đoàn phòng thủ tên lửa S-500 Prometheus đầu tiên tới bảo vệ cầu Crimea. Mỗi trung đoàn S-500 bao gồm 12 bệ phóng, có khả năng phát hiện và tấn công 10 tên lửa đạn đạo di chuyển với tốc độ lên tới 7 km mỗi giây.
Nga điều động trung đoàn S-500 canh gác cầu Crimea
S-500 Prometheus là một trong những vũ khí mới nhất của Nga, được Moscow đánh giá là thành tựu quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng nước này. Trước đó vào tháng 12/2024, Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga đã thông báo về việc thành lập trung đoàn S-500 đầu tiên, đánh dấu việc chính thức tích hợp hệ thống tiên tiến này vào mạng lưới phòng không đa tầng.
Một số nguồn tin cho biết, trung đoàn S-500 sẽ có nhiệm vụ bảo vệ cầu Crimea. Thông tin này không gây bất ngờ vì vài tháng trước, tình báo Ukraine cho biết Nga đang triển khai một số bộ phận của hệ thống S-500 Prometheus tại bán đảo Crimea.
Cầu Crimea (hay còn gọi là cầu Kerch) giúp nối liền lục địa Nga với bán đảo Crimea, là một trong những địa điểm được bảo vệ nghiêm ngặt nhất kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm 2022. Ukraine đã nhiều lần tấn công cây cầu này bằng các cuộc tập kích từ trên không, hoặc bằng phương tiện không người lái trên mặt nước phóng tại Biển Đen.
Cầu Crimea được bảo vệ bằng các hệ thống phòng không tốt nhất của Nga chẳng hạn như hệ thống Pantsir-S1 và S-400. Theo một số nhà quan sát, việc triển khai lực lượng tăng cường như trung đoàn S-500 Prometheus cho thấy mối lo ngại của Nga về nguy cơ Ukraine tiếp tục sử dụng tên lửa hành trình tầm xa của phương Tây tiến hành các cuộc tấn công cây cầu này trong thời gian tới.
S-500 Prometheus dự kiến sẽ đóng vai trò là thành phần trung tâm của mạng lưới phòng thủ của Nga, bổ sung cho các hệ thống phòng không S-400 và S-300 hiện có đồng thời mở rộng khả năng hoạt động để chống lại các mối đe dọa trong tương lai.
Hệ thống tên lửa phòng không S-500 Prometheus, do tập đoàn Almaz-Antey của Nga phát triển, được thiết kế để chống lại nhiều mối đe dọa trên không, trong đó có máy bay tàng hình, chẳng hạn như tiêm kích F-35, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa siêu thanh và vệ tinh quỹ đạo thấp.
Hệ thống này có hai cấu hình: một cấu hình để phòng không tầm xa và một cấu hình khác để phòng thủ tên lửa. S-500 Prometheus có tầm hoạt động tối đa là 600 km, độ cao 200 km, vượt trội hơn so với các hệ thống phòng không S-300 và S-400, vốn chỉ giới hạn ở phạm vi 400 km và độ cao thấp hơn. Cơ quan Tình báo Không gian Mỹ cho biết, trong quá trình thử nghiệm năm 2019, S-500 đã đạt tầm bắn là 481,2 km, vượt quá khả năng của các hệ thống phòng không Mỹ như Patriot và THAAD, vốn bị giới hạn ở tầm bắn khoảng 200 km.
Mỗi trung đoàn S-500 bao gồm 12 bệ phóng, có khả năng phát hiện và tấn công 10 tên lửa đạn đạo di chuyển với tốc độ lên tới 7 km mỗi giây. Hệ thống có thời gian phản ứng từ 3 đến 4 giây. S-500 sử dụng tên lửa 77N6-N và 77N6-N1, được thiết kế riêng để đánh chặn tên lửa tốc độ cao. Các cuộc thử nghiệm được tiến hành vào tháng 2/2024 cho thấy S-500 khả năng đánh chặn các mục tiêu siêu thanh như tên lửa R-29RMU2 Sineva.
S-500 cũng có khả năng tấn công các vệ tinh ở quỹ đạo Trái đất thấp (LEO), vốn rất quan trọng đối với các hoạt động liên lạc, dẫn đường và trinh sát của đối phương. Khả năng này, kết hợp với tầm bắn xa, cho phép hệ thống nhắm mục tiêu vào các mối đe dọa ngoài không phận truyền thống. Giới phân tích cho rằng, việc triển khai S-500 tại Crimea có thể thách thức khả năng hoạt động của NATO gần khu vực, đặc biệt khi xét đến khả năng đánh chặn các mối đe dọa trên không và tên lửa tiên tiến của hệ thống.
Thách thức đối với hệ thống S-500
Mặc dù có các tính năng tiên tiến, S-500 vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn. Các lực lượng Ukraine đã vạch ra nhiều chiến lược để chống lại hệ thống, trong đó việc tiến hành các cuộc tấn công phối hợp nhiều tên lửa, tác chiến điện tử và máy bay không người lái. Tên lửa hành trình Trembita do Ukraine chế tạo có thể được sử dụng để áp đảo hệ thống đánh chặn của S-500. Việc tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa kết hợp với thiết bị gây nhiễu điện tử và máy bay không người lái có thể làm giảm hiệu quả của hệ thống.
Theo giới phân tích, việc Nga triển khai S-500 bảo vệ cầu Crimea là nhằm khắc phục điểm yếu trong hệ thống phòng không của nước này trong khu vực. Thời gian gần đây, Ukraine sử dụng tên lửa tiên tiến do phương Tây cung cấp, chẳng hạn như ATACMS và Storm Shadow, tấn công các hệ thống phòng không và trung tâm chỉ huy quan trọng ở Crimea. Các cuộc tấn công này đã gây thiệt hại cho nhiều cơ sở quân sự của Nga như sân bay Saki và cơ sở hạ tầng phòng không ở Dzhankoi. Cầu Crimea đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công trong thời gian qua. Điều này khiến nhu cầu bảo vệ cây cầu này ngày càng cấp thiết.
Crimea có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga do nằm ở Biển Đen, nơi có cảng nước sâu Sevastopol, hỗ trợ các hoạt động của hải quân Nga và đảm bảo quyền tiếp cận Địa Trung Hải. Sau khi sáp nhập vào Nga năm 2014, Crimea đã trở thành một khu vực quan trọng trong nỗ lực của Nga nhằm duy trì ảnh hưởng đối với Ukraine. Cầu Crimea đóng vai trò là tuyến đường hậu cần quan trọng, cho phép vận chuyển vật tư quân sự và hàng hóa dân sự giữa Nga và bán đảo Crimea. Ukraine nhiều lần tìm cách phá hủy cây cầu để phá vỡ các tuyến tiếp tế này nhằm cản trở các hoạt động quân sự và thách thức khả năng duy trì quyền kiểm soát của Nga trong khu vực.