Giải mã những tấm 'huy chương bốc thăm'

Trong thể thao thành tích cao, có những thuật ngữ ta chỉ biết được khi đi sâu và sống cùng với những người làm nghề. Một trong số đó là 'huy chương bốc thăm', những tấm huy chương từng giúp thể thao Việt Nam có thêm động lực phát triển, nhưng cũng có thể kéo lùi cả một bộ môn.

Nguồn gốc “huy chương bốc thăm”

"Anh có mấy huy chương đồng rồi?", huấn luyện viên của địa phương A trao đổi cùng địa phương B sau lễ bốc thăm một giải thể thao quốc gia. Theo nhiều cách khác nhau, ngay sau khi chứng kiến nhánh đấu ở các nội dung tranh tài hiện lên, các huấn luyện viên có thể tính sơ bộ về mặt thành tích, cũng như số huy chương họ nhận về.

“Huy chương bốc thăm” thường xuất hiện ở các môn đối kháng, loại trực tiếp.

“Huy chương bốc thăm” thường xuất hiện ở các môn đối kháng, loại trực tiếp.

Nhiều môn thể thao thành tích cao, đặc biệt là một số môn võ thuật, thường tổ chức thi đấu theo hình thức loại trực tiếp. Theo quy định hiện tại của các giải thể thao trong nước, vận động viên (VĐV) cần vào đến vòng bán kết mới chắc chắn có huy chương đồng. Tuy nhiên, không phải nội dung thi đấu nào cũng có lượng VĐV đủ nhiều để phủ đầy các trận tứ kết.

Điều kiện cần và đủ để mỗi nội dung thi đấu có đủ 4 trận tứ kết, là nội dung đó phải có 8 VĐV trở lên đăng ký tham dự. Nếu số VĐV ít hơn 8, một số người trong số họ sẽ rơi thẳng vào nhóm thi đấu từ vòng bán kết, và chắc chắn có huy chương tại giải. Thành tích đó còn được gọi dưới tên là “huy chương bốc thăm”.

Trên cơ sở đó, “huy chương bốc thăm” thường là huy chương đồng. Trong trường hợp nội dung thi đấu có số VĐV thi đấu chỉ là 3 người (số lượng đúng với điều lệ giải), có thể một số VĐV sẽ "bốc thăm" vào thẳng chung kết. Khi ấy, VĐV giành thành tích thấp nhất là huy chương bạc.

Những tấm “huy chương bốc thăm” bắt nguồn từ đâu? Cụm từ này vẫn thường được nghe tại nhiều giải thể thao trong nước. Ở đó, mục tiêu tìm kiếm huy chương luôn là gánh nặng với những đơn vị nhỏ. Trong giai đoạn mới phát triển, hoặc một số VĐV trụ cột mới nghỉ thi đấu, những đơn vị này cần có thành tích tại các giải quốc gia.

Huy chương bốc thăm không thể tồn tại ở những giải đấu lớn như Olympic.

Huy chương bốc thăm không thể tồn tại ở những giải đấu lớn như Olympic.

"Các địa phương chỉ cho phép VĐV tranh tài nếu huấn luyện viên (HLV) lập kế hoạch thi đấu, đồng thời đảm bảo thành tích ở một mức nhất định. Thành tích này phải được cụ thể và lượng hóa thông qua những tấm huy chương. Với những đơn vị nhỏ, số lượng VĐV thi đấu thường ít, nên họ phải tính khả năng giành huy chương đúng với chỉ tiêu", một HLV chia sẻ.

HLV này nói thêm, việc duy trì cho bộ môn tồn tại, ở nhiều địa phương, giống như câu chuyện sinh tử. Những bộ môn không thành tích, không huy chương sau một vài giải đấu liên tiếp có thể bị xóa sổ. Bởi, giữa trên dưới 50 môn thể thao thành tích cao, thật khó để nhà quản lý thông cảm cho một số bộ môn không đạt chỉ tiêu đề ra.

Tạo điều kiện để cùng phát triển

Tiêu chí "không thành tích, không giải thích" là điều quen thuộc với những người làm chuyên môn trong ngành thể thao. Vì lý do trên, họ phải tìm mọi cách có thể (đương nhiên trong giới hạn cho phép) để đạt thành tích đề ra. Những tấm “huy chương bốc thăm” cũng nằm trong số đó.

Sự sống còn của một bộ môn có thể phụ thuộc vào “huy chương bốc thăm”.

Sự sống còn của một bộ môn có thể phụ thuộc vào “huy chương bốc thăm”.

Câu chuyện về “huy chương bốc thăm” là một đề tài đặc biệt nhạy cảm trong giới thể thao thành tích cao. Bởi, cùng với một thành tích đạt được, ý nghĩa có thể bị bóp méo nếu như chủ nhân tấm huy chương bị hiểu là "bốc thăm mà có". Mặt khác, nhà quản lý, tổ chức các giải thể thao quốc gia cũng phải hiểu tường tận về chuyện hậu trường.

"Thể thao Việt Nam đã chịu ảnh hưởng không nhỏ sau 2 năm gián đoạn vì dịch COVID-19. Nhiều đội thể thao gần như không còn VĐV. Có những đơn vị vốn sở hữu dàn VĐV không ít, trên dưới 10 người mỗi giải, nay chỉ còn 2-3 người tham dự, bao gồm cả HLV", một nhà quản lý chia sẻ.

Để đưa dẫn chứng cho luận điểm mình đưa ra, nhà quản lý hé lộ danh sách VĐV đăng ký của một địa phương dự giải võ thuật toàn quốc. Quả thực, có 1 địa phương tham gia tranh tài chỉ với 1 HLV và 1 VĐV. 2 năm dịch bệnh đã khiến toàn bộ VĐV tiềm năng của đơn vị này quyết định giải nghệ sớm và tìm công việc khác, khiến bộ môn suýt bị xóa sổ.

Trong bối cảnh số lượng VĐV trong tay gần như chạm ngưỡng con số 0, HLV của địa phương trên vẫn nhận lệnh "đảm bảo thành tích có ít nhất 1 HCĐ" giống như những năm trước. Đạt được chỉ tiêu đề ra là cách duy nhất để HLV khôi phục bộ môn từ nguồn kinh phí ở những năm tiếp theo. Nếu không, câu chuyện sẽ khép lại với cảnh bộ môn bị xóa sổ.

"Mỗi địa phương lại có khó khăn riêng. Với đội thể thao ở các địa phương nhỏ, chúng tôi phải học cách sinh tồn. Bạn sẽ thấy ở một số giải, không ít HLV đã nghỉ thi đấu nhưng vẫn đăng ký làm VĐV tranh tài. Lúc chỉ tiêu địa phương có nguy cơ không đạt, chúng tôi sẵn sàng trở lại, 'lên đài' gánh trách nhiệm thay VĐV", một HLV khẳng định.

“Huy chương bốc thăm”, vì thế, mang ý nghĩa nhất định với các địa phương trên hành trình thành lập và phát triển bộ môn. Bởi theo thời gian, hoạt động thể thao thành tích cao cần được mở rộng ra nhiều địa phương, nhiều địa bàn. Đó là cách tốt nhất để những VĐV có tố chất được phát hiện, đồng thời không có gương mặt tài năng nào bị bỏ sót.

Mặt trái của tấm huy chương

“Huy chương bốc thăm”, trên thực tế, chỉ giống như một bước đệm trên hành trình phát triển. Thành tích nhất định được đưa ra nhằm giúp cho bộ môn ở một số địa phương phát triển trong thời gian đầu. Sau đó, các địa phương sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với nhau, đồng thời hướng đến thành tích cao bằng thực lực, thông qua những trận đấu thực sự.

SEA Games 2025 hướng đến chuẩn hóa theo chương trình khung Olympic.

SEA Games 2025 hướng đến chuẩn hóa theo chương trình khung Olympic.

Nói cách khác, “huy chương bốc thăm” không phải đích đến trong phát triển thể thao thành tích cao tại Việt Nam. Bởi, mỗi bộ môn không thể mãi hài lòng với thành tích 1 hoặc 2 huy chương đồng. Nếu thành tích của bộ môn cứ giậm chân tại chỗ, những câu chuyện tế nhị sẽ diễn ra.

Trong câu chuyện của những tấm “huy chương bốc thăm”, đây có thể là mở đầu dẫn tới bệnh thành tích. Một số địa phương chỉ giữ mục tiêu giành “huy chương bốc thăm”. Họ không hướng đến mục tiêu tập luyện nghiêm túc nhằm hướng đến thành tích thật, nên kết quả sa sút nhanh chóng.

Môn Boxing của Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022 từng chứng kiến một câu chuyện thú vị về những tấm “huy chương bốc thăm”. Khi đó, hạng cân 75kg nữ có một VĐV rất mạnh là Lưu Diễm Quỳnh (Hà Nội) tranh tài). Những võ sĩ mạnh khác đều chuyển hạng cân thi đấu, gần như chỉ còn VĐV "bốc thăm".

Tại kỳ Đại hội 3 năm trước, một trong những VĐV giữ chỉ tiêu 1 HCĐ cho đoàn Thái Nguyên thi đấu ở hạng cân 75kg nữ. HLV kỳ vọng VĐV có thể bốc thăm trúng nhánh đấu có HCĐ, nhưng kết quả lại là phải thi đấu ít nhất 1 trận. Cuối cùng, VĐV này thua, khiến đoàn Thái Nguyên phải rèn giũa cẩn thận hơn cho lứa VĐV trẻ hướng đến Đại hội 2026.

Bên cạnh đó, nhiều đội VĐV hùng hậu tham dự các giải trong nước và quốc tế cũng nhằm mục tiêu "bốc thăm". Bằng một cách nào đó, họ luôn có một số huy chương để báo cáo thành tích. “Huy chương bốc thăm” giờ đã lan ra nhiều môn thể thao khác nhau, nơi thành tích không phản ánh chính xác thực lực của vận động viên tham gia tranh tài.

Tại những sân chơi lớn nhất như ASIAD hay Olympic, số lượng VĐV tham dự mỗi nội dung tranh tài thường rất lớn. Khi ấy, công tác huấn luyện, đào tạo VĐV buộc phải ở mức độ rất cao mới có thể hướng đến thành tích tốt. Không còn chỗ cho những tấm “huy chương bốc thăm” nữa, bởi VĐV giành huy chương luôn phải thi đấu thực tế.

"Về bản chất, huy chương bốc thăm luôn có tính may rủi. Không phải lúc nào HLV cũng có thể bốc thăm cho VĐV rơi vào nhánh đấu thuận lợi hoặc có ngay huy chương. Cách tốt nhất để mỗi địa phương đảm bảo thành tích, suy cho cùng, vẫn là đi lên bằng thực lực", một HLV khẳng định.

SEA Games 2025 giảm lượng, tăng chất

Theo chương trình thi đấu SEA Games 2025, giải đấu diễn ra tại Thái Lan có 574 bộ huy chương. Con số này ít hơn một chút so với SEA Games 2023 (580 bộ huy chương). Nhưng ở chiều ngược lại, kỳ SEA Games diễn ra tại Thái Lan được đánh giá cao hơn hẳn ở mặt "chất", khi đưa trở lại nhiều môn thể thao Olympic trong chương trình thi đấu.

2 năm trước, chủ nhà Campuchia từng gây tranh cãi khi loại bỏ nhiều môn thể thao Olympic khỏi SEA Games như Bắn súng, Bắn cung. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành tích của nhiều quốc gia. Không ít VĐV mất đi một sân chơi quan trọng trước khi hướng ra những giải quốc tế lớn, khi SEA Games trở lại làm "ao làng".

Theo thông báo chính thức từ phía Thái Lan, 49/50 môn thi đấu của SEA Games 2025 nằm trong chương trình Olympic, ASIAD và Đại hội thể thao trong nhà - võ thuật châu Á. Đây là minh chứng cho thấy SEA Games dần phát triển theo hướng tiêu chuẩn hóa, nhằm bắt kịp xu thế chung của thể thao thế giới, vốn ưu tiên các môn Olympic.

Ngược lại, một số môn võ như Kickboxing chỉ được thêm vào chương trình thi đấu SEA Games 2025 vào giờ chót. Đây là minh chứng cho thấy nỗ lực của Việt Nam và một số quốc gia khác, trong việc vận động giữ cho Kickboxing tiếp tục xuất hiện ở SEA Games. Ngược lại, Vovinam đã biến mất sau 2 kỳ SEA Games liên tiếp hiện diện ở Việt Nam và Campuchia.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/giai-ma-nhung-tam-huy-chuong-boc-tham-i766903/
Zalo