Giải mã kỷ lục xuất khẩu gạo khó tin của Việt Nam

Năm nay, dự kiến Việt Nam xuất khẩu được khoảng 9 triệu tấn gạo, mức kỷ lục từ trước đến nay dù diện tích, sản lượng sản xuất không tăng

Ngày 16-12, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản giữa bối cảnh ngành đã đạt được nhiều kỷ lục về xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), thông tin xuất khẩu toàn ngành năm 2024 ước đạt 62,4 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay. Nếu so với mục tiêu đặt ra trong Đề án 174/QĐ-TTg về thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030 do Chính phủ phê duyệt vào năm 2021 thì ngành nông nghiệp đã về đích trước 6 năm vì mục tiêu đến năm 2030 là xuất khẩu được 60-62 tỉ USD.

Có đến 7 mặt hàng vượt doanh số xuất khẩu 3 tỉ USD/năm là: gạo, cao su, điều, cà phê, gỗ, thủy sản, rau quả. Riêng ngành gạo, xuất khẩu năm nay ước đạt 5,8 tỉ USD, tăng 23,1% về giá trị.

Báo cáo Bộ NN-PTNT cho thấy xuất khẩu gạo đến tháng 11 đạt gần 8,5 triệu tấn và 5,31 tỉ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt 628 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngành lúa gạo Việt Nam lập kỳ tích xuất khẩu năm 2024

Ngành lúa gạo Việt Nam lập kỳ tích xuất khẩu năm 2024

Trong khi đó, về sản xuất gạo năm nay không có sự tăng trưởng đáng kể với diện tích 7,1 triệu ha và sản lượng 43,6 triệu tấn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lý giải ngành lúa gạo năm nay có nhiều bứt phá đến từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ ngành, ngân hàng trước các khó khăn thị trường giúp ngành lúa gạo vừa bảo đảm an ninh thương thực trong nước vừa xuất khẩu đạt kết quả cao, giá gạo ở mức tốt.

Năm 2024, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ 17 triệu tấn, Thái Lan 10 triệu tấn.

Về tình hình xuất khẩu gạo 2025, Chủ tịch VFA dự báo nhiều khó khăn như sự trở lại của Ấn Độ, dự báo nước này có thể xuất khẩu 22 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024.

Diện tích và sản lượng lúa gạo những năm qua

Diện tích và sản lượng lúa gạo những năm qua

Về thị trường nhập khẩu, Indonesia, nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, dự báo sẽ giảm nhập khẩu. Ngoài ra, Trung Quốc đã giảm nhập khẩu gạo rất mạnh trong năm 2024 cũng là điều đáng chú ý. Tính đến tháng 10-2024, Trung Quốc giảm nhập gạo của Việt Nam đến 71%.

Ông Nguyễn Ngọc Nam kiến nghị ngân hàng quan tâm vấn đề vốn vay và đề nghị ngành thuế sớm hoàn thuế GTGT để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.

Số liệu của Bộ NN-PTNT cũng cho thấy ngành gạo 11 tháng đầu năm thặng dư 4,07 tỉ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái; tức 11 tháng đầu năm ngành gạo Việt Nam cũng đã nhập khẩu 1,24 tỉ USD.

Chia sẻ trước đó tại Báo Người Lao Động, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, nhấn mạnh ngành gạo lập kỷ lục xuất khẩu 9 triệu tấn năm 2024 là nhờ sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu thị trường.

Về sản xuất, nông dân Việt Nam đang tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, được thị trường quốc tế ưa chuộng như Đài Thơm 8, OM 18, các giống ST,… bán được giá, hiệu quả kinh tế cao.

Việt Nam cũng nhập rất nhiều gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan,… để phục vụ chế biến và tiêu dùng cho phân khúc bình dân. Ngoài ra, còn có nguồn lúa gạo từ Campuchia vừa phục vụ tiêu dùng, vừa xuất khẩu do nước này chưa có hạ tầng chế biến tốt như Việt Nam.

Ngọc Ánh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giai-ma-ky-luc-xuat-khau-gao-kho-tin-cua-viet-nam-196241216141504008.htm
Zalo