Những 'sự kiện' kỳ diệu không thể bỏ lỡ trên bầu trời đêm trong năm 2025

Trong năm 2025, những người thích ngắm sao có thể mong đợi một loạt các kỳ quan thiên thể đầy phấn khích.

Trong quá trình nguyệt thực toàn phần, ánh sáng bị khúc xạ qua bầu khí quyển của Trái Đất, tạo ra ánh sáng rực rỡ trên bề mặt Mặt Trăng (như hình ảnh trong ảnh được chụp vào năm 2022 tại Bồ Đào Nha). (Nguồn: National Geographic)

Trong quá trình nguyệt thực toàn phần, ánh sáng bị khúc xạ qua bầu khí quyển của Trái Đất, tạo ra ánh sáng rực rỡ trên bề mặt Mặt Trăng (như hình ảnh trong ảnh được chụp vào năm 2022 tại Bồ Đào Nha). (Nguồn: National Geographic)

Hãy chuẩn bị cho một loạt các kỳ quan thiên thể vào năm 2025.

National Geographic gợi ý bạn đánh dấu vào lịch những sự kiện vũ trụ “khiến bạn phải kinh ngạc ngước nhìn” dưới đây:

Ngày 18/1: Sao Thổ và Sao Kim “hợp nhất”

Một năm của những điều kỳ diệu trên bầu trời bắt đầu bằng một cặp hành tinh tuyệt đẹp. Vào ngày 18/1, hai thế giới lân cận là Sao Kim và Sao Thổ sẽ xuất hiện cách nhau chưa đến nửa độ trên bầu trời, khoảng 30–45 phút sau khi Mặt Trời lặn. Hãy tìm hai hành tinh tỏa sáng ở phía Tây Nam. Sao Kim sẽ sáng hơn và tỏa màu trắng rực rỡ, còn Sao Thổ sẽ hơi mờ hơn và vàng hơn.

Ngày 14/3: Nguyệt thực toàn phần và trăng máu

Hãy ngắm Mặt Trăng ửng hồng vào sáng sớm ngày 14/3. Hiệu ứng "trăng máu" chỉ xảy ra khi có trăng tròn và Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng - sao cho bóng của hành tinh chúng ta phủ lên Mặt Trăng trên bầu trời. Những người ngắm sao có thể có được góc nhìn tuyệt vời về sự kiện này trên khắp châu Mỹ, nếu thời tiết cho phép.

Ngày 29/3: Nhật thực một phần

Nhật thực diễn ra vào ngày 29/3 sẽ khiến Mặt Trời xuất hiện dưới dạng lưỡi liềm - có thể quan sát ở nhiều vùng rộng lớn của Bắc Mỹ, châu Âu, Bắc Á và Tây Bắc Phi. Sự kiện này bắt đầu lúc 4h50 sáng theo giờ miền Đông nước Mỹ. Vào lúc 6h47 sáng theo giờ miền Đông, phần lớn Mặt Trời sẽ bị Mặt Trăng che khuất.

Ngày 26/6: Mặt Trăng và Sao Thủy gặp nhau

Bạn đã bao giờ nhìn thấy hành tinh gần Mặt Trời nhất chưa? Sao Thủy thường khó phát hiện vì gần Mặt Trời và độ sáng chói của nó. Vào ngày 26/6, hành tinh này sẽ “dễ nhìn hơn” khi nó xuất hiện bên cạnh Mặt Trăng của chúng ta.

Nhìn hướng bầu trời phía Tây ngay sau khi Mặt Trời lặn, khoảng 20-30 phút trước khi hoàng hôn hoàn toàn biến mất. Sao Thủy sẽ tỏa sáng như một điểm sáng mờ nhạt với mắt thường, chỉ ba độ bên cạnh lưỡi liềm mỏng manh của Mặt Trăng.

Ngày 12/8: Sao Kim và Sao Mộc đến gần nhau

Đón xem màn trình diễn trên bầu trời vào sáng sớm ngày 12/8 khi hai hành tinh sáng nhất, Sao Kim và Sao Mộc, xuất hiện gần nhau một cách đáng kinh ngạc. Đây là cơ hội hiếm có để quan sát hai hành tinh sáng nhất cạnh nhau.

Nhìn lên cao về phía Đông lúc bình minh để tìm hai vật thể sáng, đủ gần để có thể nhìn thấy nhau qua ống nhòm. Sao Kim sẽ sáng hơn Sao Mộc với ánh sáng trắng rực rỡ, trong khi Sao Mộc có vẻ hơi mờ hơn và vàng hơn.

Ngày 7/9: Một lần nữa xảy ra nguyệt thực toàn phần và trăng máu

“Người Trái Đất” sẽ có cơ hội thứ hai để chiêm ngưỡng trăng máu vào năm 2025, khi nguyệt thực toàn phần bao trùm châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương vào tối 7/9.

Bóng của Trái Đất sẽ bắt đầu lan dần qua bề mặt Mặt Trăng vào lúc 12h27 chiều theo giờ miền Đông nước Mỹ , trong khi pha nguyệt thực toàn phần diễn ra từ 1h30 chiều đến 2h52 chiều theo giờ miền Đông.

 Hình ảnh cho thấy khoảnh khắc siêu trăng tròn bắt đầu tỏa sáng với tông màu đỏ từ dưới bóng tối của Trái Đất, nhìn từ Khu bảo tồn Dark Sky Alqueva, Bồ Đào Nha. (Nguồn: National Geographic)

Hình ảnh cho thấy khoảnh khắc siêu trăng tròn bắt đầu tỏa sáng với tông màu đỏ từ dưới bóng tối của Trái Đất, nhìn từ Khu bảo tồn Dark Sky Alqueva, Bồ Đào Nha. (Nguồn: National Geographic)

Trong pha nhật thực toàn phần, ánh sáng Mặt Trời chiếu qua vành đai khí quyển bụi của Trái Đất bị bẻ cong về phía phần màu đỏ của quang phổ và chiếu xuống bề mặt Mặt Trăng, khiến Mặt Trăng như được “tắm” trong ánh sáng đỏ cam kỳ lạ.

Ngày 19/9: Mặt Trăng, Sao Kim và Regulus “ôm ấp” trên bầu trời

Bộ ba thiên thể tuyệt đẹp sẽ thống trị bầu trời vào sáng sớm ngày 19 /9. Nhìn về phía Đông khoảng 45 phút trước khi Mặt Trời mọc để thấy Mặt Trăng lưỡi liềm mảnh mai, sao Kim rực rỡ và ngôi sao sáng Regulus tạo thành một hình tam giác nổi bật. Sao Kim, vật thể sáng nhất sau Mặt Trăng, sẽ tỏa sáng như một viên kim cương, cùng sao Regulus tỏa sáng gần đó với màu xanh trắng uy nghiêm.

Ngày 8/11: Vành đai của Sao Thổ biến mất

Các vành đai mang tính biểu tượng của Sao Thổ là những gì chúng ta mong đợi khi ngắm nhìn hành tinh khổng lồ này. Nhưng vào đầu tháng 11, Sao Thổ sẽ tạm thời mất đi sự nổi tiếng của mình vì các vành đai của nó sẽ xuất hiện theo chiều ngang.

Sự kiện hiếm hoi này xảy ra 15 năm một lần khi độ nghiêng của Sao Thổ thẳng hàng với Trái Đất, khiến các vành đai mỏng gần như vô hình.

Ngày 13-14/12: Mưa sao băng Geminid đạt đỉnh

Vào mỗi tháng 12, Trái Đất lại đi qua một đám mây mảnh vỡ vũ trụ còn sót lại từ một tiểu hành tinh đang sụp đổ, tạo ra một loạt sao băng.

Trong một năm bình thường, mưa sao băng Geminid có thể tạo ra từ 60 đến 120 sao băng một giờ trong những ngày đỉnh điểm - từ 13-14/12. Năm nay hứa hẹn sẽ đặc biệt tốt cho mưa sao băng Geminid, vì đỉnh điểm của mưa sao băng sẽ trùng với bầu trời tối và không có trăng.

Ngắm cực quang vào năm 2025

Tháng 10 vừa qua, đại diện của NASA, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia và Ban Dự đoán Chu kỳ Mặt trời Quốc tế công bố Mặt Trời đã đạt đến thời kỳ hoạt động cực đại và có thể tiếp tục trong năm tới.

Trong suốt năm 2025, chúng ta có thể thấy hoạt động của Mặt Trời tăng cao. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng khả năng Trái Đất chứng kiến cực quang mạnh và sống động trên bầu trời./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-su-kien-ky-dieu-khong-the-bo-lo-tren-bau-troi-dem-trong-nam-2025-post1001421.vnp
Zalo