Giải mã 3 tấm ảnh rõ nhất và mới nhất của sao Thủy
Sao Thủy đang dần hiện rõ hơn thông qua sứ mệnh thăm dò của tàu BepiColombo. Tàu vũ trụ đã bay ngang qua hành tinh này vào ngày 8.1, chụp một loạt ảnh cận cảnh tuyệt đẹp khi nó bay qua.
Những bức ảnh cho thấy bề mặt đầy hố va chạm và đồng bằng núi lửa của hành tinh này. Những bức ảnh này làm sáng tỏ một hành tinh tối tăm mà các nhà khoa học đang háo hức tìm hiểu thêm.
BepiColombo là một sứ mệnh chung của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu và Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA). Đây là lần thứ 6 tàu vũ trụ bay ngang qua sao Thủy và là một phần trong kế hoạch được thiết kế để đưa tàu vào quỹ đạo quanh hành tinh này vào cuối năm 2026.
Những điểm nổi bật trong chuyến bay ngang qua Sao Thủy của BepiColombo
Tàu vũ trụ có lúc chỉ cách bề mặt sao Thủy 300 km, giúp tàu có thể quan sát rõ bề mặt đầy hố va chạm của hành tinh gần Mặt trời nhất. ESA đã chọn ra ba hình ảnh đẹp nhất từ chuyến bay ngang qua, trong lúc BepiColombo bay vút qua cực bắc của sao Thủy. ESA ngày 9.1 cho biết: "Những hình ảnh cận cảnh cho thấy có thể có những hố băng luôn trong bóng tối và những bình nguyên rộng lớn ở phía bắc ngập tràn ánh nắng".
Hình ảnh nổi bật đầu tiên xuất hiện khi BepiColombo bay qua ranh giới giữa đêm và ngày, vị trí giúp tàu vũ trụ có "cơ hội duy nhất để nhìn thẳng xuống những hố băng luôn tối ở cực bắc của hành tinh". Theo ESA, những hố băng tối này là một trong những nơi lạnh nhất trong hệ mặt trời. Do đó, có thể tồn tại nước đóng băng bị mắc kẹt trong các hố băng. Mục tiêu cốt lõi của sứ mệnh BepiColombo là nghiên cứu xem sao Thủy có nước hay không.
Hình ảnh thứ hai được chụp năm phút sau hình ảnh đầu tiên. Nó cho thấy rõ những bình nguyên núi lửa của hành tinh và hố Mendelssohn lớn (trong ảnh nằm cao hơn một chút so với thiết bị tàu vũ trụ). Những hố băng mới, nhỏ hơn đã lưu dấu bên trong. Hố va chạm lớn nhất của Sao Thủy, lưu vực Caloris, xuất hiện ở góc dưới bên trái của hành tinh.
Hình ảnh thứ ba của ESA đáng chú ý vì một số vùng sáng. ESA cho biết: "Trên hành tinh tối tăm này, các đặc điểm mới hơn trên bề mặt có xu hướng sáng hơn. Các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác sao Thủy được tạo thành từ gì, nhưng rõ ràng là vật liệu được đưa lên từ bên dưới bề mặt ngoài dần trở nên tối hơn theo thời gian".
Nhiệm vụ khám phá sao Thủy của BepiColombo
Những hình ảnh này đến từ camera giám sát của BepiColombo (M-Cams). Những camera này được gắn vào mô-đun Mercury Transfer của tàu vũ trụ. Mô-đun này mang theo hai tàu quỹ đạo phục vụ sứ mệnh gồm: Tàu quỹ đạo hành tinh sao Thủy của ESA và Tàu quỹ đạo từ quyển của JAXA. Hai tàu con này cuối cùng sẽ tách khỏi mô-đun và xung quanh sao Thủy theo quỹ đạo riêng của chúng.
Tàu BepiColombo đã có một hành trình dài để đến sao Thủy. BepiColombo được phóng vào năm 2018 với tư cách là tàu vũ trụ đầu tiên của châu Âu tới sao Thủy. Sao Thủy là hành tinh nhỏ nhất trong Hệ mặt trời của chúng ta và cũng là hành tinh gần Mặt trời nhất. Nó chỉ lớn hơn một chút so với mặt trăng của Trái đất. Nó có một năm ngắn, hoàn thành một vòng quay quanh Mặt trời sau 88 ngày Trái đất.
Mục tiêu của ESA với BepiColombo là "nghiên cứu và hiểu về thành phần, địa vật lý, khí quyển, từ quyển và lịch sử của sao Thủy, hành tinh ít được khám phá nhất ở vùng trong của Hệ mặt trời". Các tàu vũ trụ trước đây đã đến thăm sao Thủy. Đáng chú ý là Mariner 10 đã bay qua sao Thủy vào những năm 1970 trong khi Messenger đến sao Thủy vào năm 2011 và đâm vào hành tinh này khi kết thúc sứ mệnh vào năm 2015. Thế nhưng, các sứ mệnh trên không khám phá được nhiều và sao Thủy vẫn là một hành tinh bí ẩn dù tương đối gần Trái đất.
Hiểu về sao Thủy có thể giúp các nhà khoa học hiểu về Trái đất và cách các hành tinh đá thuộc vùng trong của Hệ mặt trời hình thành.