Giai đoạn mới 'cuộc chiến' chống lãng phí
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Thanh tra vừa tổ chức, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình một lần nữa nhấn mạnh đến công tác thanh tra chống lãng phí.
Chống lãng phí là yêu cầu quan trọng của cách mạng trong mọi giai đoạn. Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã nói về chống lãng phí, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Quan điểm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành một phần của Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đảng ta nhất quán chủ trương phải đẩy mạnh phòng, chống lãng phí bên cạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 3 nội dung cơ bản của việc tiết kiệm, đó là: Tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ, tiết kiệm tiền của. Theo Người, mục đích của việc tiết kiệm để phục vụ cho kháng chiến và kiến quốc, để tăng thêm tiền vốn xây dựng đất nước.
Hiện nay, ngoài các văn bản của Đảng, chúng ta đã có hệ thống văn bản pháp luật về chống lãng phí; trước hết là Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí (Luật số 44/2013/QH13) và nhiều văn bản khác. Trung ương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (mới nhất là Quy định số 191-QĐ/TW).
Đáng tiếc, “lãng phí gây hậu quả rất lớn. Chúng ta lãng phí rất nhiều về nguồn lực, nhân lực, thời gian. Tình trạng này đang rất nghiêm trọng”, như đánh giá của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra nhiệm vụ là phải chống lãng phí. Theo Tổng Bí thư, “dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm khi để xảy ra lãng phí tài sản của Nhà nước, tiền của của Nhân dân”.
Được biết, cơ quan chức năng đã và đang rà soát toàn bộ các dự án, cụm dự án xảy ra lãng phí, chậm tiến độ kéo dài hoặc không triển khai được để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Thông tin này được nêu tại họp báo thông báo tình hình kết quả công tác công an năm 2024 do Bộ Công an tổ chức vào ngày 26/12. Kỳ vọng cuộc đấu tranh chống lãng phí phải bước sang giai đoạn mới, thực chất, hiệu quả.
Ngăn chặn lãng phí cũng phải kết hợp giữa “chống” và “xây”. Nhiệm vụ hiện nay của các ngành chức năng là tập trung làm tốt công tác xây dựng thể chế, hoàn chỉnh, đồng bộ hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đẩy mạnh chống lãng phí phải dựa trên hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thì mới hiệu quả.