Giải cơn khát nhân lực ngành game

Để đáp ứng sự bùng nổ của ngành công nghiệp game, cần giải quyết nút thắt về nguồn nhân lực.

Khát nguồn nhân lực

Thị trường game Việt được dự báo đạt 1,66 tỷ USD năm 2025, tăng trưởng trung bình 9,77%/năm trong giai đoạn 2025-2029 và dự kiến đạt 2,42 tỷ USD vào năm 2029.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam có nhiều công ty, doanh nghiệp, cá nhân làm game xuất sắc, trong đó có một kỳ lân công nghệ về game. Khoảng 50% tựa game hot nhất hiện nay có bàn tay tham gia của người Việt, nhưng lại đang làm thuê, gia công cho nước ngoài. Việt Nam chiếm tới 5 trong 10 game studio hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Australia, nhưng nguồn nhân lực trong ngành này bị thiếu hụt trầm trọng, hiện chỉ có 25.000 người. Thực tế, các studio, công ty game Việt Nam hiện nay đa phần nhận các hạng mục gia công game nước ngoài hoặc quảng bá, phát hành game nước ngoài tại thị trường trong nước và chưa thực sự mạnh về việc tự sáng tạo ra các game “Made in Việt Nam” có tầm ảnh hưởng.

Một trong những lý do chính của tình trạng trên là Việt Nam chưa có nguồn nhân lực được đào tạo chính quy, chưa có trường dạy làm game và cũng chưa có những phân khoa chuyên ngành game (mới chỉ có các chương trình, môn học liên quan thiết kế, công nghệ game thuộc chuyên ngành công nghệ thông tin. Chính vì vậy, đến nay, nhân lực ngành game chủ yếu vẫn chỉ xoay quanh những con người thực sự thích làm game, cố gắng tìm tòi, mày mò để làm game từ các kiến thức nền tảng về lập trình hoặc thiết kế đồ họa.

Theo TS. Cao Minh Thắng, Phó viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông), mức lương khởi điểm dành cho các vị trí thiết kế và phát triển game khoảng 10 - 20 triệu đồng/tháng, tùy vào năng lực cá nhân. Riêng nhân sự có 2 - 3 năm kinh nghiệm làm việc, mức lương sẽ có sự phân hóa rõ rệt, thậm chí có người nhận mức lương đến 50 triệu đồng/tháng.

Trong danh mục tuyển dụng lương cao tại Việt Nam hiện nay, lập trình viên ngành game đang đứng tốp đầu. Lương khởi điểm cho lập trình game, thiết kế game là 10 - 15 triệu đồng/tháng, nhân sự có kinh nghiệm sẽ có mức thu nhập 20 - 35 triệu đồng/tháng. Bên cạnh mức lương chính thức, lập trình viên, nhà thiết kế game có thể được nhận phụ cấp, hoa hồng cho mỗi dự án thành công.

Nhìn chung, tổng thu nhập phụ thuộc vào hiệu suất công việc. Mặc dù thu nhập ngành game khá cao, nhưng hiện nay, các công ty không dễ tuyển dụng và chỉ khoảng 30% nhân lực đáp ứng được kỳ vọng của các công ty phát triển và phát hành game.

Tìm lời giải

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc hỗ trợ, thúc đẩy các start-up, studio game online tiềm năng tiến xa hơn, Việt Nam cũng cần có những chính sách, chiến lược lâu dài để ươm mầm và nuôi dưỡng lực lượng lao động ngành game sáng tạo và có nhiều kỹ năng, đồng thời tạo điều kiện cho ngành công nghiệp game online phát triển bền vững.

Hiện nay, nhiều công ty công nghệ, công ty phát hành game online có bộ phận đào tạo và phát triển chương trình nhằm đào tạo, sàng lọc các lập trình viên, thiết kế game trong tương lai. Một số cơ sở đào tạo chuyên ngành về game cũng đã được mở ra, đáp ứng nhu cầu đào tạo và cung cấp nhân lực cho ngành game trong nước.

Thu nhập ngành game khá cao, nhưng các công ty không dễ tuyển dụng và chỉ khoảng 30% nhân lực đáp ứng được kỳ vọng.

Bộ Khoa học và Công nghệ đặt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, được đào tạo chính quy, chuyên sâu về ngành game trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước, đáp ứng nhu cầu về nhân sự cho sản xuất và phát hành trò chơi điện tử của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đến năm 2030, có ít nhất 5 trường đại học, cao đẳng có ngành đào tạo về game online và 10 trung tâm đào tạo chính quy về game online, với năng lực đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực trình độ đại học và 10.000 nhân lực có trình độ đào nghề về lập trình và thiết kế game, đáp ứng nhu cầu sản xuất và vận hành của khoảng 2.000 doanh nghiệp, studio.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc VTC, game được coi là một ngành, nên đã hình thành nghề, nhưng lại chưa có cơ sở đào tạo và cấp bằng về nghề game. Chính vì thế, để ngành phát triển lâu dài, cần đào tạo bài bản. Đối với một sản phẩm game, khâu thiết kế game là quan trọng nhất, nhưng ở Việt Nam, công đoạn này vẫn còn yếu, nên cần bắt đầu đào tạo từ đây.

Còn ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech cũng cho rằng, muốn phát triển ngành game, thì đào tạo nhân lực là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện vẫn thiếu vắng các chương trình đào tạo chuẩn, bài bản về ngành game. Một chương trình đào tạo game bài bản phải gồm 3 yếu tố: chương trình được xây dựng dựa trên nghiên cứu kỹ về thị trường Việt Nam và thế giới; có đội ngũ chuyên gia trình độ tham gia giảng dạy; có hỗ trợ, kết nối việc làm cho sinh viên.

Để phát triển nguồn nhân lực ngành game, các chuyên gia cho rằng, cần có chính sách thúc đẩy các cơ sở đào tạo tổ chức các chương trình đào tạo về lập trình, đồ họa, thiết kế, sản xuất, quản trị game... Có cơ chế hợp tác giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp sản xuất và phát hành game để tư vấn xây dựng chương trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập, hỗ trợ, tư vấn cho các sinh viên có định hướng khởi nghiệp trong ngành game, đầu tư xây dựng, nâng cấp trang thiết bị học tập liên quan đến ngành game. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ trên thế giới để hỗ trợ đào tạo.

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/giai-con-khat-nhan-luc-nganh-game-d288662.html
Zalo