Thuế quan Mỹ: Những ngành xuất khẩu của EU chịu ảnh hưởng nặng nhất
Bà Maria Demertzis, Giám đốc Trung tâm chiến lược kinh tế tại tổ chức Conference Board (Bỉ), cho biết tác động của mức thuế 50% sẽ thực sự lớn đối với một số ngành.
Theo tờ Financial Times, lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 50% đối với tất cả hàng xuất khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) sẽ là đòn giáng vào các ngành sản xuất chính, gồm ô tô, hàng không vũ trụ, hóa chất và một số mặt hàng khác.
Theo số liệu từ Ủy ban châu Âu, Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của EU, chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trị giá hơn 530 tỷ euro (602,53 tỷ USD) trong năm 2024. Đức, Ireland, Italy và Pháp là những nước xuất khẩu hàng đầu, gồm hơn 200 tỷ euro máy móc và phương tiện; 160 tỷ euro hóa chất; và 25 tỷ euro thực phẩm và đồ uống.
Bà Maria Demertzis, Giám đốc Trung tâm chiến lược kinh tế tại tổ chức Conference Board (Bỉ), cho biết tác động của mức thuế 50% sẽ thực sự lớn đối với một số ngành.
Dược phẩm

Biểu tượng Sanofi tại trụ sở của hãng này ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Dược phẩm là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của EU sang Mỹ trong năm 2024 với gần 80 tỷ euro, theo Eurostat. Bà Nathalie Moll, Tổng giám đốc Liên đoàn các ngành công nghiệp và hiệp hội dược phẩm châu Âu, cảnh báo thuế quan sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt dược phẩm và kêu gọi Mỹ và EU tránh điều này bằng "mọi giá".
Trước đó, dược phẩm không bị áp mức thuế đối ứng công bố hồi đầu tháng Tư, mặc dù ông Trump đã tiến hành cuộc điều tra theo Mục 232 về những tác động đối với an ninh quốc gia khi dựa vào sản xuất nước ngoài. Điều này có thể dẫn đến việc áp thuế đối với ngành này.
Các công ty dược phẩm châu Âu như Novo Nordisk- nhà sản xuất thuốc Ozempic điều trị béo phì và tiểu đường của Đan Mạch- và Sanofi, nhà sản xuất thuốc của Pháp, có hoạt động sản xuất trong nước đáng kể. Tuy nhiên, các công ty dược phẩm Mỹ cũng xây dựng các cơ sở sản xuất lớn tại EU, đặc biệt là ở Ireland, nơi có mức thuế suất thấp hơn.
Hàng không

Máy bay của hãng hàng không Ryanair. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngành hàng không đã cảnh báo về chi phí cao hơn do mức thuế cơ bản 10% đối với hầu hết các quốc gia, và đã vận động Nhà Trắng trở lại kỷ nguyên miễn thuế quan kể từ năm 1979.
Cả Boeing và Airbus đều nhập khẩu phụ tùng cho máy bay mới từ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Nhà sản xuất máy bay của Mỹ, nơi nhập khẩu phụ tùng máy bay từ các quốc gia như Italy và Nhật Bản, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi mức thuế quan của ông Trump.
Ngay cả trước khi ông Trump tuyên bố mức thuế 50% vào ngày 23/5, Ryanair- hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu và là một trong những khách hàng lớn nhất của Boeing- đã cảnh báo có thể trì hoãn việc giao máy bay nếu thuế quan làm tăng chi phí. Giám đốc điều hành Ryanair, Michael O'Leary, cho biết Ryanair và Boeing rơi vào tranh cãi về việc bên nào sẽ chịu chi phí thuế quan.
Ô tô
Các giám đốc điều hành ngành ô tô đã chỉ trích EU không đạt được thỏa thuận với Mỹ để giảm mức thuế 25% đối với xe và phụ tùng sản xuất ngoài Mỹ. Trong những tuần gần đây, ngành ô tô đã hy vọng Brussels và Washington sẽ đạt được thỏa thuận về nhập khẩu ô tô, đặc biệt sau khi Anh đạt thỏa thuận với Mỹ về mức thuế 10%.
Hiện tại, EU áp thuế 10% đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ trong khi Mỹ chỉ áp mức 2,5%.

Xe ôtô hiệu Volvo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tại hội nghị thượng đỉnh Future of the Car vào tuần trước, Giám đốc điều hành Volvo Cars, Häkan Samuelsson, cho rằng Mỹ sẽ không đóng cửa thương mại với châu Âu và EU cần "cân bằng" mức thuế quan tương đương với Mỹ.
Giám đốc điều hành hãng BMW, Oliver Zipse, cũng dự đoán ông Trump sẽ hạ thuế quan đối với ô tô nước ngoài từ tháng Bảy.
Hiện không rõ mức thuế 50% ông Trump tuyên bố là mức bổ sung vào mức thuế 25% hiện hành đối với ô tô nhập khẩu hay thay thế cho mức thuế này. Thuế suất vượt quá 25% sẽ khiến việc xuất khẩu ô tô trở nên bất khả thi đối với các nhà sản xuất châu Âu.
Thuế quan cao hơn sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô như Audi và Porsche, vốn không có cơ sở sản xuất tại Mỹ, cũng như Volvo Cars, Mercedes-Benz và các hãng khác xuất khẩu xe sang Mỹ từ châu Âu.
Mỹ là thị trường lớn xuất khẩu xe lớn thứ hai của EU sau Vương quốc Anh. Năm ngoái, EU xuất khẩu 757.654 xe mới sang Mỹ, trị giá 38,9 tỷ euro, trong khi chỉ nhập khẩu 169.152 xe mới từ Mỹ, trị giá 7,8 tỷ euro, theo Acea, tổ chức đại diện ngành ô tô châu Âu.
Thực phẩm và đồ uống
Với kim ngạch 25 tỷ euro, xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của EU sang Mỹ nhỏ so với các ngành công nghiệp lớn, song mang ý nghĩa chính trị và có khả năng trở thành mục tiêu của các biện pháp trả đũa từ cả hai bên.
Thương mại hai chiều về nguyên liệu thô, thành phần và thành phẩm nông sản đạt 40 tỷ euro. Nhiều loại hạt, trái cây và rau quả do Mỹ sản xuất nằm trong danh sách có thể bị Brussels trả đũa, trong khi rượu sâm panh Pháp và pho mát Parmigiano của Italy nằm trong số các sản phẩm của châu Âu có nguy cơ bị Mỹ trả đũa.
Ông Dirk Jacobs, Tổng giám đốc Food Drink Europe, tổ chức đại diện cho ngành thực phẩm đồ uống, kêu gọi "giảm leo thang" để tránh ngành này bị cuốn vào cuộc chiến thương mại toàn diện xuyên Đại Tây Dương.