Giải báo chí 'Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc' mang đậm hơi thở cuộc sống

Là Ủy viên Hội đồng Chung khảo Giải báo chí 'Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc,' bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc TTXVN cho biết nhiều chủ đề khó được các tác giả thể hiện rất sinh động.

Bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Chung khảo Giải báo chí 'Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc.' (Nguồn: TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Chung khảo Giải báo chí 'Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc.' (Nguồn: TTXVN)

Tối 11/11, Lễ trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XVI, năm 2023-2024, sẽ chính thức diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Là một giải báo chí mang đậm bản sắc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bước sang lần thứ 16 được tổ chức, giải đã khẳng định được vai trò, uy tín trong hệ thống các giải báo chí của quốc gia; góp phần truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đó là những ý nghĩa có thể cảm nhận qua một số chia sẻ trước thềm Lễ trao giải của các thành viên Hội đồng Chung khảo và đại diện các nhóm tác giả được vinh danh.

Nhiều tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống

Tiếp nối thành công của 15 lần tổ chức, trong mùa giải năm nay, Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XVI, năm 2023-2024 tiếp tục có những đổi mới, nâng tầm vị thế với số lượng và chất lượng của các tác phẩm ngày càng nâng cao.

Trên cơ sở kế thừa và phát huy những điểm mạnh, Ban Tổ chức giải đã đẩy mạnh truyền thông để huy động nhiều hơn nữa sự vào cuộc của các nhà báo trong phản ánh các nội dung đề tài của giải.

Ông Vũ Văn Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức giải, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo cho biết sau 2 năm tổ chức và triển khai giải, đến hết ngày 31/7/2024, Ban Tổ chức Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XVI, năm 2023-2024 đã nhận được 2.135 bài thi hợp lệ của 5 thể loại: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình và ảnh báo chí của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.

Với tinh thần công tâm, khách quan, Hội đồng Sơ khảo đã tuyển chọn được 110 tác phẩm của các loại hình báo chí đề nghị đưa vào Chung khảo để Hội đồng Chung khảo chấm, xếp hạng.

Qua bình xét, đánh giá, Hội đồng chung khảo đã chọn 90 tác phẩm xuất sắc để trao 5 giải A, 14 giải B, 29 giải C, 42 giải khuyến khích.

Bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo khẳng định báo chí đã giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lan tỏa được những thông tin tích cực đến với người dân, để người dân gần hơn với Mặt trận, biết thêm về những hoạt động của Mặt trận hơn.

Đồng thời, Giải báo chí Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc còn tạo nên sự kết nối sâu sắc hơn để các phóng viên, nhà báo ngày càng hiểu về công tác Mặt trận, qua đó góp phần đưa những thông tin kịp thời, chính xác của Mặt trận đến với các vùng miền, đến với người dân.

Là Ủy viên Hội đồng Chung khảo, bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam nhận định mùa giải năm nay đã thu hút số lượng tác phẩm nhiều hơn so với năm trước và chất lượng tác phẩm khá đồng đều. Vì vậy, Hội đồng Giám khảo phải cân nhắc rất kỹ lưỡng với tinh thần khách quan, công tâm để lựa chọn những tác phẩm thực sự tiêu biểu và xứng đáng để trao giải.

“Về các tiêu chí đánh giá tác phẩm, chúng tôi bám sát các tiêu chí về chủ đề, nội dung, bố cục cũng như hình thức thể hiện. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao những tác phẩm giàu chất liệu thực tiễn, mang đậm hơi thở cuộc sống," Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Thị Sự nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Sự cho biết nhiều chủ đề lớn và khó như xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các chủ đề về thực hiện chính sách tôn giáo, dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo, đã được các tác giả thể hiện rất sinh động bằng những câu chuyện thực tế ở cơ sở và có tính thuyết phục rất cao.

Trong mùa giải năm nay, có một nội dung để lại dấu ấn, đó là sự đổi mới trong công tác Mặt trận thời đại chuyển đổi số, với nhiều mô hình hay, cách làm mới gắn với việc số hóa đã được triển khai ở cơ sở, như “thôn thông minh," “tổ công nhân số," “nhà trọ số”...

Ở trong những câu chuyện cụ thể đó, hình ảnh những cán bộ Mặt trận năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng vì dân đã được khắc họa rõ nét.

Bên cạnh đó, mùa giải năm nay cũng ghi nhận sự tham gia của những tác phẩm báo chí giàu tính chiến đấu, mang tính phản biện cao; những tác phẩm làm tốt việc lan tỏa thông tin tích cực, lan tỏa tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc và truyền tải những câu chuyện xúc động về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đề cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Vượt qua khó khăn, lan tỏa tinh thần đoàn kết

Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm được đánh giá cao ở Giải lần này, trong đó, nhóm tác giả: Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Hằng, Lại Thị Hoa, đã xuất sắc giành giải A với tác phẩm “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người của nhân dân-Người của lịch sử," phát sóng trên VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhà báo Lại Thị Hoa cho hay tác phẩm “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Người của Nhân dân-Người của lịch sử” là một chương trình đặc biệt, được thực hiện và phát song trong thời điểm đặc biệt. Đó là ngày Quốc tang (26/7/2024), ngày mà dân tộc Việt Nam tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một nhân cách lớn đã ra đi…, để hàng triệu trái tim người con đất Việt nghẹn ngào.

Trong suốt một tiếng diễn ra chương trình đặc biệt, nhóm tác giả đã nỗ lực hết sức mình để thính giả cảm nhận được trái tim của một người cộng sản luôn lo cho nước, cho dân, luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết, đó chính là “cội rễ” để có thể “chạm” được đến “trái tim của nhân dân," được nhân dân dành cho những tình cảm trân quý nhất.

“Khi thực hiện tác phẩm, chúng tôi không xác định làm để dự thi mà đơn giản, chúng tôi làm vì trách nhiệm của nghề báo, thực hiện để tôn vinh những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong suốt một tuần, chúng tôi đã làm việc hết sức vất vả từ sáng sớm đến tận đêm muộn để kịp thời phát sóng. Khi chương trình được phát sóng, được thính giả đón nhận, chúng tôi rất vui. Càng vui hơn khi tác phẩm được trao giải thưởng cao quý dành cho người làm báo. Giải thưởng đánh dấu cho hành trình nỗ lực cống hiến, sống với đam mê, là nguồn động viên tinh thần, “tiếp lửa” cho chúng tôi vượt qua khó khăn để tiếp tục gắn bó với nghề," nhà báo Lại Thị Hoa chia sẻ.

Cùng với hơn 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương, Thông tấn xã Việt Nam là một trong những cơ quan báo chí có nhiều đóng góp tích cực vào thành công chung của Giải báo chí Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc lần thứ 16.

Loạt 3 bài "" của nhóm tác giả: Phạm Mai, Thùy Giang; đăng trên Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) đã giành giải A.

Nhà báo Phạm Mai cho hay thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Phòng Phóng viên và lãnh đạo Tòa soạn Báo điện tử VietnamPlus về triển khai tuyến tin bài chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chùm bài là một minh chứng cho sự sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc khi kêu gọi, đưa hàng nghìn trí thức miền xuôi tình nguyện lên phát triển văn hóa, giáo dục vùng cao, nhằm đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, phát triển cơ sở Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị cho miền núi.

 Loạt 3 bài "Từ lời kêu gọi thắp sáng vùng cao của Đảng đến kỳ tích giáo dục Điện Biên" của nhóm tác giả: Phạm Mai, Thùy Giang; đăng trên Báo Điện tử VietnamPlus.

Loạt 3 bài "Từ lời kêu gọi thắp sáng vùng cao của Đảng đến kỳ tích giáo dục Điện Biên" của nhóm tác giả: Phạm Mai, Thùy Giang; đăng trên Báo Điện tử VietnamPlus.

Từ nền móng của những người thầy tiên phong, trải qua hành trình 65 năm, giáo dục vùng cao đã có những bước tiến thần kỳ. Lớp lớp thế hệ học trò vùng cao đã trưởng thành, là những người lãnh đạo kiến tạo sự đổi mới cho chính quê hương mình hay góp phần phát triển đất nước ở rất nhiều cương vị, nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Nhân dịp ngày 7/5 - kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Tây Bắc, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu," cũng tròn 65 năm ngày 860 giáo viên đầu tình nguyện lên đường thắp sáng giáo dục vùng cao, Báo Điện tử VietnamPlus đã chọn Điện Biên là minh chứng điển hình cho thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phát triển giáo dục miền núi.

Chùm bài một lần nữa khẳng định bài học vẫn còn nguyên giá trị về vai trò của phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

"Điểm khó khăn khi thực hiện ba bài viết là các giáo viên tình nguyện năm xưa nay tuổi đã cao, nhiều người đã ra đi mãi mãi, một số người sức khỏe yếu. Các nhà giáo còn khỏe và minh mẫn lại đang sinh sống các tỉnh, thành khác nhau. Do tuổi cao, trí nhớ giảm sút nên trong câu chuyện của các thầy, cô có những nội dung, chi tiết kể khác nhau, chúng tôi phải mất nhiều thời gian, nghiệp vụ xác minh để thông tin đúng đến bạn đọc, trong đó có thông tin về các văn bản chỉ đạo, chủ trương, đường lối của Đảng," nhà báo Phạm Mai cho hay.

Bên cạnh tác phẩm đoạt giải A, Thông tấn xã Việt Nam còn ghi dấu ấn tại mùa Giải lần thứ XVI với giải B được trao cho phóng sự ảnh "Mái ấm của các nữ tu nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật" của nhà báo Minh Đức (Ban biên tập Ảnh, Thông tấn xã Việt Nam).

 Phóng sự ảnh "Mái ấm của các nữ tu nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật" của nhà báo Minh Đức (Ban biên tập Ảnh, Thông tấn xã Việt Nam).

Phóng sự ảnh "Mái ấm của các nữ tu nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật" của nhà báo Minh Đức (Ban biên tập Ảnh, Thông tấn xã Việt Nam).

Bộ ảnh được nhà báo Minh Đức thực hiện tại Cơ sở Cộng đoàn Nhà mẹ xã Lưu Phương (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình), thuộc Hội Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm do Nữ tu Catarina Trần Thị Thắm, Tổng phụ trách Dòng mến Thánh giá Phát Diệm quản lý. Nơi đây nuôi dậy, chăm sóc các em có hoàn cảnh khó khăn và khuyết tật.

"Cộng đồng các tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng đã đóng góp nguồn lực quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước Chính những điều trên đã tạo nên sự ổn định, gắn kết, sức mạnh nội tại trong cộng đồng tôn giáo và làm cho tôn giáo luôn có vị trí nhất định trong đời sống xã hội. Dù biết đề tài tôn giáo là một đề tài khó từ quá trình tiếp cận đến cách thể hiện, nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện phóng sự ảnh với mong muốn góp phần lan tỏa sự nhân văn, những đóng góp của tôn giáo với đời sống người dân," nhà báo Minh Đức chia sẻ.

Tác phẩm: "Ăn cơm nhà vác tù và" trong thời đại số” của nhà báo Nguyễn Thị Hoa (bút danh Nguyên Hoa), đăng trên Báo Điện tử Hà Nội mới, là một trong những tác phẩm được đánh giá "mang đậm hơi thở cuộc sống" tại mùa giải năm nay.

Với loạt 4 kỳ: “Những chiếc “ăng ten” vạn năng”; “Tạo chữ “đồng” từ động lực mới”; “Đổi mới để theo kịp xu thế” và “Luồng gió mới hứa hẹn thành công mới," tác phẩm đã được trao giải B.

Ý tưởng thực hiện loạt bài của nhà báo Nguyễn Thị Hoa bắt nguồn từ việc chứng kiến những cán bộ Mặt trận ở khu dân cư - những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” trên địa bàn Thủ đô luôn hết mình với những công việc tưởng như bất tận mỗi ngày, đó là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh đồng thuận trong nhân dân Thủ đô để triển khai những việc mới, việc khó, tham gia giải quyết những chuyện “nhỏ nhưng không nhỏ” cho mỗi gia đình trong ấm ngoài êm, ngõ xóm khang trang sạch sẽ...

Bên cạnh đó, cuộc "cách mạng số" trong giai đoạn hiện nay một lần nữa đòi hỏi mỗi cán bộ Mặt trận phải bắt kịp với nhịp sống thời đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. "Những người “vác tù và hàng tổng” đã và đang làm gì để công cuộc chuyển đổi số đến với mọi nhà? Họ cần có những gì để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tiến trình phát triển mới của Thủ đô và đất nước? Những câu hỏi ấy cứ trăn trở trong tôi. Quá trình thực hiện loạt bài cũng là cơ hội để tôi được trả lời cho những câu hỏi đó," nhà báo Nguyễn Thị Hoa cho biết.

Là tác phẩm đoạt giải C, loạt 5 bài: "Gắn kết tinh hoa trí tuệ, gắn kết Việt Nam và thế giới" của nhóm tác giả: Lê Diệu Thúy, Nguyễn Đức Yên; đăng trên Báo Điện tử VietNamNet là một tác phẩm báo chí khá khác biệt khi được thực hiện tại Pháp, nhân "Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024" (Vietnam Global Leaders) tổ chức cuối tháng 3/2014 tại Paris.

Theo nhà báo Lê Diệu Thúy, hoạt động là một nỗ lực minh chứng cho chiến lược về nhân tài, cho cam kết và sự chủ động của những con người Việt Nam trong việc tìm kiếm và nắm bắt cơ hội.

Với mục tiêu chuyển tải thông điệp tới độc giả về sự đổi mới, trên tinh thần thích ứng và vươn mình trong môi trường không ngừng thay đổi, khẳng định về quyết tâm của đất nước trong việc nâng cao vị thế kinh tế và hướng tới một tương lai đổi mới và hợp tác, thịnh vượng và phát triển bền vững, tuyến bài được nghiên cứu thể hiện với đa dạng hình thức gồm text, ảnh, video, emagazine… về sự kiện và các nhân vật là người Việt có tầm ảnh hưởng đã góp phần lan tỏa về một hành trình mang tên "Việt Nam-Vươn mình trong biến động"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/giai-bao-chi-vi-su-nghiep-dai-doan-ket-toan-dan-toc-mang-dam-hoi-tho-cuoc-song-post992569.vnp
Zalo