Giải 'bài toán' tồn đọng rác thải sinh hoạt ở Nghi Xuân
Huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang vào cuộc quyết liệt cùng với các doanh nghiệp xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng rác thải sinh hoạt nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
Năm 2024, việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn huyện còn nhiều bất cập. Tình trạng rác thải sinh hoạt chậm được vận chuyển đưa đi xử lý. Đặc biệt, lượng rác tồn đọng nhiều năm ở bãi rác Xuân Thành có khối lượng trên 15.000 tấn chưa được xử lý là vấn đề nan giải, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng trên, huyện Nghi Xuân chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan cùng các địa phương và các doanh nghiệp có giải pháp căn cơ để xử lý lượng rác thải tồn đọng và CTRSH mới trên địa bàn.
Theo đó, đầu năm 2025, Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Nghi Xuân tạm thời đóng cửa bãi rác ở xã Xuân Thành để tập trung xử lý lượng rác thải tồn đọng; không tiếp nhận rác thải sinh hoạt mới của 9 địa phương theo hợp đồng đã ký kết, gồm: Xuân Giang, Xuân Thành, Xuân Mỹ, Xuân Phổ, Đan Trường, Xuân Hải, Xuân Yên, thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An.
Ông Hoàng Văn Hải – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ môi trường Nghi Xuân cho biết: Việc đóng cửa bãi rác Xuân Thành từ đầu tháng 1/2025 là hết sức cần thiết để xử lý lượng rác tồn đọng "khổng lồ" trên. Công ty vừa đầu tư gần 3 tỷ đồng lắp đặt 2 hệ thống dàn máy bóc tách, phân loại rác mới, bước đầu đi vào hoạt động hiệu quả với công suất phân loại 8 tấn/giờ. Số lượng rác thải tồn đọng đang được tập trung phân loại. Đối với rác hữu cơ, sẽ được dùng để nuôi giun quế làm phân bón, thức ăn chăn nuôi; còn rác vô cơ được sản xuất thành hạt nhựa dùng để tái chế.
“Chúng tôi đang khẩn trương phủ bạt, phun chế phẩm sinh học lên bãi rác tồn đọng, đồng thời xử lý các điểm bờ rào bị sụp đổ nhằm giảm tình trạng gây ô nhiễm môi trường ra khu vực lân cận. Mỗi ngày cơ sở phân loại, xử lý được khoảng từ 100 - 150 tấn rác tồn đọng. Dự kiến sau khoảng 4 tháng, số lượng rác đang tập kết tại Xuân Thành sẽ được xử lý, nhằm đảm vệ sinh môi trường ” – ông Hải cho hay.
Trước vấn đề tạm thời đóng cửa bãi rác Xuân Thành, huyện Nghi Xuân giao cho 9 xã, thị trấn trên xây dựng dự toán, tổ chức đấu thầu lựa chọn cơ sở vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt ra khỏi địa bàn (đưa về bãi rác tại xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh theo đề án số 15/ĐA-UBND của UBND tỉnh) dự kiến hoàn thành trong tháng 1/2025.
Cùng đó, HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát (xã Cương Gián) mỗi ngày thu gom khoảng 20 tấn rác thải sinh hoạt của các xã: Cổ Đạm, Xuân Liên, Cương Gián, Xuân Hồng, Xuân Lam, Xuân Hội, Xuân Viên và Xuân Lĩnh còn lại trên địa bàn để xử lý. Trước đây, HTX sử dụng máy sàng công suất nhỏ và sử dụng công nghệ lò đốt nhưng không xử lý hết được số lượng rác của các địa phương nên bị tồn đọng hơn 300 tấn.
Theo bà Phan Thị Lý – Giám đốc HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát, để giải quyết vấn đề trên, HTX đã đầu tư hệ thống phân loại rác, xử lý rác thải cùng máy móc trang thiết bị khác trị giá 2,7 tỷ đồng. Hiện chúng tôi đã giải quyết “sạch” số lượng rác thải tồn đọng, đồng thời xử lý kịp thời rác thải sinh hoạt mới phát sinh hằng ngày của các địa phương.
Theo thống kê, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh toàn huyện Nghi Xuân là khoảng 50 tấn/ngày. Trong năm 2024, việc phân loại xử lý rác tại nguồn được huyện quan tâm chỉ đạo các địa phương, đơn vị và các tổ chức chính trị xã hội vào cuộc, Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Qua đó, chất thải hữu cơ được phân loại tại nguồn chiếm khoảng 50 – 70%, khối lượng CTRSH đem đi xử lý tại các cơ sở đã giảm trên 1/3 so với lượng rác phát sinh.
Ông Nguyễn Viết Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: Huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn, lợi ích của việc tái chế. Chỉ đạo các địa phương thành lập ban chỉ đạo công tác phân loại, thu gom CTRSH tại nguồn nhằm giảm thiểu lượng rác sinh hoạt đưa đi xử lý, xem đây là việc làm cấp bách, thường xuyên, liên tục.
Ngoài ra, các địa phương cần có chính sách hấp dẫn đối với người dân tham gia phân loại rác nhưng cũng có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi không tuân thủ quy định về phân loại rác, vứt rác bừa bãi. Xây dựng các mô hình điểm, các cộng đồng mẫu mực về phân loại rác để làm gương cho các cộng đồng khác học tập; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế rác đầu tư vào địa bàn.