Đề xuất mới về mức đóng bảo hiểm y tế
Bộ Y tế vừa trình dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó đưa ra một số mức đóng BHYT do người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng hoặc do người sử dụng lao động đóng.
Theo dự thảo Nghị định, mức đóng bảo hiểm y tế sẽ được xác định là 4,5% tiền lương tháng đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Trong đó, người sử dụng lao động sẽ đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3 mức phí này.
Các đối tượng áp dụng mức đóng này gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên. Cán bộ, công chức, viên chức có hưởng lương từ ngân sách nhà nước ôn. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam với hợp đồng lao động từ đủ mười hai tháng trở lên.
Ngoài ra, mức đóng BHYT còn áp dụng đối với các nhóm đối tượng đặc thù như người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, hợp tác xã có hưởng lương. Công nhân, viên chức quốc phòng, công an và nhân viên công tác trong cơ yếu. Chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Việc thực hiện các quy định mới của Luật BHYT không chỉ giúp tối ưu hóa việc thu chi trong hệ thống bảo hiểm mà còn mang lại nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình.
Một trong những điểm nổi bật của dự thảo là việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Theo đó, các nhóm đối tượng như trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và học sinh, sinh viên sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ mức đóng BHYT. Điều này giúp đảm bảo rằng tất cả mọi người, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, sẽ không bị bỏ lại phía sau khi cần chăm sóc sức khỏe.
Mức đóng hằng tháng của nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bao gồm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên; người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật; nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT theo quy định của Chính phủ; người được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo quy định của Luật Di sản văn hóa; nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người bằng 4,5% mức lương cơ sở do đối tượng tự đóng và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng.
Mức đóng BHYT giảm dần đối với các thành viên trong cùng một hộ gia đình. Cụ thể, người thứ nhất sẽ đóng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba và thứ tư sẽ lần lượt đóng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, và từ người thứ năm trở đi chỉ đóng 40%. Đây là một chính sách giúp giảm gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình khi tham gia BHYT.