Giải bài toán thừa, thiếu giáo viên:Tự chủ tuyển dụng gắn với tăng trách nhiệm

LTS: Thiếu giáo viên đang là vấn đề thời sự, nhất là trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Cùng với tuyển dụng giáo viên đủ về số lượng, việc đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng giáo viên nhằm bảo đảm chất lượng của chương trình mới đặt ra yêu cầu cần trao quyền tự chủ cao hơn cho ngành Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt trong khâu tuyển dụng.

Báo Hànôịmới giới thiệu loạt bài "Giải bài toán thừa, thiếu giáo viên: Tự chủ tuyển dụng gắn với tăng trách nhiệm", nhằm làm rõ thực trạng, đề xuất giải pháp tháo gỡ bất cập đối với ngành Giáo dục và Đào tạo.

Bài 1: Bất cập trong tuyển dụng giáo viên

Ở hầu hết địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo và nhà trường không phải là đơn vị chủ trì trong khâu tuyển dụng. Thực tế này khiến ngành Giáo dục khó có thể chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu giáo viên theo môn học, cấp học. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương.

Giáo viên Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) tìm hiểu, nghiên cứu việc sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Quang Thái

Giáo viên Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) tìm hiểu, nghiên cứu việc sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Quang Thái

Thừa, thiếu giáo viên cục bộ có nguy cơ kéo dài

Được triển khai từ năm học 2020-2021 với lớp 1 và thực hiện theo hình thức cuốn chiếu ở ba cấp học, năm học 2024-2025 là năm cuối cùng của chu kỳ đầu tiên ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc đổi mới giáo dục phổ thông mang lại nhiều hiệu ứng tích cực, học sinh được tập trung phát triển kỹ năng và năng lực phẩm chất, hạn chế được việc học lý thuyết nặng nề, khô khan.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vấn đề khiến hầu hết các địa phương trăn trở là tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở các môn học mới, như: Tin học, ngoại ngữ (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý (cấp trung học cơ sở), nghệ thuật (cấp trung học phổ thông). Thực tế tại Hà Nội cho thấy, nhiều trường trung học phổ thông chưa có giáo viên môn nghệ thuật để học sinh lựa chọn môn này theo quy định. Việc thiếu giáo viên dạy môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở cũng khiến các trường học gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy học, phần nào khiến cha mẹ học sinh lo lắng.

Theo kết quả khảo sát thực tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giáo viên hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 80% số lượng và chất lượng. Việc thiếu giáo viên làm ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy, hoạt động giáo dục, bố trí công tác và sắp xếp cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn theo quy định.

Năm học 2024-2025, cấp tiểu học thiếu hơn 6.600 giáo viên tin học và hơn 5.700 giáo viên ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở thiếu gần 2.400 giáo viên môn khoa học tự nhiên, gần 11.600 giáo viên môn công nghệ; cấp trung học phổ thông thiếu hơn 4.300 giáo viên môn nghệ thuật…

Trong khi đó, không ít địa phương vẫn có tình trạng thừa giáo viên ở một số trường và môn học, cấp học. Giải pháp tạm thời được các địa phương, trong đó có Hà Nội, áp dụng là tổ chức mô hình “Ngân hàng giáo viên”. Theo đó, cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp làm “trọng tài” điều tiết, sắp xếp thời khóa biểu phù hợp để phân công giáo viên ở nơi thừa đến hỗ trợ nơi thiếu giáo viên.

Theo các chuyên gia, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ có nguy cơ còn kéo dài nếu không có giải pháp căn cơ, quyết liệt và đồng bộ trong khâu tuyển dụng và sử dụng. Ngành Giáo dục và Đào tạo là đơn vị sử dụng lao động và sắp xếp, điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên theo môn học, cấp học, nhưng không phải là đơn vị chủ trì tuyển dụng, vì vậy khó chủ động trong điều phối nhân lực.

Bất cập trong khâu tuyển dụng

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao quyết định tuyển dụng và tặng hoa cho các giáo viên trúng tuyển viên chức ngành Giáo dục Hà Nội năm 2023.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao quyết định tuyển dụng và tặng hoa cho các giáo viên trúng tuyển viên chức ngành Giáo dục Hà Nội năm 2023.

Ngành Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng giảng dạy, học tập cũng như kết quả giáo dục học sinh, tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ lại không thuộc quyền quản lý của ngành.

Trong một số lần phát biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã thẳng thắn chia sẻ: Ngành Giáo dục và Đào tạo “nắm” tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: Giáo viên và tài chính. Vì không “nắm” được giáo viên, nên vai trò lớn nhất của ngành trong khâu tuyển dụng chỉ là đề xuất, kiến nghị, vì vậy thường bị động, không thể điều phối được nguồn nhân lực làm việc trong ngành. Thực tế này cũng dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Dẫn chứng, trước tình trạng quy mô học sinh ngày càng gia tăng, số lượng giáo viên ngày càng thiếu, ngành Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị cần bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”. Căn cứ đề xuất, kiến nghị này, Bộ Nội vụ đã tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho ngành Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn 2022-2025. Dù có cơ chế, chính sách cho bổ sung nguồn lực, nhưng nhiều địa phương lại không tuyển dụng được, hoặc không dám tuyển vì lo ngại rằng, khi tuyển dụng được nhân lực lại phải giảm biên chế.

Thực tế, ngành Nội vụ là cơ quan quản lý giáo viên, cũng là cơ quan chủ trì tuyển dụng giáo viên; còn ngành Giáo dục và Đào tạo là đơn vị sử dụng giáo viên. Khác với việc tuyển dụng công chức, viên chức các ngành, việc tuyển dụng giáo viên căn cứ vào đề án vị trí việc làm; định mức giáo viên ở từng cấp học; chương trình giáo dục, đào tạo; quỹ tiền lương… Theo các chuyên gia cũng như cán bộ quản lý giáo dục, việc để cơ quan không sử dụng lao động chủ trì tuyển dụng cho đơn vị sử dụng lao động dẫn đến nhiều bất cập, chất lượng nguồn tuyển đôi khi chưa được như mong muốn.

Hiện nay, giáo viên cấp trung học phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý; giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do quận, huyện, thị xã quản lý. Thông thường, UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch, chỉ tiêu, phương thức tuyển dụng, nhưng việc tổ chức tuyển dụng ở mỗi nơi lại khác nhau.

Tại Hà Nội, UBND cấp huyện chủ trì tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Phòng Nội vụ quận, huyện, thị xã là cơ quan thường trực thực hiện toàn bộ quy trình tuyển dụng; phía các nhà trường nhận bàn giao nhân lực sau khi giáo viên trúng tuyển. Trong khi đó, với cấp trung học phổ thông, việc tuyển dụng giáo viên do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức. Thực tế vài năm qua cho thấy, giáo viên được tuyển dụng về các trường trung học phổ thông đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp.

Thực tế cũng cho thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục nhưng lại không có quyền trong những quyết định liên quan đến hai nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức thực hiện nhiệm vụ, trong đó có nguồn lực về con người. Điều này lý giải vì sao bài toán xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu đến nay vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng.

(Còn nữa)

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giai-bai-toan-thua-thieu-giao-vien-tu-chu-tuyen-dung-gan-voi-tang-trach-nhiem-692941.html
Zalo