Giải 'bài toán' công nghệ để đưa HTX làng nghề hội nhập quốc tế

Các làng nghề truyền thống với sự dẫn dắt của các HTX muốn vươn ra 'biển lớn' phải tháo gỡ được những 'nút thắt' trong ứng dụng công nghệ, đưa những giá trị truyền thống phát triển trong thời đại 4.0.

Việc làng nghề lụa Vạn Phúc và làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội) được chính thức được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới cho thấy các làng nghề truyền thống vươn tầm quốc tế phải có sự tổ chức, phát triển bài bản. Và một trong những điều cần thiết đó chính là khai thác đúng và hiệu quả hai chữ “thủ công”: “thủ” là phát triển kỹ thuật, kỹ năng làm nghề; “công” là ứng dụng công nghệ.

Gặp khó trong ứng dụng công nghệ

Ông Trần Đức Tân, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh Gốm sứ Tân Thịnh (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết một trong những thành công của gốm sứ Bát Tràng là ứng dụng công nghệ vào sản xuất và nâng cao tay nghề cho người làm gốm. Minh chứng rõ nét là những hộ, đơn vị làm gốm ở Bát Tràng không còn sử dụng than, củi để nung gốm.

Tuy chưa được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới nhưng với sự đẩy mạnh trong quảng bá bằng các ứng dụng hiện đại như đưa sản phẩm và video về hoạt động sản xuất lên ứng dụng VNeID, mạng xã hội đã giúp HTX Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến (Hà Nam) gắn với phát triển du lịch theo chuỗi giá trị, và giúp làng lụa Nha Xá có mức doanh thu gần 100 tỷ đồng mỗi năm.

Thế nhưng, thực tế dù đã có những làng nghề mạnh dạn đổi mới, ứng dụng công nghệ trên nền tảng của các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng, vẫn còn không ít HTX, làng nghề đang gặp khó khăn trong ứng dụng công nghệ, nên khó tiếp cận khách hàng, xuất khẩu.

Cân bằng giữa truyền thống và hiện đại là điều mà các HTX cần lưu tâm trong quá trình đi ra "biển lớn".

Theo Sở NN&PTNT Hà Nam, ngay như làng nghề trống Đọi Tam dù đã mở rộng sang sản xuất một số sản phẩm nhưng hầu hết các công đoạn sản xuất, tiêu thụ vẫn còn nặng yếu tố truyền thống, nên thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong nước, khó xuất khẩu.

Giới chuyên gia cho rằng, không ít làng nghề, HTX làng nghề đang khó khăn trong ứng dụng khoa học công nghệ nên vấn đề ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm truyền thống chưa cao. Trong khi mỗi làng nghề lại cần một máy móc, công nghệ khác nhau để giải quyết vấn đề này vì chất thải phát sinh từ các làng nghề rất khác nhau.

Bên cạnh đó, các làng nghề, HTX làng nghề truyền thống vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bởi, hiện nay, với sự phát triển của nền kinh tế và công nghiệp hiện đại, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, các sản phẩm công nghiệp giá rẻ, tiện lợi thường được ưa chuộng hơn. Làm sao để cân bằng được yếu tố hiện đại và truyền thống cũng là bài toán khó đối với không ít HTX, làng nghề vì phải tìm ra điểm cân bằng giữa hai yếu tố này.

Ông Tăng Tiến Huỳnh, Giám đốc HTX sản xuất mây tre đan Thắng Lợi (Nghệ An) cho biết khó khăn hiện nay của nhiều HTX làng nghề vẫn là thiếu nguồn lao động trẻ. Ngay như tại HTX Thắng Lợi, khoảng 80% lao động hiện là người lớn tuổi. Một khi thiếu nguồn lao động trẻ thì khâu ứng dụng công nghệ trong thời kỳ mạng 4G-5G của các HTX vẫn còn hạn chế.

Cũng chính vì lý do đó mà khi đến làng nghề gốm Phù Lãng ở Bắc Ninh vẫn thấy phương pháp truyền thống là dùng than, củi để nung gốm được sử dụng rất nhiều. Thời gian “làm chín” mỗi mẻ lên đến 3-5 ngày, lượng khí thải độc hại mà mỗi mẻ nung gốm tại làng nghề lên khoảng 2,5 tấn.

Trong khi để xuất khẩu được những mặt hàng thủ công mỹ nghệ thuận lợi và tham gia được Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới, các HTX, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải vượt qua được những hàng rào kỹ thuật về yếu tố môi trường, đảm bảo đời sống của thành viên, người lao động, hay bảo đảm tiêu chí về tiếng ồn, sở hữu trí tuệ…

Cần chính sách đồng hành

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Minh Tiến cho biết, nhìn sang Trung Quốc, không chỉ những quả trứng của họ được bán online hiệu quả mà các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cũng được bán online lên đến 95%. Chỉ còn một phần nhỏ sản phẩm này được bán trực tiếp cho khách du lịch khi đến thăm các làng nghề và các điểm phân phối ở địa phương. Trong khi hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dù có chất lượng không kém cạnh nhưng chủ yếu tiêu thụ trong nước vì chưa tận dụng hết tiềm năng của kênh bán hàng online.

Một trong những căn nguyên của vấn đề trên là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam chưa thực sự đa dạng mẫu mã. Vì ngoài các sản phẩm có kích thước lớn, giá trị cao chỉ dùng để thưởng thức, trưng bày thì cũng cần có những sản phẩm mang tính ứng dụng cao, phù hợp với nhiều nhu cầu, hoàn cảnh của người tiêu dùng. Nhiều HTX, làng nghề sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường nhưng chưa biết phân nhóm nhỏ cho sản phẩm theo thể loại, công dụng sản phẩm, hoàn cảnh sử dụng nên khó xác định được đối tượng khách hàng.

“Chẳng hạn như việc xác định được bộ ấm chén bằng gốm ở Bát Tràng phù hợp để pha trà ô long ở Lâm Đồng hơn pha trà ở Thái Nguyên cũng là cách giúp HTX thủ công mỹ nghệ tạo được sự đặc sắc cho sản phẩm khi bán hàng online”, ông Nguyễn Minh Tiến dẫn chứng.

Đặc biệt, sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, thiếu nhân lực kế thừa nghề truyền thống cũng là nguyên nhân khiến các làng nghề khó tiếp cận khoa học công nghệ. Và việc chỉ còn những nghệ nhân lớn tuổi làm nghề khiến cho họ gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, từ đó khó tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, doanh thu của các làng nghề hiện là khoảng 75 nghìn tỷ đồng. Quy mô thị trường thủ công mỹ nghệ Việt Nam được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng vào khoảng 8,7% trong giai đoạn 2024 - 2032, cho thấy dư địa của ngành hàng thủ công mỹ nghệ còn rất lớn.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Đào tạo Phát triển Làng nghề Việt Nam Cao Bích Thủy cho rằng chưa có chiến lược marketing rõ ràng, chưa áp dụng các công cụ marketing hiện đại, chưa đầu tư công nghệ tiên tiến khiến các HTX, làng nghề rất khó hội nhập quốc tế và làm nổi bật được giá trị từ các sản phẩm truyền thống trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão. Cũng vì chưa ứng dụng công nghệ nên các HTX, làng nghề mới khó nắm bắt thông tin thị trường quốc tế, khó đổi mới sản phẩm.

Do đó, cần hoàn thiện chính sách về làng nghề để các HTX, làng nghề tiếp cận được với những cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp để đầu tư công nghệ, trong đó có tiếp cận các hình thức bán hàng trực tuyến để tiết kiệm chi phí, nâng hiệu quả trong tiêu thụ.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/giai-bai-toan-cong-nghe-de-dua-htx-lang-nghe-hoi-nhap-quoc-te-1104902.html
Zalo