'Giấc mơ Việt Nam' tại xóm lao động châu Phi
Tréo ngoe cảnh đi xuất khẩu lao động để gửi tiền về cho gia đình, nhiều người tiếp tục phải cầu viện cứu trợ từ gia đình để có tiền duy trì cuộc sống nơi đất khách quê người hoặc cố gắng trở về quê.
Cứ khoảng 7-8 giờ sáng mỗi ngày, Eleagu (30 tuổi) lại cầm một chiếc ba lô nhỏ đi khắp nơi trên địa bàn phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) và một số khu vực lân cận. Anh đi chậm rãi để dò xem có việc gì xin làm, may mắn thì có người gọi vào thuê. Nhưng hôm nay không có ai, dù Eleagu sẽ làm gần bất cứ công việc gì nếu có người nhận, từ rửa bát, bốc vác, đến dọn dẹp.
Việc làm phập phù thậm chí thất nghiệp nhiều tháng, không có một nguồn kinh phí nào để trang trải cuộc sống đang là tình trạng chung của rất nhiều người châu Phi tại phường Tứ Liên này.
"Vỡ mộng" đổi đời
Tại một quán nước Eleagu đã đi qua, một thợ thi công công trình tên C. đang nhắn tin chỉ đường cho hai người châu Phi khác đến gặp mình để trao đổi công việc. Anh này đang cần người giúp vận chuyển khoảng 40 tấm cemboard lên các tầng tại một ngôi nhà đang sửa.
Sau khoảng 30 phút chờ đợi, hai thanh niên châu Phi đã có mặt và yêu cầu mức phí 1,5 triệu đồng tiền công để nhận việc. "Nếu thuê người Việt thì tốn 3 triệu đồng rồi," anh C. cho biết.
Qua tìm hiểu, những người châu Phi sang Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau. Một số cho biết đến Việt Nam để vừa du lịch vừa làm, hy vọng kiếm thêm kinh phí. Những người này thuê trọ ở cùng một nhà với giá rẻ, chấp nhận ngủ trên các giường tầng chật chội. Bù lại, họ sẽ được chủ nhà kết nối tìm giúp những công việc thời vụ trong ngày.
Một bộ phận khác đến Việt Nam với mong muốn định cư lâu dài, hy vọng có thể "đổi đời" nhờ điều kiện sống và làm việc tốt hơn so với tại quê nhà. Đáng nói, đây lại là "bẫy tâm lý" khiến nhiều người lao động châu Phi "tiền mất, tật mang" khi sang Việt Nam.
Eleagu là một ví dụ điển hình. Anh mất 3.000 USD - số tiền gia đình anh đã phải vay mượn nhiều nơi mới gom đủ - cho một bên trung gian tại Nigeria để xin visa đến Việt Nam. Eleagu sang đây bằng visa du lịch, được hứa hẹn sẽ có hỗ trợ đổi sang visa lao động để đi làm. Kết quả là anh tiếp tục mất thêm một số tiền khác, trên hộ chiếu cũng không có gì thay đổi.
Hiện tại, visa của Eleagu đã hết hạn 2 tháng. Công việc duy nhất anh từng có thực chất là đề nghị dọn dẹp vườn giúp người dân trồng đào, quất tại Tứ Liên sau đợt bão hồi tháng 9 vừa qua, với thù lao là 50.000 đồng/giờ. "Chúng tôi cần giấy phép lao động mới có thể được làm việc và kiếm tiền," Eleagu nói.
Cũng thuê trọ trên phố Tứ Liên, người đồng hương của Eleagu là Chris (28 tuổi) cho biết số tiền anh bỏ ra còn lên đến 10.000 USD. "Người làm visa hứa hẹn với tôi điểm đến là Nhật Bản, nhưng khi nhận giấy tờ lại là Việt Nam," Chris cho biết.
Theo lời kể của Chris, khi mới đến Hà Nội, anh được một số người Việt giới thiệu cho một công việc kiểm đếm kho tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 3 tháng "Nam tiến," visa của Chris hết hạn nên chủ lao động dừng hợp đồng làm việc, anh trở lại Hà Nội sống "vật vờ" và đến nay vẫn chưa thể kiếm được việc.
Có hôm ngồi tiếp chuyện với phóng viên, Chris không ngừng kiểm tra điện thoại. Anh nói 20 phút nữa phải đi, chỉ chờ cú điện thoại từ chủ thuê là sẽ khởi hành tức tốc. Nhưng 30 phút trôi qua, Chris không nhận được cuộc gọi nào, anh nói đã quen chuyện này nhưng giọng vẫn trùng xuống sau đó.
Những visa hết hạn
Thấy có phóng viên đến ghi nhận tình hình, Fodalc, một thanh niên 26 tuổi từ Nigeria vội vã kể chuyện. Anh này kể đã mất 3.000 USD cho người làm visa tại Nigeria để đến Việt Nam hồi tháng 11/2023. Cầm visa du lịch, anh cũng không thể xin việc làm giống như nhiều người khác.
Trong gần một năm ở đây, đã có lúc Fodalc tưởng như tìm được lối thoát. Anh kể vào tháng 2/2024, vài tháng trước thời điểm visa của anh hết hạn, một người đàn ông xưng là chủ trung tâm tiếng Anh hẹn gặp một số người lao động châu Phi. Người này nói sẽ tìm cách kiếm giấy tờ lao động để họ được làm việc tại trung tâm của mình và hứa hẹn sẽ giúp chuyển đổi từ visa du lịch thành visa lao động.
Nhưng để hoàn thành thủ tục thì những người châu Phi này cần đặt cọc một số tiền và phải đi sang Campuchia rồi trở lại. “Tôi và một số người khác đã đặt cọc 350 USD,” Fodalc nói. “Khi ở Campuchia tôi chờ hết tuần đầu tiên rồi đến tuần thứ hai, tuần thứ ba nhưng không nhận được thông tin gì cả. Sau đó tôi trở lại Việt Nam với visa du lịch. Khi đó tôi biết mình đã mất toàn bộ số tiền.”
Liên hệ qua Whatsapp, Fodalc mất liên lạc hoàn toàn khi người đàn ông kia xóa thông tin liên hệ. Mọi bằng chứng liên quan cũng biến mất.
Tréo ngoe tình cảnh đi xuất khẩu lao động để gửi tiền về cho gia đình, nay anh trở thành gánh nặng của những người ở quê nhà. Fodalc từng phải mượn tiền gia đình để tới Việt Nam, mong muốn sẽ kiếm đủ tiền trả lại. Nhưng sau 2 lần bị lừa anh đã hết sạch tiền, giờ chính gia đình lại phải gửi thêm giúp anh từ Nigeria.
Cũng tại nhà trọ của Fodalc có gia đình của Manfred. Không như những người đồng hương khác, Manfred không bị lừa sang Việt Nam lao động mà chủ động đưa 8 người con rời Nigeria để sang Việt Nam sinh sống. Các con của Manfred gồm 5 trai, 3 gái, tuổi từ 1-16.
Trái với nhiều hoàn cảnh phải di cư để kiếm việc làm tốt hơn, Manfred cho biết anh từng kinh doanh bất động sản tại quê nhà ở Nigeria. Do có chút “của ăn của để” nên anh quyết định sang Việt Nam để gia đình có môi trường an toàn và các con được hưởng nền giáo dục tốt hơn.
Manfred cho biết anh đã bán hết của cải ở quê nhà để gom tiền sang Việt Nam. Tuy nhiên khi sang đến đây, anh lại gặp phải một số khó khăn về giấy tờ nhập cư. Hiện visa hết hạn, không có giấy phép lao động, anh không thể kiếm việc, các con đã nhiều tháng nay cũng bị gián đoạn việc học tập.
Số tiền gia đình anh tích cóp mang từ Nigeria sang cũng bị lừa lấy mất. Manfred cho biết anh có nhờ một số người Việt quen biết đổi 50.000 USD để trả tiền thuê nhà, mua sắm đồ dùng gia đình và đóng học cho con cái nhưng số tiền này đã bị lừa lấy gần hết.
May mắn là, một số người hàng xóm biết chuyện nên đã thường xuyên ủng hộ đồ ăn, quần áo để hỗ trợ cho các bé. Hiện nay gia đình Manfred đang được chủ nhà hỗ trợ cho ở không mất tiền đồng thời hướng dẫn làm các giấy tờ để làm việc với cơ quan quản lý để xử lý tình hình./.