Giá xăng có thể tiếp đà tăng vào phiên điều hành chiều 9/1
Dự báo trong phiên điều hành thứ hai của năm mới 2025, giá xăng dầu trong nước có thể tiếp tục tăng nhẹ, với mức tăng từ 330-500 đồng/lít, tùy loại.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thế giới tuần qua xác lập tuần tăng thứ hai liên tiếp, với dầu Brent tăng 2,34 USD, dầu WTI tăng 3,36 USD.
Sang tuần này, giá dầu thế giới giảm nhẹ ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần (ngày 6/1), cắt đứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp. Sự lao dốc của giá dầu trong phiên này chịu tác động bởi một số tin tức kinh tế không mấy tích cực từ Mỹ và Đức, bất chấp yếu tố hỗ trợ đến từ sự suy giảm của đồng USD và dự báo nhu cầu sưởi ấm tăng do bão mùa đông.
Ở phiên giao dịch thứ hai của tuần (ngày 7/1), giá dầu đảo chiều tăng khoảng 1% do lo ngại nguồn cung hạn chế từ Nga và Iran và dự kiến nhu cầu cao hơn từ Trung Quốc.
Đầu phiên giao dịch 8/1, giá dầu thế giới tiếp tục tăng do lo ngại nguồn cung hạn chế từ Nga và Iran.
Theo dữ liệu từ Oilprice ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 8/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent đứng ở mức 77,05 USD/thùng, tăng 0,98%; giá dầu WTI ở mức 74,68 USD/thùng, tăng 0,58% so với phiên liền trước.
Còn tại thị trường Singapore, giá xăng thành phẩm bình quân trong kỳ vừa qua tăng nhẹ, gần như đi ngang so với kỳ trước. Theo cập nhật mới nhất đến ngày 7/1, giá xăng RON 92 đứng ở mức 83,15 USD/thùng, tăng 1 USD; giá xăng RON 95 tăng 0,44 USD, đứng ở mức 85,84 USD/thùng; giá dầu diesel tăng 0,6 USD so với thời điểm kỳ điều hành trước (ngày 26/12), ở mức 91,14 USD/thùng.
Do đó, dự báo tại kỳ điều hành chiều mai 9/1, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ Bình ổn, giá xăng trong nước có thể tăng nhẹ từ 330-500 đồng/lít; còn giá dầu diesel có khả năng tăng khoảng 470-520 đồng/lít.
Trong trường hợp cơ quan điều hành chi Quỹ Bình ổn, giá xăng dầu có thể tăng ít hơn.
Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng RON 95 sẽ có phiên tăng thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm 2025. Trong năm 2024, giá xăng trong nước đã trải qua 52 phiên điều chỉnh, trong đó có 26 phiên giảm, 21 phiên tăng và 5 phiên trái chiều.
Tại kỳ điều hành gần nhất chiều 2/1, phiên điều hành giá đầu tiên của năm mới 2025, cơ quan quản lý quyết định điều chỉnh tăng giá đồng loạt các mặt hàng xăng dầu trong nước.
Cụ thể, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng 240 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, giá bán mới của mặt hàng này là 20.057 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 199 đồng, giá bán mới là 20.746 đồng/lít.
Tương tự, giá các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng đồng loạt, với dầu diesel tăng 125 đồng, giá bán mới là 18.755 đồng/lít; dầu hỏa tăng 126 đồng, giá bán mới là 18.834 đồng/lít; dầu mazut tăng 129 đồng, giá bán không cao hơn 16.099 đồng/kg.
Cũng tại kỳ điều hành chiều 2/1, cơ quan điều hành quyết định không trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, không chi sử dụng quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Tổng kết công tác quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng dầu năm 2024
Trong một diễn biến liên quan, chiều 7/1 vừa qua, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Phan Văn Chinh cho biết, trong năm 2024, Vụ luôn theo dõi bám sát tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước để có phương án chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 01 ngày 2/1/2024 triển khai Công điện số 1437 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu, nguồn cung xăng dầu trong nước luôn được bảo đảm.
Về công tác điều hành giá xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định trong việc tính toán, xác định, điều hành giá tại các Nghị định về kinh doanh xăng dầu; các Thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày theo Nghị định số 80/2023, giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, cùng với các loại chi phí kinh doanh xăng dầu được cập nhật kịp thời, đã tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng đầy đủ nhu cầu cho thị trường nội địa," Vụ trưởng Phan Văn Chinh nói.
Năm 2024, Vụ Thị trường trong nước cũng đã chủ trì thực hiện kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh với 6 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và 10 thương nhân phân phối xăng dầu, trong đó, có 3 thương nhân phân phối xăng dầu xin trả giấy phép. Vụ còn thực hiện rà soát việc cấp giấy chứng nhận đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu. Các thông tin được cung cấp minh bạch trên Cổng Thông tin Bộ Công Thương.
"Nếu năm 2023, cả nước có 35 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu bao gồm cả nhiên liệu hàng không thì đến thời điểm hiện tại, con số này còn khoảng 27 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và 4 thương nhân kinh doanh nhiên liệu hàng không. Cuối năm 2023, có hơn 330 thương nhân phân phối xăng dầu thì đến nay, còn 273 thương nhân phân phối xăng dầu," ông Chinh thông tin.
Liên quan đến công tác theo dõi thi hành pháp luật của các doanh nghiệp, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường thông tin, năm 2024, riêng đối với mặt hàng xăng dầu, Tổng cục đã kiểm tra 2.314 vụ với số tiền xử phạt khoảng 12 tỷ đồng. Trong đó, riêng số vụ việc mà Vụ Thị trường trong nước chuyển sang cho Tổng cục đề nghị xử lý là 4 thương nhân (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối); xác minh 24 vụ, xử lý 14 vụ, 1 vụ thu hồi giấy phép.