Nâng cấp hệ thống giao thông kết nối thành phố biển và thành phố hoa

Từ cuối tháng 12/2024, Quốc lộ 27C đoạn đèo Khánh Lê nối 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng được thông xe 2 làn sau nửa tháng bị gián đoạn vì sạt lở. Đèo Khánh Lê cao 1.700m, địa hình phức tạp dễ xảy ra sạt lở vào mùa mưa. Vậy đâu là giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng gián đoạn giao thông trên tuyến huyết mạch nối 2 đô thị du lịch Nha Trang và Đà Lạt.

Cách đây không lâu, vào rạng sáng 15/12, do mưa lớn kéo dài, Quốc lộ 27C đoạn qua đèo Khánh Lê xảy ra sạt lở nghiêm trọng, với 10 điểm sạt lở hơn 100.000m3 bùn đất tràn xuống mặt đường, gây hư hỏng nhiều công trình giao thông, hộ lan, đường cứu hộ… Hơn 300 người dân và du khách, 50 phương tiện đã bị mắc kẹt trên đèo cao trong điều kiện mưa lớn, gió lạnh, sương mù.

Lãnh đạo 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng huy động tối đa lực lượng để giải cứu. Sau nhiều nỗ lực của hàng trăm công nhân, thiết bị thu dọn, nổ mìn phá đá, gần 10 ngày sau tuyến đường này mới được thông xe 2 chiều nhưng vẫn phải đóng đường vào ban đêm.

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông trên Quốc lộ 27C do ảnh hưởng của mưa lớn gây ra.

Thi công khắc phục sạt lở đèo Khánh Lê

Thi công khắc phục sạt lở đèo Khánh Lê

Ông Tạ Thanh Tình, Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ III.3, Khu Quản lý đường bộ III cho biết, Quốc lộ 27C là một trong những tuyến đường nguy hiểm tại miền Trung và Tây Nguyên, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Hiện nay, đang mưa bất thường, rất nhiều rủi ro nên chúng tôi khuyến cáo bà con hạn chế đi lại tuyến đường nguy hiểm, tránh sụt, trượt bất ngờ, ảnh hưởng tính mạng và sức khỏe. Đây là vùng đặc thù, giao thoa giữa biển và núi, độ cao giữa Đà Lạt chênh thấp phía biển Nha Trang, giao cắt ngay tại đèo Khánh Lê. Ở đây không được phân chia 4 mùa rõ rệt, mưa không theo mùa nên không thể đoán định được sụt, trượt”, ông Tình thông tin.

Thông xe qua đèo Khánh Lê, tỉnh Khánh Hòa

Thông xe qua đèo Khánh Lê, tỉnh Khánh Hòa

Đèo Khánh Lê giáp ranh huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa và huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đèo cao 1.700m, Quốc lộ 27C dài gần 30 km, với rất nhiều đoạn cheo leo, hiểm trở có nhiều khúc cua gấp và vực sâu. Đèo đi qua địa hình rừng núi, địa chất phức tạp nên rất nhiều lần xảy ra sạt lở.

Ông Lê Thuận Đoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa cho biết, do địa hình phức tạp, mùa mưa, đơn vị chia thành từng nhóm phương tiện, nhân lực túc trực, rải đều trên các điểm đèo, sẵn sàng khắc phục sự cố.

“Khi có thông tin mưa, bão, các đơn vị phải ứng trực nhân lực và thiết bị 24/24 trên tuyến, đến khi thời tiết ổn định mới làm công việc khác. Điện thoại có một số vị trí không có sóng. Sụt trượt chỗ ta luy âm của đoạn này lại là taluy dương cung đường phía dưới, việc dọn dẹp sạt lở rất khó khăn, thi công trong điều kiện rất nguy hiểm, phải lựa chọn theo thế, theo địa hình”, ông Lê Thuận Đoàn nói.

Quốc lộ 27C là một trong những tuyến đường nguy hiểm tại miền Trung và Tây Nguyên, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Quốc lộ 27C là một trong những tuyến đường nguy hiểm tại miền Trung và Tây Nguyên, tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trước đây, giữa 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng chưa có tuyến đường kết nối trực tiếp, lưu thông giữa 2 tỉnh phải qua đèo Ngoạn Mục, tỉnh Ninh Thuận với chiều dài hơn 200km. Hơn 20 năm trước, nhu cầu giao thương, kết nối vùng, phát triển du lịch tăng cao, lãnh đạo 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đã mở tuyến đường mới vượt đèo Khánh Lê. Tuyến đường này được mệnh danh là “cung đường nối biển và hoa”.

Ông Phạm Văn Chi, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tuyến đường là mong ước từ lâu của người dân 2 tỉnh nhưng do điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn nên mãi năm 2004 mới triển khai, khai thác vào năm 2007. Tuyến đường đã kết nối, đánh thức vùng hẻo lánh của 2 địa phương.

Cũng theo ông Phạm Văn Chi, do kinh phí hạn hẹp nên tuyến đường chưa được đầu tư bài bản, chưa đảm bảo an toàn giao thông.

“Lúc đó, vì nguồn kinh phí hạn hẹp nên khi phá ta luy không phá được nhiều nấc, chỉ làm theo hướng thẳng vát lên. Muốn đảm bảo an toàn thì chia ta luy ít nhất 3 tầng, không bao giờ sạt lở. Kinh phí có hạn chỉ cần mở được tuyến đường đã mừng lắm rồi. Giúp liên kết vùng, nối thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Nha Trang rất gần, tiết kiệm được thời gian”, ông Chi nói.

Thi công khắc phục sạt lở Quốc lộ 27C đoạn qua đèo Khánh Lê, tỉnh Khánh Hòa

Thi công khắc phục sạt lở Quốc lộ 27C đoạn qua đèo Khánh Lê, tỉnh Khánh Hòa

2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đang có cơ hội liên kết, tạo nên thị trường du lịch rất lớn, đa dạng nhưng đến nay, tuyến Quốc lộ 27C đã bộc lộ những bất cập. Chính quyền 2 địa phương đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ, đảm bảo an toàn, hạn chế sạt lở tuyến Quốc lộ này. Về lâu dài cần làm tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt dài gần 81km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 25 ngàn tỉ đồng theo phương thức đối tác công tư, cho phép triển khai dự án trước năm 2030.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Tuyến cao tốc được xây dựng sẽ rút ngắn một nửa thời gian đi giữa 2 thành phố này và là động lực để phát triển du lịch, vận tải từ Tây Nguyên đến ven biển.

"Từ thành phố Nha Trang lên thành phố Đà Lạt chỉ hơn 130km nhưng rất trắc trở, vừa rồi, lại có sạt lở đèo Khánh Lê. Phải giải cho được bài toán kết nối giữa thành phố biển và thành phố hoa. Tuyến cao tốc 81 km từ thành phố Nha Trang lên thành phố Đà Lạt, UBND tỉnh Khánh Hòa đang phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng quyết tâm xúc tiến. Hiện nay, đã xác định được tổng vốn chỉ còn vấn đề là thu xếp tỷ lệ giữa Nhà nước và tư nhân. Nếu hoàn thành, toàn bộ du khách sẽ đi cao tốc lên thẳng Đà Lạt”, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết.

Thái Bình/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nang-cap-he-thong-giao-thong-ket-noi-thanh-pho-bien-va-thanh-pho-hoa-post1147517.vov
Zalo