Giá vàng 'xô đổ' kỷ lục đạt được vào cuối tháng 8 trong tuần qua
Tuần qua, giá vàng đã 'xô đổ' kỷ lục đạt được vào cuối tháng 8 và liên tiếp chinh phục các mốc mới khi kỳ vọng một động thái mạnh mẽ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng tăng cao.
Giá vàng trong nước
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng ngày 15/9 tiếp tục neo tại mốc 80,5 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn các thương hiệu trong nước neo trên 79 triệu đồng/lượng. Hiện tại giá vàng các thương hiệu đang niêm yết cụ thể như sau:
Vàng miếng SJC đang được các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 80,5 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua, giá vàng các thương hiệu được niêm yết ở mức 78,5 triệu đồng/lượng.
Đối với vàng nhẫn, giá vàng SJC 9999 niêm yết lần lượt ở mức 77,8 triệu đồng/lượng mua vào và 79,1 triệu đồng/lượng bán ra. DOJI tại thị trường Hà Nội và Tp.HCM giữ nguyên mức giá mua và bán của rạng sáng qua là 77,9 triệu đồng/lượng mua vào và 79,1 triệu đồng/lượng bán ra. Tại thương hiệu PNJ, giá mua và giá bán vàng nhẫn neo ở mức 77,95 triệu đồng/lượng và 79,1 triệu đồng/lượng.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn neo ở mốc 77,88 triệu đồng/lượng mua vào và 79,08 triệu đồng/lượng bán ra. Phú Quý SJC đang thu mua vàng nhẫn mức 77,8 triệu đồng/lượng và bán ra mức 79,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới
Tuần qua, giá vàng đã “xô đổ” kỷ lục đạt được vào cuối tháng 8 và liên tiếp chinh phục các mốc mới khi kỳ vọng một động thái mạnh mẽ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng tăng cao. Các chuyên gia cho rằng, kim loại quý này đã trải qua một chặng đường dài và đầy trở ngại, và quyết định chính sách tiền tệ sắp tới sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một hành trình mới.
Theo các nhà phân tích của TD Securities, ngoài quyết định lãi suất và cuộc họp báo của Chủ tịch Fed Powell, thông tin quan trọng nhất trong tuần tới được thị trường chờ đợi là biểu đồ dấu chấm (biểu đồ thể hiện kỳ vọng của các thành viên của Ủy ban thị trường mở Liên bang Mỹ về mức lãi suất). Các dấu hiệu ôn hòa sẽ là chất xúc tác cho vàng. Ngược lại, nếu Fed vẫn tiếp tục quan điểm "diều hâu", kim loại quý này sẽ "lao dốc không phanh".
Ngoài cuộc họp của Fed, quyết định lãi suất của các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Anh, Ngân hàng Canada và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng được cho là sẽ có tác động đến hướng đi của vàng. Tuần qua, ECB đã quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ 2 và các nhà phân tích dự kiến sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm nữa trong các cuộc họp tới.
Khi lãi suất giảm trên toàn thế giới, lợi suất thực tế toàn cầu cũng giảm, điều này đang tác động đến giá vàng. Một số ý kiến cho rằng, đợt tăng trong tuần này của vàng cũng một phần liên quan đến quyết định lãi suất của ECB.
Trong bài viết của mình trên Kitco News, chuyên gia Neils Christensen cho rằng, vàng có thể sẽ chứng kiến một số áp lực chốt lời vào tuần tới nếu Fed quyết định mức giảm 25 điểm cơ bản. Tuy nhiên, ông cho rằng, đợt tăng giá dài hạn của vàng mới chỉ bắt đầu.
Với giá vàng trong nước ổn định và giá vàng thế giới neo ở mức 2.578,7 USD/ounce (tương đương gần 76,9 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là khoảng 3,6 triệu đồng/lượng.