Đơn hàng mới của nhiều nhà máy tại Việt Nam sụt giảm

Trong tháng 1, hoạt động sản xuất ở các nhà máy trên khắp châu Á chậm lại vì nhu cầu suy giảm ngay trước khi Tổng thống Donald Trump khởi động chiến dịch áp thuế quan với Mexico, Canada và Trung Quốc. Tại Việt Nam, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tiếp tục giảm, xuống còn 48,9 điểm khi đơn hàng mới của các nhà máy giảm lần đầu tiên sau 4 tháng.

Nhân viên kỹ thuật làm việc ở một dây chuyền lắp ráp xe điện của hãng Nio ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Nhân viên kỹ thuật làm việc ở một dây chuyền lắp ráp xe điện của hãng Nio ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu của S&P Global Market Intelligence, PMI của ngành sản xuất ở phần lớn các nền kinh tế xuất khẩu ở châu Á đều giảm trong tháng trước.

Tại Đông Nam Á, chỉ số PMI tháng 1 giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng là 50,4 điểm từ mức 50,7 điểm trong tháng 12-2024. Chỉ số PMI trên 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất mở rộng và thể hiện sự sụt giảm nếu dưới 50 điểm.

S&P Global cho biết, hoạt động mua nguyên vật liệu đầu vào của các nhà máy ở Đông Nam Á chậm lại ở mức thấp nhất trong ba tháng. Maryam Baluch, chuyên gia kinh tế của S&P Global giải thích, điều này là do cả đơn đặt hàng mới và sản lượng đều tăng chậm lại trong bối cảnh xuất khẩu suy yếu.

Tại Việt Nam, chỉ số PMI tiếp tục giảm, xuống còn 48,9 điểm khi đơn hàng mới của các nhà máy giảm lần đầu tiên sau 4 tháng. Riêng đơn hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, còn giá bán hàng giảm lần đầu tiên trong 9 tháng. Các nhà sản xuất ở Việt Nam cũng tiếp tục cắt giảm việc làm, với số lượng nhân sự giảm trong tháng thứ tư liên tiếp.

“Các nhà sản xuất Việt Nam đã có khởi đầu đáng thất vọng trong năm 2025, với nhu cầu yếu dẫn đến lượng đơn hàng mới và sản lượng tiếp tục giảm và cắt giảm việc làm đáng kể hơn. Tuy nhiên, tình hình giá cả đã có phần dịu đi khi tốc độ tăng chi phí chậm lại, từ đó cho phép các công ty giảm giá bán hàng để thúc đẩy nhu cầu”, Andrew Harker, nhà kinh tế trưởng của S&P Global nói.

Dữ liệu của Caixin Insight Group cho thấy, tại Trung Quốc, tăng trưởng sản xuất trong tháng 1 giảm xuống mức yếu nhất trong 4 tháng và thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế.

“Sự gia tăng bất ổn trong các chính sách quốc tế có thể làm xấu đi môi trường xuất khẩu của Trung Quốc, gây ra những thách thức đáng kể cho nền kinh tế", Wang Zhe, chuyên gia kinh tế cấp cao của Caixin Insight Group nói.

Tại Nhật Bản, chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 1 giảm xuống 48,7 điểm từ mức 49,6 điểm vào tháng 12 năm ngoái. Đây là tháng thứ bảy liên tiếp các nhà máy ở Nhật Bản ghi nhận hoạt động suy giảm.

Riêng tại Hàn Quốc, chỉ số PMI cải thiện đôi chút, lên 50,3 điểm. Theo Usamah Bhatti của S&P Global Market, sự cải thiện đến từ doanh số bán hàng mạnh hơn sang các thị trường xuất khẩu, trong khi môi trường kinh tế trong nước ảm đạm.

Những yếu tố cản trở lớn nhất đến hoạt động kinh tế ở nhiều nước châu Á là sản lượng và đơn đặt hàng mới giảm. Trong dấu hiệu cho thấy nhu cầu nước ngoài suy yếu, lượng đơn hàng xuất khẩu giảm tháng thứ ba liên tiếp tại Việt Nam. Trong tháng đầu năm, đơn hàng xuất khẩu tăng chậm lại ở Đài Loan và giảm trong tháng thứ tám liên tiếp tại Nhật Bản. Đơn hàng xuất khẩu chỉ tăng nhẹ ở Hàn Quốc.

Những số liệu PMI mới nhất cho thấy bức tranh thương mại trên toàn khu vực châu Á chuyển sang màu ảm đạm trước khi Tổng thống Donald Trump công bố các mức thuế quan mới nhằm vào 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc, Mexico và Canada vào hôm 1-2. Sau đó, người đứng đầu Nhà Trắng hoãn áp thuế với Mexico và Canada khi hai nước này đưa ra cam kết siết chặt an ninh biên giới để ngăn chặn ma túy và người nhập cư trái phép vào Mỹ.

Thuế quan mới sẽ làm đảo lộn hoạt động thương mại toàn cầu, dù có thể chuyển nhu cầu sản xuất sang nhiều nước trên khắp châu Á khi các công ty tìm cách né thuế quan. Ông Trump cũng cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ sớm bị áp thuế, báo hiệu cuộc chiến thương mại sẽ mở rộng.

Selena Ling, nhà kinh tế trưởng của nhân hàng OCBC nhận xét, tác động của các mức thuế quan mới của Tổng thống Trump là rất đáng kể vì phạm vi rộng hơn so với thời Trump 1.0 và có khả năng gây gián đoạn, ít nhất là trong ngắn hạn, đối với các chuỗi cung ứng có tính tích hợp cao, chẳng hạn như trong lĩnh vực ô tô và năng lượng.

“Xu hướng cần theo dõi trong những tháng tới là liệu mức thuế quan mới công bố của ông Trump có tác động nào không và mức độ thương mại trong khu vực tiếp tục tăng trưởng và thích ứng như thế nào”, giáo sư Goh Puay Guan của Trường Kinh doanh thuộc Đại học quốc gia Singapore NUS nói.

Chuyên gia kinh tế Chua Han Teng của nhân hàng DBS cũng kêu gọi doanh nghiệp cảnh giác trong thời gian dài hơn. Khả năng gia tăng căng thẳng địa chính trị và một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu rộng lớn hơn dưới thời Trump 2.0 sẽ đặt ra những thách thức trung hạn và rủi ro suy giảm đối với các nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều vào thương mại.

Theo Bloomberg, Straits Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/don-hang-moi-cua-nhieu-nha-may-tai-viet-nam-sut-giam/
Zalo